"Thủ đô" của nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng (NKR) - thành phố Stepanakert báo cáo đã bị một máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công
Chiếc tiêm kích nói trên bị cáo buộc đã bay vào vùng trời Nagorno-Karabakh và bắn hai tên lửa. Thông tin về cuộc tấn công của chiến đấu cơ Ankara đã được đại diện Bộ Quốc phòng Armenia xác nhận.
“Kẻ thù lại bắn vào Stepanakert từ máy bay chiến đấu. Một tòa nhà chung cư và một đường ống dẫn khí đốt liền kề đã bị hư hại”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia - ông Artsrun Hovhannisyan tuyên bố.
Tuy nhiên xét trên thực tế là Không quân Azerbaijan chỉ có thể sử dụng máy bay cường kích Su-25 của mình trong khu vực này, nhưng cả chiếc oanh tạc cơ nói trên và những chiến đấu cơ khác đang phục vụ trong quân đội nước này đều không thể vượt qua được các hệ thống phòng không.
Chính vì vậy nên có đầy đủ lý do để cho rằng chính Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tay, trước đó Ankara đã điều động ít nhất 6 chiếc F-16 tới Azerbaijan, chính quyền Yerevan cáo buộc.
Chỉ trong sáu giờ qua, ít nhất 18 cuộc tấn công đã được thực hiện nhằm vào thành phố Stepanakert, với thực tế là quân đội Azerbaijan đang ở cách thủ đô của NKR chỉ khoảng 5 - 7 km.
Các chuyên gia quân sự cũng như nhiều nhà phân tích tình hình khu vực bày tỏ quan điểm rằng lực lượng vũ trang Baku đang chuẩn bị tấn công vào đây để giành thắng lợi quan trọng trên chiến trường.
Hiện tại phía Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ chưa lên tiếng về cáo buộc trên. Cần lưu ý thêm rằng trước đó Armenia đã nhiều lần khẳng định Ankara chính thức tham chiến trên thực địa và yêu cầu Tổ chức phòng thủ tập thể CSTO can thiệp.
Mặc dù vậy cho tới lúc này đại diện của nhiều quốc gia CSTO cũng như Nga đều chưa đưa ra xác nhận về việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tác chiến bên cạnh binh sĩ Azerbaijan.
Hơn nữa, vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh vẫn được quốc tế công nhận thuộc chủ quyền của Baku và chiến tranh chưa lan tới lãnh thổ Armenia, vì vậy lời kêu gọi từ Yerevan gửi tới CSTO rất khó nhận được hồi đáp.
Giới phân tích cho rằng một mình Armenia với tiềm lực kinh tế và quân sự hạn chế sẽ không thể đương đầu nổi với liên minh Azerbaijan và Thổ nhĩ Kỳ, kể cả khi Ankara chỉ đứng sau lưng hỗ trợ chứ không tham chiến trực tiếp.
Theo dự đoán từ các chuyên gia quân sự, có thể trong tuần sau lực lượng vũ trang Baku sẽ kiểm soát tới 40% lãnh thổ Nagorno-Karabakh, tạo tiền đề đánh chiếm toàn bộ vùng đất này.
Vấn đề khiến Armenia đau đầu nhất hiện nay chính là dự đoán về việc quân đội Azerbaijan hết vũ khí công nghệ cao sau hai tuần sử dụng tích cực đã không trở thành hiện thực do Baku được Ankara viện trợ rất hào phóng.
Hiệp định định chiến được hai bên giao tranh thông qua mới đây thực chất chỉ là khoảng trống để họ bổ sung lực lượng đã bị hao hụt, tuy nhiên phía Azerbaijan đang thực hiện điều này tốt hơn nhiều so với Armenia, tạo ra cho họ ưu thế tuyệt đối trên chiến trường.
Bạch Dương