Cứ 3 ngày người Việt lại mua hàng online một lần
Không chỉ mê mua hàng online, tỷ lệ người mua sắm tại cửa hàng truyền thống của người Việt Nam cũng giảm từ 76% năm 2019 xuống 67% vào cuối năm 2021.
Theo báo cáo mới đây từ DPD Group, Việt Nam đang vượt trội về lượng đơn hàng mua trực tuyến với trung bình 104 lần/người/năm. Tương đương cứ khoảng 3 ngày, là một người Việt sẽ mua hàng online/lần.
Trong khi đó, con số trung bình của người dùng 6 quốc gia Đông Nam Á được khảo sát chỉ là 66 lần/năm. Cụ thể, mỗi năm người Thái Lan mua 75 đơn, người Philippines là 58 đơn, người Singapore là khoảng 52 đơn...
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Thái Lan với 16% và ngang hàng với Philippines.
Như vậy, người Việt Nam cực kỳ yêu thích việc mua sắm online và hiện đang dẫn đầu khu vực về nhiều chỉ số. Theo một báo cáo khác từ Statista thì hiện tại Việt Nam đang sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Theo báo cáo, trong nửa đầu 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến mới, với 55% đến từ khu vực thành thị.
DPD Group chia sẻ độ tuổi trung bình của khách hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử là 36 tuổi. Và họ có đặc biệt đó là sự hiểu biết và kinh nghiệm mua sắm dày dặn.
Khi người Việt Nam nói riêng, người tiêu dùng Đông Nam Á nói chung ngày càng quen với việc mua sắm trực tuyến, họ cũng ngày càng tham gia nhiều hơn vào hoạt động bán lẻ xuyên biên giới.
Trên thực tế, hơn một nửa số người được hỏi đã mua hàng từ một trang web nước ngoài tại một số thời điểm nhất định. Số lượng người thực hiện mua sắm trực tuyến xuyên quốc gia dự kiến sẽ còn tăng lên trong tương lai.
Bên cạnh việc đặt mua hàng từ các quốc gia khác trong cùng khu vực, người tiêu dùng Đông Nam Á còn tăng cường mua hàng từ những quốc gia lớn hơn tại châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thói quen mua sắm mới này cho thấy nhu cầu cần thiết của các nhà bán lẻ trực tuyến để mở rộng cơ sở khách hàng của họ ra ngoài biên giới quốc gia.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mua sắm tại cửa hàng (offline) giảm từ 76% năm 2019 xuống 67% vào cuối năm 2021, theo báo cáo của PwC, trong khi mua hàng qua các nền tảng trực truyến và điện thoại thông minh (online) tăng từ 55% lên 69%.
Thống kê cho thấy, 38% số người tham gia khảo sát cho rằng giao hàng miễn phí là động lực quan trọng để mua hàng online. Phần lớn khách hàng lựa chọn mua sắm online vì tiết kiệm hơn các hình thức khác.
"Tuy nhiên, ngoài lợi thế giá bán, trải nghiệm trên các nền tảng thương mại điện tử đang không được quan tâm đúng mức", DPD Group đánh giá.