Cú 'bẻ lái' cuộc đời kinh ngạc của tử tù có số phận kỳ lạ nhất Việt Nam
'Khi nhận Thế vào công ty nhiều người phản đối, chính bản thân tôi cũng nghi ngại. Tôi chỉ nghĩ trao cho Thế có một công việc để kiếm sống, không ngờ Thế có thể tiến dài và tiến xa như hôm nay'.
"Thú thực, khi nhận Thế vào công ty, tôi vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều người, chính bản thân tôi cũng nghi ngại. Tôi chỉ nghĩ trao cho Thế có một công việc để kiếm sống, không ngờ Thế có thể tiến dài và tiến xa như hôm nay".
Ông Nguyễn Công Nhã - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lạc Hồng đã nói về "cựu tử tù" Đặng Văn Thế (SN 1974, quê Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) như thế. Ông bảo, Thế đã có cú "bẻ lái cuộc đời" đầy kinh ngạc, từ một người mang án tử, bước ra đời từ con số không nay phụ trách một mảng quan trọng trong hoạt động của công ty, được nhiều người vị nể.
Gặp lại "cựu tử tù" Đặng Văn Thế sau 5 năm kể từ khi anh "làm người tự do", tôi suýt không nhận ra. Anh Thế bước xuống từ ô tô, áo sơ mi trắng, hơi gầy nhưng vẫn nguyên nét phong trần. Cuộc trò chuyện liên tục bị gián đoạn bởi anh phải trả lời các cuộc điện thoại "giải quyết công việc". Người đàn ông được biết đến là "tử tù có số phận kỳ lạ nhất Việt Nam", hiện là Tổng sự trưởng, phụ trách hệ thống xưởng sửa chữa của một trong những doanh nghiệp vận tải vào diện lớn nhất Nghệ An.
Năm 1997, Đặng Văn Thế bị công an bắt giữ khi cùng Nguyễn Tất Dũng vận chuyển 20 kg thuốc phiện. Phiên tòa mở năm 1998, cả Thế và Dũng đều bị tuyên án tử hình. Đau đớn hơn, trong lúc Thế cần nhất sự động viên thì người vợ mới cưới gửi vào trại giam lá đơn xin ly hôn. Thế đau lắm, nhưng rồi quyết định ký vào giấy "giải thoát" cho vợ bởi có lẽ đó là điều tốt đẹp cuối cùng anh làm được cho người phụ nữ mình yêu.
Năm 1999, Nguyễn Tất Dũng bị đưa đi thi hành án, Đặng Văn Thế nơm nớp chờ ngày "lên đường". Nhưng rồi, một sự việc hi hữu đã cứu mạng người tử tù này.
Số là Thế được cơ quan điều tra đề nghị hoãn thi hành án để mở rộng điều tra một vụ án ma túy khác. Không hiểu là số trời định hay sao mà án mới không được mở, người ta cũng quên bẵng mất công văn đề nghị hoãn thi hành án của một tử tù. Để rồi, suốt hơn 4.000 ngày, Đặng Văn Thế sống trong thân phận của một tử tù chờ ngày ra pháp trường.
Cuộc "thấp thỏm chờ chết vắt qua hai thế kỷ" ấy, Thế tự cứu rỗi cuộc đời mình bằng suy nghĩ tích cực và không ngừng hi vọng. Thế bảo, trong bóng tối cuộc đời bao trùm, anh luôn nhận được ân tình của mọi người, của cán bộ quản giáo, của Ban giám thị trại giam. Họ, như những đốm lửa nhỏ, nhen lên hi vọng được sống của Thế, cứu anh ra khỏi trạng thái u uất, buông xuôi của một tử tù chờ ngày xử bắn. Khác với những tử tù khác, quậy phá để "chứng tỏ" sự tồn tại của mình, thì Thế lại rất ngoan. Đó là điều cuối cùng Thế có thể làm để trả ân tình của cán bộ quản giáo. Thế nuôi mèo, gọi chúng là con, chia từng chút thức ăn, từng mảnh chăn mỏng. Với Thế, chúng không chỉ là con vật để anh có thể trò chuyện mà còn là tình cảm gia đình "bố - con, ông - cháu" thiêng liêng. Rồi Thế viết nhật ký, làm thơ. Những câu thơ được viết bằng tay trái của một người mới học hết lớp 4, bằng trí tưởng tượng về cuộc sống muôn màu ngoài kia, về những chiêm nghiệm được mất trong những ngày đối mặt với chính mình sau 4 bức tường lạnh lẽo, về tình yêu cuộc sống và niềm tin, niềm hi vọng không bao giờ tắt.
