Cụ bà 90 tuổi mở phòng châm cứu thú y miễn phí

Với một tình yêu thương động vật lớn lao, mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 91 nhưng PGS, TS Phạm Thị Xuân Vân vẫn duy trì Phòng khám châm cứu thú y cộng đồng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) trong suốt hơn 10 năm qua.

Nằm sâu trong con ngõ 64 Ngô Xuân Quảng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng khám châm cứu thú y của PGS, TS Phạm Thị Xuân Vân chỉ là một căn nhà cấp bốn nhỏ nhưng lúc nào cũng rất đông người ra vào với những “bệnh nhân” đặc biệt. Người dân nơi đây, những người nuôi thú cưng và hơn hết là các thế hệ sinh viên Học viện Nông nghiệp đều không xa lạ gì địa điểm này, nơi có câu chuyện về một “bà tiên giữa đời thường”.

 Phòng khám châm cứu thú y cộng đồng tại ngõ 64 Ngô Xuân Quảng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Phòng khám châm cứu thú y cộng đồng tại ngõ 64 Ngô Xuân Quảng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đôi tay vàng cứu lấy hàng ngàn sinh mệnh

Nghỉ hưu ở tuổi xế chiều, bà Vân vẫn tiếp tục nghiên cứu về lĩnh vực Châm cứu thú ý nhưng cũng phải đến năm 2013 bà mới mở Phòng châm cứu thú y cộng đồng này. Bà cho biết, lý do bà quyết định mở phòng khám là vì tình yêu của bà với động vật. Bà đã có kinh nghiệm 5 năm (1953-1958) học Thú y tại Học viện Nông nghiệp Hoa Nam (Trung Quốc). Chính vì vậy, bà đã vận dụng khả năng châm cứu của mình để chữa trị cho những chú chó, mèo bị thương tật. Không chỉ vậy, phòng khám của bà còn là nơi tiếp lửa đam mê cho nhiều thế hệ sinh viên ngành Thú y.

“Tôi muốn truyền trao lại môn châm cứu thú y đến sinh viên, để nó không bị mai một. Tôi mong rằng nó có thể phát triển như lĩnh vực châm cứu cho người” - Bà Vân chia sẻ.

 PGS, TS Phạm Thị Xuân Vân với đôi bàn tay miệt mài cứu chữa động vật ở tuổi ngoài 90.

PGS, TS Phạm Thị Xuân Vân với đôi bàn tay miệt mài cứu chữa động vật ở tuổi ngoài 90.

Trung bình mỗi tháng, phòng khám sẽ tiếp nhận khoảng hơn 30 con vật bị bệnh, có đợt đỉnh điểm thì lên đến 50 con. Có nhiều “bệnh nhân” đã đem đi điều trị nhiều nơi nhưng chỉ khi đến phòng khám và được bà Vân châm cứu thì mới bình phục. Chị Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - chủ của một chú chó đang được điều trị tại đây chia sẻ: “Con cún nhà mình đã được đưa đi điều trị, cấp cứu ở rất nhiều nơi mà không khỏi, sau khi được bên phòng khám giới thiệu và tìm hiểu trên các trang mạng xã hội, báo chí thì chị quyết định đưa bé đến đây. Thấy bà Vân rất có tâm nên chị để bé ở lại đây châm cứu và điều trị luôn. Thật may chỉ sau một tuần mình đã thấy bé tiến triển tốt hơn nhiều”.

Một chặng đường dài đầy những khó khăn

Để duy trì được phòng khám trong 10 năm qua, bà Vân cũng gặp không ít khó khăn. Bà nhận điều trị cho những “bệnh nhân” đặc biệt này với mức “viện phí” chỉ 500.000 đồng/tháng, trong khi đó chi phí ăn uống, sinh hoạt của mỗi bé chó, mèo không hề rẻ. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp thú cưng sau một thời gian dài điều trị không tiến triển nên đã bị chủ bỏ rơi tại phòng khám. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ từ tập thể, sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng nên bà có thể tiếp tục duy trì hoạt động phòng khám.

