Cư dân đô thị phập phồng lo mất việc

Tính đến cuối tháng 5, tổng số lao động mất việc làm, giãn việc, thiếu việc vào khoảng 506.000 người, trong đó 270.000 người mất việc.

Dự báo, tình hình lao động mất việc làm không có thu nhập có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới. Tình hình tại các đô thị ra sao, cần đẩy mạnh những nhóm giải pháp gì để tháo gỡ?

Tính đến cuối tháng 5, tổng số lao động mất việc làm, giãn việc, thiếu việc vào khoảng 506.000 người. Dự báo, tình hình có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới (Ảnh minh họa: Lao Động)

Tính đến cuối tháng 5, tổng số lao động mất việc làm, giãn việc, thiếu việc vào khoảng 506.000 người. Dự báo, tình hình có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới (Ảnh minh họa: Lao Động)

Anh Hoàng Mạnh Tân, 30 tuổi, ở Cầu Giấy, đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để hưởng trợ cấp thất nghiệp với khuôn mặt nặng trĩu âu lo. Từng là nhân viên bán hàng tại một đại lý xe hơi, anh Tân nghỉ việc và đến nay vẫn chưa tìm được công việc phù hợp: "Tầm cuối năm ngoái, tất cả mọi thứ đều khó khăn, kinh doanh và khách hàng đều ít đi so với các năm trước. Trong nửa năm vừa rồi cũng tìm hiểu một vài vị trí khác nhưng chưa công việc nào mình hài lòng, hiện tại vẫn làm tự do. Thực sự là khó khăn, mình thấy các công ty, doanh nghiệp đều thừa người, trong khi lao động cần việc thì lại nhiều hơn", anh Tân chia sẻ.

Nỗi lo mất việc hoặc không tìm được công việc phù hợp là lo lắng chung của nhiều người dân tại các đô thị trong bối cảnh thị trường lao động khó khăn: "Em là giáo viên mầm non, em nghỉ từ tháng 1, công việc vất và mà lương thấp, không đảm bảo cuộc sống. Em chỉ có bằng cấp mầm non thôi nên tìm được công việc phù hợp thì cũng hơi khó".

"Em làm hành chính văn phòng ở công ty xây dựng, công ty cũng có nhiều việc phức tạp, lãnh đạo công ty dính vào hình sự. Đúng lúc em nghỉ việc thì chồng em lại ốm liên miên".

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những tháng đầu năm 2023, gần 510.000 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm, trong đó hơn 54% lao động bị thôi việc, mất việc, tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như: Bình Dương (trên 71.500 người), Hà Nội (khoảng 47.000 người), TP.HCM (khoảng 45.000 người), Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Lao động mất việc chủ yếu trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử.

Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút BHXH một lần tiếp tục gia tăng, có thể gây áp lực sau này về an sinh xã hội (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút BHXH một lần tiếp tục gia tăng, có thể gây áp lực sau này về an sinh xã hội (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, khó khăn của thị trường lao động do tác động của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới, làm thay đổi thói quen tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tín hiệu tích cực có thể đến với một số lĩnh vực trong cuối năm nay, nhưng tình hình chung là phức tạp và khó lường, có thể sẽ có những đơn vị giảm trên 40-50% lao động. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh triển khai những giải pháp, cả cấp bách trước mắt và căn cơ lâu dài.

Ông Lê Quang Trung cho biết thêm: "Thứ nhất, chúng ta phải thường xuyên đánh giá, phân tích, đề xuất giải pháp cho đúng với từng nhóm đối tượng.

Thứ hai, hỗ trợ có hiệu quả các chính sách cho doanh nghiệp, các hợp tác xã và các tổ hợp sản xuất về thuế, vốn và thị trường, chi phí sản xuất, thủ tục hành chính, tái cấu trúc, đổi mới công nghệ và đầu tư theo chiều sâu, để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, tạo việc làm cho người lao động.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, dự báo, thông tin về thị trường lao động.

