Kỷ niệm 70 năm Trận chiến đấu xóm Buộm (3/7/1954- 3/7/2024): Xóm Buộm, Hoàng Tây - Ngày ấy, bây giờ
Tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoàng Tây (Kim Bảng), trong số 150 ngôi mộ hiện hữu thì có tới 47 ngôi mang chung một thông tin 'Hy sinh ngày: 03-07-1954', trong đó 45/47 ngôi cùng có thêm dòng chữ: 'Liệt sĩ chưa xác định được thông tin', 'Đơn vị E95 - F395'. 47 liệt sĩ đó là những cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực (thuộc một đại đội của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325) và du kích địa phương đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu với quân Pháp tại xóm Buộm (Hoàng Tây) cách đây tròn 70 năm.
Chiến tranh đã lùi xa, cùng với bao làng quê khác, dải đất đồng chiêm trũng bên dòng Nhuệ giang - Hoàng Tây đã đổi thay rất nhiều trong diện mạo nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng sự kiện hào hùng, bi tráng mang tên “xóm Buộm” vẫn còn đó sâu đậm niềm tự hào cùng những trăn trở trong tâm thức bao người dân từng trải nơi đây.
Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Hoàng Tây 1930 - 2010”, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với địa hình đồng chiêm trũng nằm ven dòng sông Nhuệ, Hoàng Tây nói chung, xóm Buộm nói riêng có vị trí quân sự trọng yếu. Từ Hoàng Tây, các đơn vị bộ đội chủ lực và du kích địa phương có thể dễ dàng quan sát và thuận lợi khi đánh giá chính xác tình hình quân địch ở các vùng lân cận. Đồng thời, có thể chủ động vạch ra nhiều phương án bố trí những trận phục kích chia cắt đội hình cơ động của địch khi chúng hành quân, hoặc triển khai các mũi chi viện, ứng cứu từ Hà Nội về Phủ Lý, Nam Định theo đường bộ, đường sông và ngược lại. Trong kháng chiến chống Pháp, du kích Hoàng Tây đã nhiều lần phối hợp cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tổ chức các trận tiến công tiêu hao sinh lực địch, không để địch chiếm thế chủ động trên chiến trường vùng đồng bằng Hà Nam.
Đầu tháng 5/1954, sau trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, tư tưởng hầu hết các đơn vị quân Pháp tại vùng đồng bằng Hà Nam, Nam Định đều ở vào tình trạng hoang mang, rệu rã. Biết không thể trụ vững trên hướng chiến trường này, quân Pháp đã quyết định thực hiện một cuộc rút quân quy mô lớn từ Nam Định, Hà Nam về Hà Nội.
Để mở đường cho cuộc rút chạy bất đắc dĩ này, sáng sớm 3/7/1954, quân Pháp dồn lực lượng tổ chức một đội hình hành quân lớn (gồm 20 xe lội nước mang theo nhiều lính bộ binh) từ Phủ Lý ngược lên địa phận Kim Bảng. Đội hình hành quân của địch từ các vị trí đồn trú ở Phủ Lý cơ động qua Ba Đa đến Kim Bình thì chia thành hai mũi: Mũi thứ nhất vòng qua Trung Đồng (Văn Xá) tiến về Hoàng Tây; mũi thứ hai đi qua Kim Thanh (Kim Bình) lên Văn Xá tiến về Ngọc Sơn. Đồng thời, chúng điều một tiểu đoàn bộ binh đang đóng ở bốt Nhật Tựu rải quân từ Yên Phú đến Điền Xá (Văn Xá) để yểm trợ. Mặt khác, chúng cho máy bay trinh sát, máy bay ném bom quần đảo liên tục hòng khống chế quân ta từ trên cao và “dọn đường” cho đội hình chính của chúng có thể rút chạy an toàn về Hà Nội.
Về phía quân ta, biết trước tình thế và âm mưu của địch nên từ giữa tháng 6/1954, một đại đội thuộc Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 quân chủ lực được điều về đóng chốt tại Hoàng Tây để thực hiện nhiệm vụ quan sát, đánh giá tình hình và sẵn sàng tiến đánh chia cắt đội hình địch từ Nam Định, Phủ Lý rút chạy về Hà Nội theo tuyến đường bộ. Ngày 3/7/1954, lực lượng bộ đội chủ lực và du kích địa phương bố trí thành các cụm chiến đấu ngoài sông Nhuệ, sẵn sàng tiến đánh địch. Khi phát hiện địch hành quân bằng xe lội nước, các mũi quân ta rút về xóm Đông, xóm Buộm để bố trí trận địa đón đánh.
Xe lội nước của địch hành quân từ Kim Bình lên Đình Si, khi thấy bộ đội ta rút sang xóm Buộm chúng dừng lại quan sát, rồi gọi pháo binh ở bốt Nhật Tựu cấp tập bắn về, phối hợp với pháo trên xe, pháo 37mm và bộ binh đồng loạt tiến công vào trận địa của ta tại xóm Buộm. Sau các đợt pháo kích uy hiếp dồn dập, quân Pháp dàn đội hình (gồm một tiểu đoàn bộ binh và quân từ các xe lội nước) tỏa ra mở cuộc càn quét hòng “dọn sạch đường” cho cuộc rút chạy về Hà Nội.