 Những người yêu động vật luôn tin tưởng gửi gắm “đứa con” của mình cho phòng khám.

Những người yêu động vật luôn tin tưởng gửi gắm “đứa con” của mình cho phòng khám.

Cũng không ít lần, bà gặp phải những ca bệnh khó chữa trị, thậm chí là không thể khỏi. Cũng giống như con người, có những ca chó mèo để bị liệt lâu ngày, khi mang đến chấn thương đã quá nặng, vì vậy phải đưa ra kết luận là không thể cứu chữa. Bên cạnh đó, bà cùng với các sinh viên phải tự thiết kế máy móc, thiết bị chữa trị cho chó mèo như chiếc xe lăn, giúp “bệnh nhân” có thể tiện đi lại, không phải lê lết, tránh làm cho vết thương bị tổn thương nặng hơn.

Giữ lửa cho thế hệ châm cứu thú y trong tương lai

Phòng khám của bà Vân ngày nào cũng có các bạn sinh viên, thực tập sinh đến tham quan, học hỏi và nâng cao kỹ năng. Dù đã tuổi cao nhưng tuần nào bà cũng dành ra 4 buổi đến phòng khám để truyền dạy kiến thức, kỹ năng về châm cứu và điều trị thú y cho các thực tập sinh. Có lẽ đây cũng chính là niềm mong mỏi nhất của bà sau một chặng đường dài nghiên cứu và phát triển lĩnh vực châm cứu thú y tại Việt Nam. Bà muốn thông qua phòng khám này vừa đem đến một môi trường rèn luyện thực tế cho các bác sĩ thú y tương lai vừa truyền lửa cho các bạn tình yêu động vật cũng như nhiệt huyết với lĩnh vực châm cứu thú y.

 Phòng khám luôn có các bạn sinh viên đến thực tập.

Phòng khám luôn có các bạn sinh viên đến thực tập.

Bà cũng luôn nhắc nhở những bạn thực tập sinh về đạo đức của một người làm châm cứu thú y. Thứ nhất, phải biết yêu thương chó mèo, coi chúng như người thân của mình. Tiếp đó là phải cần cù, chịu khó, không ngại khó khăn vì chăm chó, mèo không hề dễ và sẽ thường xuyên bị chúng cắn, cào... Không chỉ vậy, cầu thị, ham học hỏi, nghiên cứu cũng là một phẩm chất cần có. Bà Vân chia sẻ: “Tôi luôn căn dặn học trò của tôi rằng mình biết đến đâu thì thực hành đến đấy, khi ghi bệnh án phải cẩn thận, chi tiết, cụ thể không được qua loa, đại khái cho xong, phải đặt cái tâm trong từng hành động mới có thể chữa bệnh thành công”.

Anh Trọng Nguyên - một thành viên của Hội Châm cứu thú y đã thực tập tại phòng khám được gần 3 năm chia sẻ: “Bà Vân đôi lúc rất nghiêm khắc, nhưng luôn thấu hiểu tâm lý các bạn thực tập sinh, yêu thương các bạn động vật. Đặc biệt là những chú chó nhỏ bà tự tay châm cứu, điều trị. Hiện tại bà chỉ quản lý và hướng dẫn các thực tập sinh, còn một số “bệnh nhân” quá bé nhỏ hoặc khó thì bà sẽ tự tay làm”.

 Các thực tập sinh tiếp nối bà Vân giữ ngọn lửa đam mê với ngành châm cứu thú y.

Các thực tập sinh tiếp nối bà Vân giữ ngọn lửa đam mê với ngành châm cứu thú y.

Sau hơn 10 năm hoạt động, phòng châm cứu của bà giáo già Phạm Xuân Vân đã nhận được sự tin yêu từ cộng đồng, đặc biệt là những người yêu động vật và các thế hệ sinh viên thú y. Mong rằng trong tương lai, phòng khám sẽ càng phát triển và lan tỏa được nhiều giá trị tốt đẹp trong xã hội.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH - THANH BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cu-ba-90-tuoi-mo-phong-cham-cuu-thu-y-mien-phi-721080