Cứ bốn cuốn sách được bán ở Pháp thì có một cuốn truyện tranh
Theo New York Times, cứ một trong bốn cuốn sách được bán ở Pháp là tiểu thuyết đồ họa. Và số lượng câu chuyện được lấy cảm hứng từ thực tế ngày càng tăng.
Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK, cứ bốn cuốn sách được bán ở Pháp thì có một cuốn là truyện tranh, và ngày càng nhiều trong số đó là những tác phẩm phi hư cấu được chính các nhà báo và nhà sử học viết nên. Trong năm 2023, có nhiều tác phẩm thuộc thể loại này như M.B.S.: Saudi Arabia's Enfant Terrible, tiểu sử về Hoàng Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman của Antoine Vitkine và Christophe Girard hay Who Profits From Exile? của Taina Tervonen và Jeff Pourquíe, xem xét tính kinh tế của việc nhập cư châu Âu.
Xu hướng ngày càng tăng này cũng được thể hiện tại Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême, một trong những sự kiện truyện tranh hàng đầu thế giới trong tháng 1 năm nay.
Matthieu Vincenot, quản lý của Bulles en Tête, một cửa hiệu truyện tranh ở Paris, đã xác nhận danh mục tác phẩm phi hư cấu ngày càng phát triển kể từ khi mở cửa hai năm trước. Chỉ vào 3 kệ sách chật cứng ở lối vào, ông Vincenot cho hay: “Chúng tôi quyết định dành khu vực này cho truyện tranh phi hư cấu vì chúng rất nổi tiếng. Độc giả của những tác phẩm này rất đa dạng. Chúng tôi thu hút được cả những người thường đọc tin tức và những người ít đọc. Đối tượng này muốn tìm hiểu về các vấn đề thời sự thông qua truyện tranh vì chúng dễ đọc hơn”.
Ở Pháp, mối quan tâm mới về Trung Đông cũng giúp đẩy The History of Jerusalem, cuốn truyện tranh của nhà sử học Vincent Lemaire và họa sĩ truyện tranh Christophe Gaultier, lên bảng xếp hạng sách bán chạy nhất trong tháng 1.
Vincenot cho biết ông nghĩ thể loại truyện tranh phi hư cấu đã dần thành công ở Pháp vào khoảng năm 2015 nhờ sự xuất hiện của các đầu sách như L'affaire des Afiveses (tạm dịch Vụ cướp lớn nhất), một cuốn truyện dài 700 trang dựa trên cuộc điều tra vụ bê bối năm 2006 liên quan đến Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin. Tiếp theo là cuốn truyện Green Tide: The Forbidden Story, một cuộc điều tra về tình trạng ô nhiễm tảo ở bờ biển Brittany, miền bắc nước Pháp, gần đây thậm chí mới được chuyển thể thành phim.
Isabelle Saporta, người đứng đầu nhà xuất bản Fayard thành lập từ năm 1857, đơn vị mới thành lập một nhà xuất bản truyện tranh tên là Fayard Graffik, cho hay: “Nếu chúng tôi muốn tiếp tục là một nhà xuất bản sáng tạo cả về tư duy và ý tưởng mới, chúng tôi cần tiếp cận với thế hệ trẻ”.
Bà nói thêm rằng mặc dù sản xuất truyện tranh đắt hơn so với một số thể loại khác, nhưng chúng cũng mang lại lợi thế tài chính cho nhà xuất bản: Truyện tranh có thời lượng ngắn hơn và do đó dịch rẻ hơn, đồng thời dễ dàng chuyển thể thành phim.
Cuốn truyện tranh đầu tiên được xuất bản dưới sự chỉ đạo của Fayard Graffik, The Vaquita Theorem, dựa trên nhiều năm đưa tin về quyền động vật và đa dạng sinh học của nhà báo Hugo Clément cho chương trình truyền hình Pháp Sur le front. Được đồng sáng tác với Vincent Ravalec và do Dominique Mermoux minh họa, cuốn sách theo chân Clément từ các khu bảo tồn khỉ đột ở Uganda đến thượng nguồn Vịnh California, nơi chỉ còn khoảng 10 cá thể cá voi vaquitas vẫn còn tồn tại.
Ông Clément nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi có trí nhớ rất trực quan. “Tôi nhớ mọi thứ dễ dàng hơn khi chúng được trình bày dưới dạng biểu đồ hoặc sơ đồ, và đó cũng là điểm mạnh của truyện tranh. Những điều phức tạp có thể được giải thích một cách đơn giản”.
“Sức mạnh của truyện tranh là chúng truyền tải nhiều cảm xúc và điều đó cũng khiến chúng trở thành một công cụ rất hiệu quả để tiếp cận nhiều đối tượng”, Clément cũng chia sẻ.