Cuộc chờ đợi cái chết ấy cuối cùng cũng chấm dứt. Có lẽ, chính cái nhìn tích cực về cuộc sống đã tạo ra một phép màu cho chính cuộc đời Thế. Ngày 23/6/2009, đúng 11 năm tròn kể từ khi bị tuyên án tử, Chủ tịch nước quyết định ân giảm cho Thế xuống chung thân. "Đó là ngày tôi được sinh ra thêm một lần nữa", Thế vẫn nguyên vẹn cảm xúc. Hôm đó, Thế đã quên thân phận của một tử tù, nhảy bổ vào ôm chầm lấy Giám thị trại giam. Tất nhiên, chẳng ai câu nệ hay chấp nhặt gì với Thế trong khoảnh khắc tái sinh cuộc đời sau suốt 11 năm thấp thỏm lo sợ cái chết đến với mình.
Được sống, với Thế đó là món quà trong mơ, bởi vậy, không thể sống hoài, sống phí dù rằng, cuộc sống vẫn gói gọn trong những bức tường trại giam. Phạm nhân Đặng Văn Thế được chuyển đến Trại giam số 6 - Bộ Công an (đóng tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) để thi hành bản án chung thân. Ở đây, Thế được các cán bộ quản giáo, Ban giám thị quan tâm, động viên, cũng bởi một phần ý chí sống mãnh liệt và ý thức chấp hành tốt nội quy của trại. Thế miệt mài sống có ích nhất theo cách mà một phạm nhân có thể làm được. Thế chắt chiu từng cơ hội để mơ về một ngày tự do, được đặt chân vào căn nhà cũ kỹ, nơi đó có cha mẹ già mòn mỏi trông ngóng. Từ chung thân, Thế được giảm xuống tù có thời hạn, liên tiếp nhiều lần giảm án, tháng 6/2016, Thế được đặc xá, ra tù trước thời hạn.
Cuộc sống của người tử tù mòn mỏi chờ chết "vắt qua hai thế kỷ" với hơn 4.000 ngày và những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi đã bắt đầu một chương mới...
Ngày trở về, chỉ có cha mẹ và ngôi nhà là vẫn như cũ, còn mọi thứ quá lạ lẫm đối với người 18 năm 10 tháng sống trong song sắt như Thế. 42 tuổi, Thế bắt đầu lại cuộc đời từ con số 0, mà thực ra là số âm bởi đã tụt hậu quá nhiều. Thế đi lơ xe, tuyến Nghệ An - Hà Nội, bởi trong thời điểm này, khó có lựa chọn nào tốt hơn. Với lí lịch không lấy gì làm sáng sủa ấy, Thế phải giữ mình rất nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng đủ tỉnh táo, nhất là trong môi trường làm việc vốn nhiều cạnh tranh khốc liệt này. Suýt chút nữa Thế dính dáng tới pháp luật khi xảy ra va chạm với những kẻ bảo kê của hãng xe khác. Đó cũng chính là lý do khiến Thế bị lỡ cuộc phỏng vấn ứng tuyển vào công ty hiện tại và bị đánh giá "không đáng tin cậy".
Thế khao khát một mái ấm gia đình của riêng mình và "con tim đã vui trở lại" khi người phụ nữ cùng quê đang làm việc ở Hà Nội mở lòng, vượt qua dị nghị của người đời để gắn bó với anh. Ngày Thế cưới vợ thực sự là một "sự kiện" ở làng quê này. Khách dự cưới đông lắm, ô tô dựng trước con đường vào nhà phải dài hàng cây số, phần lớn là cán bộ quản giáo, bạn tù và cả những người không thân thiết. Họ đến vì mừng cho Thế, và một phần vì tò mò. Người đàn ông đã trải qua bao cung bậc cảm xúc, từ thấp thỏm chờ chết đến tái sinh, đứng trước người phụ nữ của đời mình đã rơi nước mắt. "Anh mang nợ ân tình của nhiều người nên tự hứa với lòng phải sống tốt, để không phụ lòng tin và yêu thương của mọi người đã dành cho anh. Anh không dám hứa sẽ dành cho em cuộc sống giàu sang, sung túc nhưng anh đảm bảo sẽ cho em cuộc sống bình yên", đôi mắt Thế "xiềng" đỏ hoe.
Có vợ rồi, nhưng không thể sống bằng công việc lơ xe phập phù và nhiều va chạm này được. Lần này, đích thân Thiếu tá Nguyễn Văn Quỳnh - cán bộ quản giáo trực tiếp quản lý giáo dục Thế khi thụ án tại Trại giam số 6, dẫn Thế đến gặp lãnh đạo công ty Lạc Hồng. Thái độ thiếu chuyên nghiệp của lần hẹn phỏng vấn trước, cộng với lý lịch "đi tù về" của Thế khiến ông Nguyễn Công Nhã - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty e ngại.