Thứ tư, nâng cao trình độ cho người lao động.

Thứ năm, chúng ta cần có những chương trình, dự án về vấn đề việc làm, thu nhập cho từng nhóm đối tượng, trong đó xác định rõ mục tiêu, hoạt động cụ thể, nguồn lực, trách nhiệm và kết quả đạt được.

Thứ sáu, cần nghiên cứu khẩn trương, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật".

Từ cuối năm 2021, Chính phủ đã đề ra Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, nhưng PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, nhấn mạnh vào việc “thoát ra và phục hồi” với những chương trình hỗ trợ khẩn cấp, chứ không chỉ là chuyện phục hồi và phát triển:

"Chúng ta vẫn tiếp tục nhưng phải có chương trình tổng quát hơn và dài hơi hơn, có thể đến năm 2025. Những chương trình phát triển nguồn nhân lực phải tạo ra sức mạnh mới để hỗ trợ người lao động bị sa thải; hỗ trợ cho chuyển đổi, họ có thể mất việc làm ở nơi này nhưng chuyển đổi sang nơi khác; hỗ trợ người lao động tiếp cận ngành nghề mới.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta rất thấp, khoảng 25-26% thôi. Các chính sách bảo hiểm phải mở rộng ra, coi đấy là “bà đỡ” rất quan trọng của thị trường lao động.

Ngoài ra, những chính sách trợ cấp về đời sống cho người lao động, nhà ở và các điều kiện sinh hoạt sẽ làm cho họ tái hòa nhập thị trường lao động tốt hơn".

Thất nghiệp và việc làm cũng là một trong những vấn đề làm “nóng” nghị trường Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có nhiều giải đáp và nêu rõ những giải pháp mà Bộ đang triển khai: "Tình hình rút BHXH một lần sau đại dịch COVID-19 gia tăng nhiều hơn, tôi cho rằng thành lập quỹ hỗ trợ người lao động chỉ là một trong những giải pháp thôi, đặc biệt là việc tạo công ăn việc làm, thu nhập, đời sống phải tốt lên.

Tăng cường ''sức khỏe'' cho doanh nghiệp là giải pháp quan trọng và bền vững nhất, tăng cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra nhiều công ăn việc làm và tăng đào tạo năng lực cho người lao động (Ảnh minh họa)

Tăng cường ''sức khỏe'' cho doanh nghiệp là giải pháp quan trọng và bền vững nhất, tăng cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra nhiều công ăn việc làm và tăng đào tạo năng lực cho người lao động (Ảnh minh họa)

Thứ hai là phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Hiện nay khoảng 1/3 số người rút BHXH đã quay trở lại tiếp tục tham gia bảo hiểm. Tinh thần sửa Luật BHXH kỳ này theo hướng tăng quyền lợi chứ không hạn chế.

Chúng ta đã và đang tập trung đánh giá tác động, có dự báo, dự kiến một vài chính sách, còn chính sách nào tung ra lúc nào, được hay không do cấp có thẩm quyền quyết định".

Những tưởng COVID-19 đi qua, khó khăn sẽ ở lại phía sau nhưng hàng trăm nghìn người lao động vẫn tiếp tục mất việc, chới với giữa làn sóng sa thải khi doanh nghiệp khủng hoảng thiếu đơn hàng, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi sức mua chững lại.

Mở “nút thắt” cho thị trường lao động trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu là không đơn giản, đòi hòi các ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: "Chung tay mở “nút thắt” cho thị trường lao động"

Những năm qua, giải quyết việc làm là một trong những mục tiêu hàng đầu luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng trong quá trình phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, cũng như hỗ trợ tạo việc làm như:

Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; từ đó ổn định, phát triển thị trường lao động hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người dân.