Với tinh thần kiên quyết tiến công, tiêu hao sinh lực địch, bộ đội chủ lực hiệp đồng chặt chẽ với du kích Hoàng Tây đã nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Thế trận diễn ra quyết liệt giữa một bên địch quân số đông, được trang bị vũ khí hiện đại với một bên quân ta lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ. Trước sức tiến công điên cuồng cùng hỏa lực mạnh hơn gấp bội của địch, bộ đội chủ lực, du kích và nhân dân Hoàng Tây không chịu lùi bước, quyết tâm chốt giữ từng ngôi nhà, ngõ xóm, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, buộc chúng phải cầu viện máy bay trực thăng từ Hà Nội xuống vận chuyển thương binh và vội vã tháo chạy. Trong trận chiến đấu này, 45 bộ đội chủ lực thuộc một đại đội của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 và 2 du kích xã Hoàng Tây đã anh dũng hy sinh…
Quá trưa ngày 3/7, khi tàn quân địch vừa tháo chạy hết về Hà Nội, du kích và nhân dân địa phương lập tức tỏa đi tìm kiếm, cứu chữa thương binh và làm lễ khâm liệm, an táng những bộ đội, du kích hy sinh. Số lượng bộ đội hy sinh nhiều, điều kiện kháng chiến thiếu thốn, khó khăn, không đủ gỗ, du kích cùng nhân dân phải dỡ cửa và vách đình làng ghép lại thành quan tài khâm liệm, an táng các liệt sĩ trong niềm khâm phục, tiếc thương vô hạn. Từ đó đến nay, ngoại trừ 2 du kích người địa phương, 45 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ thuộc một đại đội của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 hy sinh trong trận chiến xóm Buộm được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoàng Tây vẫn chưa thể xác định tên tuổi, gia đình, quê quán… Bởi thế nên trên tấm bia 45/47 ngôi mộ đặc biệt đó đều cùng cùng dòng chữ: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, “Đơn vị E95 - F325”; “Hy sinh ngày: 3/7/1954”…
Tròn bảy thập kỷ đã đi qua, dấu tích bom đạn cùng những mất mát, đau thương của cuộc chiến hôm qua đã nhiều phần lắng dịu. Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoàng Tây ở khu vực trung tâm hành chính được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân địa phương thành kính tôn tạo thành một công trình bề thế, trang nghiêm. Kề bên nghĩa trang có một hồ nước trong xanh trồng hoa sen, cứ vào những ngày tháng bảy hằng năm lại đơm bông, tỏa hương thơm ngát. Phần mộ của 47 liệt sĩ hy sinh trong trận chống càn xóm Buộm (ngày 3/7/1954) cùng hàng trăm phần mộ liệt sĩ con em quê hương Hoàng Tây hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được cán bộ, đảng viên, quân và dân trong xã chăm sóc khói hương chu đáo. Tại chùa xóm Buộm, vào ngày rằm, mùng một hằng tháng, lễ, Tết hằng năm, vị sư trụ trì cùng các già và nhân dân trong xóm đều thành kính dâng hương, cúng lễ, cầu mong anh linh các anh hùng liệt sĩ được ấm lòng nơi chín suối…
Năm 2022, Hoàng Tây được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Năm 2024 - kỷ niệm tròn 70 năm trận chiến bi hùng xóm Buộm cũng là thời điểm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hoàng Tây nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu “cán đích” xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về giáo dục. Vượt lên mặc cảm của một trong những địa phương có địa hình trũng nhất, điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… thuộc diện khó khăn nhất huyện Kim Bảng, những năm gần đây Hoàng Tây đã có sự đổi thay mạnh mẽ.
Quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, khuyến khích nhân rộng những mô hình nuôi trồng đa canh, sản xuất nông sản hàng hóa gắn với mở mang thương mại, dịch vụ… đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập bình quân của người dân (phấn đấu năm 2024 đạt 86 triệu đồng/người/năm). Kinh tế hộ phát triển, cùng với tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể Hoàng Tây tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay đóng góp cải tạo, nâng cấp mạng lưới các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội ở địa phương. 100% trục đường liên thôn, nội thôn, ngõ xóm đều được cứng hóa đồng bộ cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Mạng lưới trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, điểm luyện tập thể dục thể thao của xã và các thôn đã cơ bản hoàn chỉnh. Thay cho những thôn, xóm trũng, khuất, đìu hiu, nghèo khó một thời, hôm nay hầu hết các cụm dân cư trải đều ở khắp địa phận Hoàng Tây đều sáng màu những ngôi biệt thự, nhà cao tầng kiểu dáng đời mới…
Dịp kỷ niệm tròn 70 năm trận chiến bi hùng mang tên xóm Buộm (3/7/2024), cùng với niềm tự hào, niềm thành kính tưởng nhớ, tri ân, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hoàng Tây còn có chung một niềm mong ước thiết tha. Đó là mong các cấp, ngành dựng lên ở đất này một công trình tưởng niệm xứng tầm, để ghi dấu một sự kiện lịch sử oai hùng, để thể hiện lòng thành kính tri ân, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và quan trọng hơn hết là để thế hệ hôm nay, mai sau luôn khắc sâu niềm tự hào, biết ơn, từ đó có thêm động lực và trách nhiệm đóng góp xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.