Cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội
Ngày 13/1/2020, hội thảo 'Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở sở giáo dục' đã được Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức.
Số liệu thống kê cho hay, trong 5 năm qua, có khoảng 7.000 trẻ em bị xâm hại.
Tờ Tuổi trẻ đưa tin, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng nhưng đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng dưới nhiều hình thức.
Trong khi đó, nghiên cứu trên 1.700 trẻ em cho thấy phần lớn các em tự học cách sử dụng mạng internet chứ không phải học từ nhà trường, cha mẹ.
Một thông tin đáng lo ngại nữa được đưa ra, cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng nhưng cũng thể đo đếm được về mức độ phổ biến, quy mô của xâm hại trẻ em trên mạng.
Cảnh báo chung đưa ra là “Chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy”.
Đại tá Phan Mạnh Trường - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho hay, năm qua, các lực lượng bảo vệ pháp luật mới phát hiện hơn 150 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng với số lượng tương ứng đối tượng.
Tờ Dân Trí trích lời ông Phan Mạnh Trường cho rằng, đây là loại tội phạm khó phát hiện bởi nó là tội phạm ẩn, sử dụng công nghệ cao. Chính vì vậy, số liệu này không phản ánh được "bức tranh" về thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trên mạng.
Về giải pháp, đứng từ góc độ cơ quan phòng chống tội phạm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, ông đã từng tham quan một trung tâm ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm trên internet ở Úc, có thể nhận định, hoạt động này rất hiệu quả. Cơ quan này có thể lọc, ngăn chặn được hàng nghìn trang web độc hại, không chỉ với trẻ em. Từ kinh nghiệm đó, ông Trường gợi ý mô hình những nhóm phản ứng nhanh để phát hiện liên tục, chặn những hướng đối phó với những trang web xấu, độc tại Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự cũng nêu kinh nghiệm của Mỹ, các cơ quan chức năng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc, kiểm soát những hình ảnh về trẻ em, hình ảnh nhạy cảm được đưa lên mạng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn khả năng xâm hại tình dục trẻ.../.