Tuy nhiên, Việt Nam không thể tránh khỏi những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới sau đại dịch, căng thẳng địa chính trị Nga - Ucraina và một phần tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhiều việc làm cũ được thay thế bằng robot, trí tuệ nhân tạo.

Tình trạng cắt giảm đơn hàng gây ảnh hưởng lớn không chỉ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như BHXH. Những tháng đầu năm, số lượt rút BHXH một lần tiếp tục gia tăng, có thể gây áp lực sau này về an sinh xã hội.

Thiếu việc, giãn việc, nghỉ việc, thậm chí nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH khiến một bộ phận công nhân vô cùng khó khăn dù đã xoay xở đủ nghề.

Đáng nói, phần đông họ ở độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình, dễ bị tổn thương do mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cả những người phụ thuộc. Tình trạng này kéo dài có thể là gánh nặng lớn về an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.

Từ cả phía các ban, ngành, địa phương và bản thân người lao động đều đã có nhiều nỗ lực, song để thị trường lao động vượt qua khó khăn sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ tạo mới và duy trì việc làm, cho đến ban hành thêm các gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Đầu tiên cần quán triệt triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, với các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại để tìm kiếm, khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Đây được đánh giá là giải pháp quan trọng và bền vững nhất, bởi tăng cường “sức khỏe” cho doanh nghiệp là tăng cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra nhiều công ăn việc làm, đồng thời tăng đào tạo năng lực cho người lao động để tiếp cận các cơ hội việc làm.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát để có đánh giá chính xác về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường ở các loại hình doanh nghiệp nào, ở lĩnh vực nào là chủ yếu, từ đó có giải pháp hỗ trợ, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Các giải pháp cần phù hợp, triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định việc làm cho người lao động.

Sự quan tâm, thăm hỏi, động viên kịp thời sẽ giúp người lao động phần nào an tâm vượt qua khó khăn trước mắt và nỗ lực tìm kiếm công việc phù hợp (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Sự quan tâm, thăm hỏi, động viên kịp thời sẽ giúp người lao động phần nào an tâm vượt qua khó khăn trước mắt và nỗ lực tìm kiếm công việc phù hợp (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy các ngành sản xuất đồ uống, lương thực thực phẩm và các ngành phục vụ tiêu dùng nội địa vẫn tăng trưởng trong bối cảnh dệt may, da giày đi xuống. Tuy các cơ sở tuyển dụng ít hơn nhưng quy mô những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước rất lớn, nên trước mắt sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động mất việc.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; sắp xếp, tổ chức nâng cao chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động.

Đặc biệt cần quan tâm nhóm lao động trên 40 tuổi, năng suất thấp, khi cắt giảm thì người sử dụng lao động sẽ nhắm vào đối tượng này, do đó cần chủ động đào tạo từ sớm, từ xa để họ có thể bố trí việc mới khi bị chuyển việc hoặc thất nghiệp.

Về chính sách BHXH, hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần các giải pháp tổng thể từ ngắn hạn đến dài hạn. Trước mắt tiếp tục tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu rõ về những thiệt thòi nếu rút BHXH một lần. Xa hơn là sửa đổi Luật BHXH theo hướng gia tăng quyền lợi, giảm nhận trợ cấp một lần để giữ lao động ở lại hệ thống.

Bên cạnh đó là những gói hỗ trợ kịp thời của doanh nghiệp, chính quyền các cấp đối với người lao động. Thời kỳ còn ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chúng ta đã có những ATM gạo, các túi an sinh rất hiệu quả.

Nhưng đến nay, khi người lao động gặp nhiều khó khăn lại chưa có nhiều hoạt động tương tự. Chính vì vậy, sự quan tâm, thăm hỏi, động viên kịp thời sẽ giúp người lao động phần nào an tâm vượt qua khó khăn trước mắt và nỗ lực tìm kiếm công việc phù hợp./.

Minh Hiếu/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cu-dan-do-thi-phap-phong-lo-mat-viec-post1027288.vov