Nhà thơ Lữ Mai: Người viết cho thiếu nhi phải như hiệp sĩ
Văn học thiếu nhi là một đề tài thú vị, góp phần định hình một phần quan trọng xây dựng tâm hồn cho trẻ thơ. Phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Lữ Mai.
Phóng viên: Mặc dù gần đây, đã có không ít các cuộc thi, giải thưởng dành riêng cho văn học thiếu nhi nhưng mảng sách này vẫn thưa vắng tác giả mới, chưa có nhiều tác phẩm hay chạm tới tâm hồn các bạn nhỏ. Bên cạnh đó, sự lấn át của sách dịch đang khiến cho văn học dành cho lứa tuổi thiếu nhi trong nước bị lép vế. Chị nghĩ sao về vấn đề này?
Nhà thơ Lữ Mai: Tôi cho rằng, những năm gần đây văn học thiếu nhi đã có những khởi sắc. Một số giải thưởng lớn ví dụ Giải thưởng Sách Quốc gia cũng đã tôn vinh những tác phẩm cho thiếu nhi ở mức giải cao; theo thống kê từ các đơn vị xuất bản, phát hành, mảng sách này cũng tăng mạnh về số lượng. Tuy nhiên, nếu so sánh về tiềm năng của mảng đề tài này cũng như đòi hỏi từ độc giả, đời sống thì số lượng, chất lượng sách thiếu nhi vẫn chưa xứng. Việc ta đang đề cập là “chạm tới tâm hồn” vốn khó định lượng một cách cơ học, mà ta chỉ đo bằng cảm xúc, sự thích thú hoặc sức tiêu thụ của độc giả. Tuy nhiên, tôi cũng nhớ tới tuổi thơ mình, có những cuốn sách “chạm tới tâm hồn” mà tôi cứ đọc đi đọc lại, đến giờ đôi khi vẫn đọc, như cuốn “Hoàng tử bé” thì rõ ràng là chưa có kênh để đo đếm cũng như không thể nhận diện qua sức tiêu thụ vì bấy nhiêu năm tôi thích không nhiều tác phẩm.
Những người viết cho thiếu nhi không nhiều, chủ yếu các nhà văn khai thác đề tài dành cho người trưởng thành. Nhiều nhà văn nghĩ rằng viết cho thiếu nhi có gì đó “hơi dễ” hay có cảm giác không tương xứng. Vì thế họ chưa thực sự coi trọng văn học viết cho thiếu nhi. Là người có sáng tác cho thiếu nhi, chị nhận định như thế nào?
Có hai đối tượng viết cho thiếu nhi: Một là người lớn và hai là chính thiếu nhi. Đối tượng thứ hai có lẽ không phải bàn cãi, bởi sự trong sáng, thơ ngây trong cảm xúc, tư duy được bảo toàn và chúng ta sẽ luôn cảm nhận được những góc riêng thú vị trong tác phẩm. Còn người lớn, tôi cảm thấy đôi khi nếu cách suy nghĩ bị phức tạp quá, mưu cầu quá thì không chạm vào tâm hồn thiếu nhi được. Trước hết, người lớn cần là những người bạn thực sự của thế giới tuổi thơ, cần chinh phục văn học thiếu nhi bằng đam mê trong sáng như một nhu cầu tự thân. Như tôi biết, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bền bỉ với đề tài thiếu nhi bởi ông luôn làm bạn cùng trẻ nhỏ, hằng ngày đều trò chuyện, tương tác, vui chơi. Nhà văn Trần Đức Tiến nhiều năm qua luôn lặng lẽ chia sẻ, ủng hộ và giao lưu với thiếu nhi rất nhiều. Cả hai cây bút trên đều được tôn vinh ở Giải Hiệp sĩ Dế Mèn của Giải thưởng Văn học Thiếu nhi Dế Mèn và ai cũng thấy xứng đáng. Hay Tiến sĩ Giáo dục - nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, bên cạnh các tác phẩm cho thiếu nhi, chị miệt mài phát triển Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, các dự án dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài... Những câu chuyện trên khiến tôi hình dung, người viết cho thiếu nhi cần phải như hiệp sĩ. Tức là dấn thân thật trong sáng, hào hiệp và hăng say.
Để khỏa lấp khoảng trống cả về chất và lượng đối với văn học thiếu nhi, cần phải làm gì thưa chị?