"Điều duy nhất khiến tôi phải cân nhắc chính là anh Quỳnh. Thế không phải là bà con, họ hàng thân thuộc gì với anh Quỳnh nhưng cái cách anh ấy lo cho Thế và tin Thế, tôi nghĩ chắc anh này hẳn phải đặc biệt để có thể chiếm trọn tình cảm của người quản giáo như thế. Tôi quyết định dành cho Thế một cơ hội, dù rằng thời điểm đó, tất cả người thân, anh em, bạn bè tôi đều phản đối. Tôi nghĩ đơn giản là dành một công việc để Thế có thể nuôi bản thân mình, nuôi vợ con, để hoàn lương chứ hoàn toàn không nghĩ Thế có thể tiến dài và tiến xa được như hôm nay", ông Nhã nhớ lại.
Không phụ lòng tin của Thiếu tá Quỳnh, không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ già và người vợ mới cưới, không để vuột mất cơ hội phải khó khăn mới được ông Nhã trao cho, Thế phải cố gắng hơn người khác nhiều lần. Tất nhiên, mọi việc không đơn giản như Thế nghĩ, nhất là đối với người có "mác" đi tù về và trình độ học vấn lớp 4!.
Chưa thể thích ứng ngay với môi trương mới, đặc biệt là những va chạm trong quá trình xử lý công việc, Thế đã có những va vấp, chủ yếu là do cách ứng xử của mình. Kể cả đến bây giờ, đó cũng là "yếu điểm" của Thế nhưng ông Nhã lại nhìn nhận đó là "nóng tính và quyết liệt trong công việc quá". Nhưng bù lại, Thế có khát vọng cháy bỏng, có nhiệt huyết, trách nhiệm và không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận về mình phần khó khăn. 4 năm, Đặng Văn Thế được điều động đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, ở cương vị nào cũng "làm ro ro và hoàn thành xuất sắc". Hiện, cựu tử tù này là "Tổng sự trưởng", phụ trách toàn bộ hệ thống xưởng sửa chữa của công ty.
"Chỉ học hết lớp 4 nên công việc dính dáng đến hồ sơ, tài chính Thế không đảm trách được nhưng các phần việc khác thì không có gì để có thể chê. Thế là người tận tụy, trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, chu đáo trong mọi mối quan hệ với đồng nghiệp, đối tác, yêu thương, chăm lo cho gia đình. Thú thực khi đồng ý nhận Thế vào tôi không có nhiều kỳ vọng, nhưng nay bản thân mình được "nở mày, nở mặt" vì có một cộng sự, một trợ thủ như Thế", ông Nguyễn Công Nhã luôn dành những điều tốt đẹp nhất về nhân viên đặc biệt của mình.
Điều khiến ông vui hơn cả là Thế đã vượt qua dư luận, vượt qua mọi rào cản để có thể sống được và sống tốt bằng chính cơ hội nghề nghiệp này. "Người từng mang án hoàn toàn có thể làm lại cuộc đời nếu họ được trao cơ hội, được tin tưởng và đủ quyết tâm. Tôi hi vọng, những người không may lầm lỗi, khi nhìn về thành quả của Thế hôm nay sẽ có đủ niềm tin để hoàn lương", ông Nhã nói.
Niềm vui của Thế sau những giờ trên xưởng là mái ấm nhỏ với bố mẹ già, vợ và hai cô con gái. Anh vẫn đam mê làm thơ và viết nhật ký, nuôi giấc mơ một ngày nào có thể xuất bản cuốn nhật ký được viết trong gần 19 năm không ngừng tin tưởng và hi vọng sau song sắt trại giam.
Nghĩ về những gì có được ngày hôm nay, nhiều khi Đặng Văn Thế vẫn ngỡ mình đang nằm mơ. Trong suốt câu chuyện của mình, Thế thường xuyên nhắc tới Ban Tú, Ban Tỵ (Đại tá Hoàng Tuấn Tú và Đại tá Nguyễn Duy Tỵ - nguyên Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An), đến quản giáo Lê Văn Tài, Nguyễn Văn Quỳnh, đến bà Bùi Thị Thu Hương - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An... và rất nhiều người khác. Những người đã có mặt đúng lúc Thế chới với, tuyệt vọng nhất, trao cho Thế niềm tin và cơ hội được sống. Họ có thể không nhớ về "cựu tử tù" này nhưng Thế luôn khắc cốt ghi tâm và luôn tìm kiếm để mong được gặp lại, để nói một lời cảm ơn... Tất cả ân tình Thế nhận được từ mọi người được anh gửi gắm vào tên của hai cô con gái Hoài Ân và Hồng Phúc mà anh gọi "tài sản đáng giá nhất".
"Tôi may mắn luôn có nhiều người giúp đỡ, yêu thương, tin tưởng và cho tôi hi vọng để sống, để "chiến đấu" với mọi khó khăn. Khi có thể chiến thắng được cái chết, tôi nghĩ, không có khó khăn nào trong đời có thể khiến mình gục ngã được. Giữ mình và sống thật tốt là cách tôi báo đáp những ân tình biết bao người đã dành cho", "cựu tử tù" Đặng Văn Thế trải lòng.