Cụ bà 91 tuổi nhặt ve chai nuôi con gái tâm thần ở Sài Gòn
Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Trương Thị Biết (91 tuổi) vẫn hằng ngày nhặt ve chai nuôi người con gái út 60 tuổi nhưng vẫn ngây dại như đứa con nít.
Video: Tâm sự của cụ bà 91 tuổi nhặt ve chai nuôi con tâm thần
Nơi trú ngụ của mẹ con cụ Trương Thị Biết (91 tuổi) nằm sâu trong dãy trọ nhỏ trên đường Hồ Hảo Hớn (phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM). Căn nhà trọ ẩm thấp, chật chội chưa đầy 5m2 là nơi cụ được một người cháu họ cho thuê lại với giá 300 ngàn đồng 1 tháng.
Sinh ra 6 người con, trong đó có đến 3 người con trai nhưng đến nay cụ Biết chỉ còn lại 1 người con gái út tên Trương Thị Cẩm Vân (60 tuổi) bị bệnh tâm thần đã lâu.
Chỉ được nghe con gọi “bà Bánh Sùng”
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Rạch Giá (Kiên Giang), nhưng từ thời trẻ cụ Biết đã lưu lạc lên Sài Gòn rồi sinh sống luôn tại đây.
Không nhớ nổi số tuổi của con gái út, cụ chỉ mang máng rằng “người ta nói nó 60 tuổi, mà không biết hơn 50 hay 60 tuổi nữa”, nhưng những ký ức tủi khổ một thời cụ lại nhớ rành rọt từng chút.
Lấy chồng, sinh ra được 6 người con nhưng 5 con đầu của cụ lần lượt qua đời. Cụ khẽ nhìn xa năm như đang hồi tưởng lại quá khứ, nỗi đau buồn thoáng hiện lên khuôn mặt đã chằng chịt nếp nhăn của cụ.
Cụ kể, các con cụ đều đã lớn khôn, có công ăn việc làm ổn định nhưng lần lượt theo cha về bên kia núi. Họ không bị bệnh thi cũng buồn khổ mà tự tử, người ra đi trẻ nhất là con trai thứ 3 của cụ qua đời khi vừa tròn 27 tuổi.
Không nỗi đau nào hơn cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, lần lượt nhìn 5 đứa con chết đi, cụ tưởng mình không thiết sống nữa. Nhưng rồi thương người con gái út ngây dại, cụ lại cố gắng sống tiếp để chăm con.
“Hồi xưa con Vân nó cũng bình thường, mà sau sao đó nó bị bệnh tâm thần. Có lần nó bỏ nhà đi xuống tận Vũng Tàu, xong bị công an bắt lại, người ta đem nó về nuôi 2 năm. Sau nó đỡ bệnh, người ta hỏi tên tuổi cha mẹ, nó nói tui, rồi người ta lại nhà nói tui xuống đón nó về.
Từ khi về nó ngoan lắm, nó bị bệnh rồi hay đi lang thang vậy thôi chứ không có phá ai hết”, cụ Biết kể.
Từ lúc trở về từ Vũng Tàu, bà Vân dường như không còn nhận ra người mẹ già khốn khổ của mình nữa. Dù ngoan ngoãn, nghe lời như đứa trẻ lên 3 nhưng chưa một lần bà Vân gọi cụ Biết là “má” như trước kia.
Cụ cười tâm sự: “Nó gọi tui là bà Bánh Sùng không à, làm gì cũng bà Bánh Sùng ơi! Do hồi xưa tui không đi nhặt ve chai mà tui đi bán bánh sùng ngoài lề đường. Thôi kệ, nó không bỏ đi nữa là được”.
Nhặt ve chai nuôi con tâm thần
Đã 91 tuổi nhưng cụ Biết vẫn minh mẫn, tinh anh dù thỉnh thoảng cụ phải xích lại gần để nghe cho rõ câu hỏi và trả lời những điều không đầu không cuối.
Bài liên quan
Người mẹ chỉ mong được sống để chăm 2 con bại não
Mỗi ngày, cụ đều ngồi chờ bà Vân đi chơi đâu đó ở đầu ngõ về, cho ăn uống rồi lại để con đi chơi, còn cụ lặn lội khắp nơi nhặt ve chai kiếm sống.
Cụ bảo: “Con Vân nó đi ra ngoài suốt, khi nào đói nó mới lại về đòi ăn cơm, ở nhà một mình vầy tù túng lắm chịu không nổi. Tui phải nói chuyện cho có tiếng nói, rồi đi nhặt ve chai kiếm thêm chút tiền mà mình cũng được ra ngoài cho thoải mái”.
Mỗi ngày, cụ rời khỏi căn trọ của mình từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Ban đầu cụ chỉ đi nhặt những chiếc chai, lọ xung quanh đường Hồ Hảo Hớn do người ta vứt ra ngoài. Sau này, cụ đến gần những khu có nhiều người nước ngoài lui tới.
“Tầm 12 giờ đêm Tây đi chơi về, vứt nhiều chai lọ, mình nhặt cũng được kha khá con ơi, vừa kiếm được chút tiền, lại vừa khỏe người”, cụ vui vẻ kể.
Cứ lượm nhặt, gom góp được bao nhiêu cụ lại dồn lại, lâu lâu mới đem đi bán, lần nhiều cũng hơn 100 ngàn đồng. Số tiền đó cụ dồn chung với tiền hỗ trợ của chính quyền địa phương mỗi tháng để mua thuốc cho con gái. Hôm nào chân tay đau nhức, cụ mới chịu ở nhà nghỉ ngơi, nhưng chẳng bao giờ cụ ngồi yên một chỗ được lâu.
Thấy hoàn cảnh của cụ Biết khó khăn, người dân xung quanh thường lui tới giúp đỡ, có một người phụ nữ tốt bụng vẫn thường nấu đồ ăn đem sang cho cụ, người thì mua cho mẹ con cụ 2 hộp cơm. Nhưng cụ chẳng ăn được mấy, mỗi ngày cụ chỉ ăn 1 bữa, vì cụ bảo: “Già rồi, ăn uống khó tiêu lắm con ơi”.
Cuộc sống khó khăn, khổ cực là vậy nhưng chưa bao giờ cụ than thở hay xin ai bất kỳ điều gì. Ai cho gì cụ nhận, nhưng chỉ nhận ở mức độ vừa phải, đủ dùng rồi thôi. Cụ tâm sự: “Họ cho mình lấy đủ ăn thôi con, đừng có tham quá, tham thì thâm. Họ cho nhiều quá mình không dùng hết thì trả người ta.
Có cái cô kia hôm bữa tới nhà, thấy nhà dột, nước mưa, nước cống tràn vào nhà nên đã nhờ người tới mua vài cây trụ làm lại. Nhìn nó cũ kỹ vậy nhưng giờ không còn dột nước nữa, sống vậy là được rồi”.
Niềm hạnh phúc nhất đối với cụ Biết lúc này là được sống cùng người con gái khờ dại cho đến giây phút rời xa cuộc đời. “Tui còn sống ngày nào, tui còn lo cho con Vân ngày đó. Mong nó cứ ngây dại vậy chứ đừng phá phách với bỏ đi lung tung, người ta đánh tội nó thôi”, cụ Biết trầm tư nói.
Nguồn VTC: http://vtc.vn/cu-ba-91-tuoi-nuoi-con-tam-than-chua-1-lan-nghe-con-goi-me-d325958.html