'Cụ' đa hơn 200 tuổi về đứng bên triền núi Bút
'Cụ' đa Bà Bút kềnh càng rậm rạp sống hơn 200 tuổi đúng hôm Trung thu mưa gió đã bật gốc đổ kềnh vắt ngang qua đường. Rồi hôm nay 'cụ' được rước về đứng bên thềm Thiên Bút, phập phồng chờ hồi sinh...
Trải qua cuộc trường tồn kéo dài hơn 200 năm với sứ mệnh bền bỉ tỏa bóng mát, ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân Quảng Ngãi, việc "cụ" đa bất đắc dĩ phải di chuyển đoạn đường dài 9 cây số đến nơi mới trở thành cuộc di dời lịch sử tại địa phương này.
Ký ức sâu thẳm
Kể từ hôm 21/9/2021 đúng rằm Trung thu gốc đa ngã xuống, cụ Dương Thị Ngọc Anh, 74 tuổi nhà trên đường Nguyễn Văn Linh (tổ dân phố Trường Thọ Tây C, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) sát gốc đa cứ bần thần đi ra đi vào.
“Sống bên gốc cây đa này từ khi còn là một đứa trẻ, ngày cây bị bật gốc, không riêng nhà tôi, mà bà con làng xóm ai nấy đều bàng hoàng. Cứ nghĩ cây đa sẽ được trồng ở vị trí cũ, nào ngờ lại bị đưa đi nơi khác khiến ai nấy đều đượm nước mắt”, cụ Anh buồn bã nói.
Trong ký ức của các vị cao niên, vùng đất này hồi trước được gọi là làng Phú Nhơn. Biết bao nhiêu thế hệ ở làng Phú Nhơn đã lớn lên, gắn bó với gốc đa cổ thụ vẫn được gọi bằng cái tên quen thuộc "cây đa Bà Bút" ấy. Cây đa đã che chở dân làng qua những trận bom khốc liệt thời kháng chiến. Mọi người đều tin rằng cây đa sống qua hàng trăm năm, cũng có linh hồn như con người.
Có lẽ với niềm tin mãnh liệt ấy, người dân đã lập một am thờ ngay dưới gốc đa để mỗi khi gặp sự bất trắc lại tìm đến để khấn vái, mong cầu. Rồi một ngày người Pháp làm con đường mới ngang qua làng để nối với quốc lộ, đường chạy sát bên chân gốc đa...
Hôm cây đa vừa bật gốc, người ta phát hiện dưới lớp đất trong bộ rễ là tượng ông Táo, bình vôi ăn trầu. Tập tục của người dân vùng này là sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch), những bà mẹ quê thường mang tượng ông táo, bình vôi và một vài thứ gia dụng bị hỏng hóc ra bỏ vào gốc đa như một cách nhờ giữ hộ chút kỷ niệm của gia chủ.
Cây đa vô tình chứng kiến bao cuộc bể dâu của vùng đất, bao no đủ của mỗi nếp nhà. “Cụ đa bỗng dưng ngã đổ để lại một khoảng trống rất lớn cho dân làng. Chúng tôi xem cụ đa như thành viên của làng, chỉ có cụ mới biết tất cả mọi sự xảy ra ở làng này mấy trăm năm qua”, cụ Ba Chí, 85 tuổi, người dân phường Trương Quang Trọng, bần thần cho hay.
“Cụ” đa bữa ấy bật gốc đã ngã đè lên một phần ngôi nhà của anh Bùi Hữu Thoại ở gần đó. “Nhà sập mình có thể xây lại mới, nhưng cây đa đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bà con, giờ thì không còn nữa... Mong sao khi đến nơi ở mới cây sẽ hồi sinh mạnh mẽ để gìn giữ lại báu vật cho muôn đời sau”, anh Thoại nói.
Cuộc di dời lịch sử
Việc đưa “cụ” đa Bà Bút nặng 120 tấn, dài 15 mét, chiều ngang tới 7 mét về nơi ở mới bên triền núi Thiên Bút cách khoảng 9 cây số là một cuộc di dời lịch sử với người Quảng Ngãi. Đích thân Chủ tịch tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì.
Cảnh tượng buổi sáng 25/9 ấy thật khó quên. Hàng loạt xe cẩu và dàn xe "khủng" nhất được huy động. Để dọn đường đưa “cụ" đi, rất nhiều xe nâng và nhân viên của công ty môi trường, điện lực, nhà mạng phối hợp tháo dỡ, nâng cao những đường dây bắt ngang đường, tạm tháo những trụ camera nơi cửa ngõ thành phố. Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ mở đường, và chặn hai đầu cầu Trà Khúc để xe chở "cụ" nhích qua.
