Cứ 3 chiếc khăn bông trên toàn cầu thì có một chiếc được sản xuất tại Cao Dương
Nếu như Trung Quốc là một trong những nước sản xuất khăn bông nhiều nhất thế giới, thì huyện Cao Dương ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc nước này là một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất Trung Quốc.
Cứ 3 chiếc khăn bông trên toàn cầu thì có một chiếc được sản xuất tại đây. Với vùng đất này, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á vừa là thị trường xuất khẩu vừa là đối thủ cạnh tranh và đối tác hợp tác, đầu tư.
Huyện Cao Dương nằm cạnh Khu mới Hùng An, cách Bắc Kinh khoảng 180 km về phía Nam. Mặc dù diện tích chỉ 441 km2 với 320.000 dân, nhưng tại đây có tới hơn 4.200 doanh nghiệp dệt may, giá trị sản lượng hàng năm lên tới gần 58 tỷ nhân dân tệ (hơn 8 tỷ USD), sản lượng và lượng tiêu thụ khăn bông và thảm chiếm tới 1/3 toàn quốc.
Ông Từ Thanh (Xu Qing), Phó Chủ tịch huyện Cao Dương cho biết: “Cao Dương là thủ đô khăn bông của Trung Quốc. Tổng sản lượng của chúng tôi chiếm 33% toàn cầu và 40% thị phần ở Trung Quốc. Sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu sang 128 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam".
Với lịch sử hơn 400 năm, cụm ngành dệt khăn bông của Cao Dương được bình chọn là Cụm ngành đặc trưng doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn quốc năm 2023, cùng với các danh hiệu như “Quê hương dệt may của Trung Quốc”, “Thành phố khăn và thảm nổi tiếng Trung Quốc” hay “Cơ sở R&D sản phẩm khăn bông của Trung Quốc”.
Từ những năm 2000 trở lại đây, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp truyền thống địa phương, huyện này đã đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất sang tự động hóa và nay là số hóa và thông minh hóa. Dây chuyền sản xuất tại đây đang từng bước áp dụng công nghệ 5G, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, mô hình kỹ thuật số 3D, xây dựng hệ thống quản lý MES trực quan, có thể thực hiện việc quản lý tích hợp và trực quan đơn hàng, quy trình, chất lượng, thiết bị và mức tiêu thụ năng lượng, giúp công suất tăng lên gấp 3 lần so với dây chuyền sản xuất thông thường.
Bà Đoàn Huệ (Duan Hui), Giám đốc thiết kế Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Lượng Hà Bắc, chia sẻ về hiệu quả sau khi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất khăn bông: “Một chiếc máy viền khăn tự động của chúng tôi có hiệu suất tương đương với 3 người khi cùng lúc có thể thao tác được 3 công đoạn. Không chỉ vậy, máy có thể sản xuất không ngừng nghỉ, chúng tôi không cần phải lo lắng về thời gian và cường độ làm việc, do vậy hiệu quả được cải thiện đáng kể. Sau khi sử dụng máy móc tự động hóa, số công nhân của chúng tôi đã giảm khoảng 40%, trong khi hiệu quả sản xuất tăng lên rất nhiều".
Theo ông Từ Thanh, Phó Chủ tịch huyện Cao Dương, việc chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng công nghệ và hoàn thiện chuỗi cung ứng sản phẩm đã giúp địa phương này có được những ưu thế trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia phát triển mạnh ngành dệt may như Việt Nam và nước Đông Nam Á.
“Lợi thế đầu tiên của chúng tôi là nguyên liệu. Thứ hai là sản xuất số hóa và thông minh hóa. Thông qua áp dụng công nghệ, giá thành sản phẩm của chúng tôi đã giảm đáng kể. Trong vấn đề này, chúng tôi có sự tự tin nhất định vào khả năng cạnh tranh với các nước Đông Nam Á. Thứ ba là cách bố trí theo cụm công nghiệp. Phân cụm là một dự án thí điểm mà chúng tôi đang thực hiện. Cụm công nghiệp giúp quy tụ các doanh nghiệp xoay quanh hoạt động sản xuất thuộc chuỗi cung ứng vào một khu vực. Tại đây, chúng tôi cắt giảm được chi phí, cải thiện được tính ổn định của chuỗi cung ứng để đảm bảo sản phẩm vừa tốt vừa rẻ. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường khâu thiết kế với việc học hỏi từ châu Âu và Nhật Bản để tăng sức cạnh tranh" - ông Từ Thanh cho biết thêm.
Tuy nhiên, quan chức này cũng cho rằng, do phân khúc sản phẩm khác nhau, nên các doanh nghiệp khăn bông ở Cao Dương nói riêng và Trung Quốc nói chung vẫn có nhu cầu hợp tác đầu tư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Theo ông, với lợi thế bổ sung, doanh nghiệp hai bên có thể chia sẻ đơn hàng, cũng như hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và thiết kế sản phẩm.