Đây là một vấn đề lớn, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Đầu tiên, tôi nghĩ đến những nền tảng cơ bản cho văn học thiếu nhi phát triển, trong đó có cả gia đình, nhà trường, xã hội chứ không chỉ có ở các nhà văn, các hội văn học nghệ thuật. Chỉ khi nào các nền tảng này được chăm chút, bồi đắp thì chúng ta mới có nền văn học phát triển. Nỗ lực của các văn nghệ sĩ thôi chưa đủ, mà từ những câu chuyện gần gũi nhất đó là ở môi trường gia đình cũng cần thay đổi. Chúng ta không thể mong trẻ em mê đọc sách, sáng tác tốt hay mà bố mẹ không màng tới sách hoặc không khuyến khích con em. Cũng thật khó để trẻ em yêu văn học thiếu nhi nếu không được tiếp nhận bài giảng hay, sự lồng ghép, liên hệ thú vị khi học tập. Còn với xã hội, có rất nhiều dự án cộng đồng, nhưng rõ ràng văn học thiếu nhi đang là mảng thiếu hụt so với nhu cầu, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, miền xa. Đôi khi, chúng ta mới quan tâm tới cơm no, áo ấm... Điều đó là tốt nhưng chưa đủ, bởi ước mơ, khát vọng thường được chắp cánh từ những trang sách.
Xưa nay chúng ta vẫn hay nói về vấn đề văn hóa đọc. Trong đó, vấn đề xây dựng văn hóa đọc cho trẻ là vấn đề rất được quan tâm. Để làm được điều này, để sách thực sự thu hút được các em thì theo chị, đội ngũ sáng tác cần thay đổi ra sao?Trước hết, người viết cho thiếu nhi thì phải yêu, phải hiểu thiếu nhi. Nhưng điều tưởng đơn giản này lại không hề dễ dàng. Người viết, dù được phú cho tài năng, kỹ năng song đôi khi vẫn vô cảm, thờ ơ, cạn kiệt cả cảm xúc và vốn sống. Bên cạnh đó, có thể họ cũng không đủ tâm huyết để làm bạn với thiếu nhi. Việc thay đổi đầu tiên thuộc về tâm lý, cảm xúc và sự rộng mở trong tâm hồn người viết. Tiếp theo, tôi nghĩ rằng việc rèn giũa, bồi đắp, nhận ra thiếu sót của mình là rất cần thiết để người lớn “trưởng thành” hơn khi làm bạn với thiếu nhi. Khi chúng ta chưa thể làm điều gì lớn lao, ở tầm vĩ mô hoặc mang tính đồng bộ, thúc đẩy cùng lúc các nền tảng thì có thể bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ, thú vị, đáng yêu với những nụ cười và sự trìu mến dành cho trẻ nhỏ.
Thông tin tác giả Lữ Mai
Sinh năm: 1988
Hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân dân, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cố vấn chuyên môn các chương trình: Vua Tiếng Việt (VTV3), Văn Vui vẻ (VTV7). Ngoài hoạt động văn chương, báo chí, chị còn tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng, cảm thụ, sáng tác văn học của Trung tâm Cây Bút Nhí.
Đã xuất bản 15 tác phẩm chính đa dạng về thể loại: Thơ, truyện ngắn, tản văn, tùy bút… trong đó nổi bật có thể kể tới ba trường ca về các đề tài lớn: “Ngang qua bình minh” (NXB Văn học, 2020) đề tài chủ quyền biển đảo; “Chư Tan Kra mây trắng” (NXB Hội Nhà văn, 2021), đề tài chiến tranh cách mạng; “Hồi sinh” (NXB Hội Nhà văn, 2022) đề tài về đại dịch Covid-19.
Một số giải thưởng: Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 - nay của Hội Nhà văn Việt Nam cho trường ca “Ngang qua bình minh”; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân cho bộ sách “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi”; Giải thưởng của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho tác phẩm “Nơi đầu sóng”; Giải thưởng truyện ngắn của Quỹ Nhà văn Lê Lựu; Giải Nhất Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển”, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức năm 2022; giải Nhì Cuộc thi “Sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài hình tượng người chiến sĩ cảnh vệ CAND” của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ năm 2023; Giải thưởng Cuộc thi Thơ Huế, Tạp chí Sông Hương; Giải Khát vọng Dế Mèn của Giải thưởng Văn học Thiếu nhi Dế Mèn năm 2024 (Báo Thể thao và Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức), hiện bản thảo đã được Linh Lan Book mua bản quyền và dự kiến xuất bản trong mùa hè 2024