Do chiếc xe đầu kéo không thể di chuyển thẳng vào trung tâm TP Quảng Ngãi, nên phải đi lùi hơn 1km ra đường tránh quốc lộ 1. Chiếc xe nhích chậm rãi, “cụ” đa đi đến đâu, người dân đi theo tiễn biệt đến đó.
Những búp đa non sẽ lại vẽ lên trời...
Cuộc đất nơi núi Thiên Bút (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) được chọn làm nơi ở mới cho “cụ” đa được tính toán kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến từ những chuyên gia sinh vật cảnh cho đến phong thủy.
Thiên Bút được tạo hóa xếp đặt tài tình như bức bình phong án ngữ cửa ngõ phía nam thành phố nhỏ này. Là một trong 12 kỳ cảnh từng được danh sĩ Nguyễn Cư Trinh Tuần phủ Quảng Ngãi đề trong bài vịnh "Thiên Bút phê vân" (Núi Thiên Bút viết vào mây).
Cũng đã có nhiều thắc mắc, rằng một hòn núi thấp chỉ cao chừng 60 mét, đỉnh núi lại bằng phẳng, thì làm sao có dáng "ngọn bút viết lên mây được"? Một suy đoán của các nhà nghiên cứu, rằng gần một nghìn năm về trước, người Chăm đã chọn để xây trên đỉnh núi này một ngọn tháp có nền tháp chính rộng hơn 400m2, và hiện còn hơn 100 hiện vật thuộc văn hóa Chămpa, đặc biệt là bộ sinh thực khí (linga - yoni) thuộc loại lớn nhất nước được tìm thấy. Có lẽ ngọn tháp cổ ấy mang hình dáng ngọn bút chăng?
“Cụ” đa giờ đã đứng trên triền đồi thoai thoải cách chân núi Thiên Bút khoảng 30m về phía đông nam. Vị trí ấy rất đẹp bởi đây sẽ là điểm đầu tiên trong lối đi thẳng lên đỉnh núi. Ngàn năm trước, người Chămpa khi xây dựng tháp đã làm hẳn một con đường hành hương từ chân núi lên tận đỉnh, dấu tích ấy vẫn còn hiện diện khi những bụi cây nhỏ được phát quang.
Theo ông Trần Bảo Phát, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi, cây đa này có tuổi đời lâu năm, nên hướng đứng của cây rất quan trọng về tâm linh. Chuyên gia phong thủy đã xác định hướng đứng của cây nơi trồng mới đúng với hướng của cây sống tự nhiên khi chưa bị ngã.
Men theo con đường chúng tôi đi bộ lên núi Thiên Bút. Khi đặt chân lên đỉnh núi, những cơn gió vào ùa về mát rượi. Từ đây có thể thỏa sức phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cả một vùng không gian rộng lớn từ phố phường đến làng quê. Phía bắc là dòng Trà Giang uốn lượn bên núi Thiên Ấn. Phía nam là sông Bàu Giang, phía tây là dải Trường Sơn mây phủ, còn phía đông dưới chân núi là cánh đồng Ngọc Áng bên đầm nước lấp lánh.
Nhớ lại, chừng 5 năm trước, núi vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, cây cối chen nhau trong mảng màu sáng tối của thời gian. Rồi bàn tay con người đụng vào, tôn tạo lại núi Thiên Bút để biến nơi này trở thành công viên. Có lẽ trăm năm, con người chưa có cuộc “đụng chạm” vào ngọn núi thiêng này nhiều đến vậy...
Rồi vẫn hy vọng những búp đa tươi non từ cội đa trăm tuổi sẽ lại vẽ lên trời mây những nét đẹp của tạo hóa vô cùng...
Ông Trần Bảo Phát, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi cho hay, để trồng lại "cụ" đa khổng lồ nặng tới 120 tấn, chiều ngang 7m, chiều dài 15m, phải đào hố mỗi bề tới 8 mét. Cây già tuổi như thế nên việc chăm sóc để cây sống là rất khó khăn, tuy nhiên Hội sẽ cố gắng sử dụng nhiều biện pháp để cứu cây như thuốc kích rễ, che chắn và giữ độ ẩm cho cây.
“Quan trọng nhất là giữ nền đất khô, ẩm không được chứa nước nếu chứa nước cây dễ bị chết. Chúng tôi tự tin là sẽ cứu sống được cây, nhưng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì cũng không thể quả quyết được”, ông Phát cho biết.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-da-hon-200-tuoi-ve-dung-ben-trien-nui-but-post1381639.tpo