Cụ bà gìn giữ nét Trung thu truyền thống của người Hà Nội xưa
Ngay giữa lòng Thủ đô, tại ngôi nhà số 80B Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), cụ bà Đoàn Kim Tuyến (cụ Thuật) năm nay 96 tuổi vẫn gìn giữ nếp xưa, tự tay bày biện một mâm cỗ Trung thu truyền thống để cả nhà được hoài niệm và con trẻ nhớ cội nguồn...
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Nhiều gia đình Hà Nội gốc như gia đình cụ Thuật, những dịp lễ, Tết là những ngày rất đặc biệt. Với cụ, Tết Trung thu không chỉ là Tết của trẻ con mà còn là Tết của gia đình, Tết đoàn viên vì những ký ức Trung thu thơ bé của cụ đều là những kỷ niệm ngọt ngào nhất về ông bà, cha mẹ.
Là cháu ngoại của cụ Cự Tích, nhà thuốc cam Hàng Bạc nên ngay từ bé, cụ Thuật (sinh năm 1928) đã được đón những tết Trung thu đủ đầy nhờ sự đảm đang, khéo léo nữ công gia chánh của bà của mẹ. Và đến khi lập gia đình, cụ vẫn giữ nếp nhà, làm cỗ trông trăng cho các con. 60-70 năm đã qua, đến bây giờ, không chỉ các cháu, mà các chắt của cụ cũng có cơ hội được đón Tết Trung thu theo một cách truyền thống nhất.
Chị Phạm Đoan Trang, con gái cụ Thuật chia sẻ: “Ngày bé, gần đến Rằm Trung Thu, chị em chúng tôi háo hức nhìn mẹ chuẩn bị trang trí, bầy biện cho mâm cỗ Trung thu. Mẹ tôi có cách bày biện rất riêng. Với bà, mâm cỗ phải đầy phong vị mùa thu nhưng không được cầu kỳ, tốn kém. Bà chỉ dùng những nguyên liệu đơn sơ sẵn có nhưng bày biện, gọi tỉa rất có hồn, khơi gợi nhiều cảm xúc”.
Cụ Thuật cho biết, mỗi nhà sẽ có cách sửa soạn khác nhau nhưng một mâm cỗ Trung thu cổ truyền bắt buộc phải có mâm ngũ quả. Các loại quả là tinh túy của mùa với lưu ý khi chọn mua: Bưởi phải rám vỏ, chuối phải trứng cuốc vỏ đốm màu, mỏng dính mà vẫn chắc quả, đưa ngang mũi thấy hương ngọt lịm. Rồi nào na, nào lựu đỏ… nhưng quan trọng nhất vẫn là hai loại hồng: Hồng đỏ và hồng xanh (hồng ngâm). Món không thể thiếu khác trên mâm cỗ là các loại bánh nướng, bánh dẻo đi cùng với trà ướp sen. Rồi phải có bánh con lợn, con cá nho nhỏ cho trẻ con, đĩa con giống bột (tò he)...
Đặc biệt, mâm cỗ của cụ Thuật có “ông” Lã Vọng câu cá được thể hiện rất khéo. Cụ bảo, “ông” Lã Vọng xuất hiện trong mâm cỗ Trung thu từ thời ông ngoại của cụ, khoảng đầu thế kỷ XX. Đây là nét riêng của mâm cỗ Trung thu truyền thống gia đình. Từ xưa đến nay, hình tượng Lã Vọng câu cá được xem là biểu tượng cho đức tính kiên nhẫn và khả năng nhìn xa trông rộng, biết nắm bắt thời cơ để dựng nghiệp lớn. Có lẽ, các cụ mong muốn con cháu đề cao tinh thần học tập sau này giúp ích cho đời.
Để mâm cỗ chơi trăng thêm ý nghĩa, những năm trước, cụ Thuật tự tay gọt, tỉa củ quả để bày biện. Cụ cho biết, muốn có một mâm cỗ Trung thu đẹp, phải chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết và khả năng sáng tạo. Cụ chỉ nhìn mọi người làm rồi tự làm theo chứ chẳng học trường lớp nào cả. Cụ và các con làm theo trí nhớ và tự sáng tạo thêm. “Việc tỉa củ quả là vất vả nhất, mất nhiều thời gian. Quan trọng là phải có ý tưởng. Ví dụ để làm “ông” Lã Vọng thì phải mua con gà trống thật gầy, luộc thật khéo…” – cụ nói.
Theo chị Phạm Đoan Trang, cỗ Trung thu thường được bố chị bày ở phòng khách tầng 2 nhìn ra phố Bà Triệu, nơi có ban công rộng, thoáng để mọi người có thể ngắm được trăng. “Dưới ánh trăng vằng vặc, cả gia đình quây quần bên mâm ngũ quả, cùng phá cỗ trông trăng, nhâm nhi chén trà, thưởng thức miếng bánh nướng, bánh dẻo trong tiếng trống múa sư tử rộn ràng. Nhìn mâm cỗ đủ đầy tôi thấy sự khéo léo, đảm đang của mẹ và cảm nhận được tình yêu mà bà dành cho các con” - chị Đoan Trang tâm sự.
Trân trọng, gìn giữ những giá trị tốt đẹp
Cụ Thuật chia sẻ, cuộc sống hối hả đã khiến nhiều nét truyền thống Trung thu quý báu của người Việt như các loại lồng đèn, đồ chơi Trung thu cổ truyền… gần như biến mất. Bởi vậy, cụ luôn muốn gìn giữ Trung thu truyền thống, nhất là bầu không khí đoàn viên ấm áp, không chỉ cho gia đình mình mà còn giữ cho cả những ai yêu hương vị xưa cũ. “Để con trẻ hứng thú với những mùa Trung thu và ngày hội cổ truyền, chính bố mẹ phải truyền lại và nuôi dưỡng tình yêu đó cho các con, như tuổi thơ mình từng được trải nghiệm” - cụ nói.
Con cháu cụ tiếp nhận những cầu kỳ ấy như một nét văn hóa tốt đẹp bởi họ yêu lắm, quý lắm những lệ xưa nếp cũ cha ông truyền lại. Các anh, các chị con cụ Thuật giờ đã ở độ tuổi có cháu nội cháu ngoại, dẫu bận rộn đến đâu cũng vẫn để dành cho tâm hồn mình, gia đình mình những góc riêng. Như chị Đoan Trang nói, tình yêu ấy tự nhiên như hơi thở, cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, bằng lối sống hằng ngày, bằng nề nếp gia phong để hồn cốt văn hóa ấy ngấm vào những thế hệ tiếp sau như những mạch nguồn còn mãi.