Cứ đánh người xong lại dùng chiêu 'bị tâm thần'
Cứ xuất trình được giấy chứng nhận bị tâm thần là có quyền miễn tội sao? Nếu thật sự có vấn đề về thần kinh thì phải vào bệnh viện điều trị, vì sẽ rất nguy hiểm khi họ ở ngoài xã hội mà không có sự quản lý
Dư luận còn chưa thôi bức xúc câu chuyện cụ ông chạy xe ôm 79 tuổi bị một "đồng nghiệp" đánh chảy máu đầu, rạn xương thì lại "bàng hoàng" trước sự chuyển hướng đột ngột của câu chuyện. Đó là đối tượng đánh người vừa trưng ra giấy xác nhận của bệnh viện "có tiền sử bệnh lý thần kinh".
Đây không còn là chuyện lạ bởi thời gian qua, không ít đối tượng sau thời gian phạm tội, đánh người thì “phát bệnh tâm thần”. Trong khi đó, muốn xác định các đối tượng này “bị tâm thần” thật hay giả, phải qua một quy trình giám định rất mất thời gian, tốn công sức.
Bạn đọc Đinh Quang Ngọc bức xúc: "Sao bây giờ lắm người cứ phạm tội xong lại bảo bị tâm thần". Bạn đọc Nguyễn Trọng Toàn cũng tâm tư: "Cứ xuất trình được giấy chứng nhận bị tâm thần là có quyền miễn tội sao? Nếu thật sự có vấn đề về thần kinh thì phải vào bệnh viện điều trị, không được "quyền" tự do sinh hoạt như người bình thường vì sẽ rất nguy hiểm khi họ ở ngoài xã hội mà không có sự quản lý".
Nhiều bạn đọc đã phản ứng dữ dội về chiêu "chạy tội" quá quen thuộc của gã xe ôm, đồng thời đề nghị: "Nếu đã bị tâm thần thì phải đi chữa trị, tịch thu bằng lái, cấm hành nghề, vì lỡ anh ta lao thẳng xe vào đám đông thì ai chịu trách nhiệm?"; "Thực tế, trong nhiều vụ án nghiêm trọng, tờ giấy chứng nhận tâm thần được xem như “kim bài miễn tử”, khiến nhiều người bất chấp tất cả để có được “giấy chứng nhận điên”, thủ sẵn “bảo bối” này trong người ngay cả trước khi chưa gây án"...
Theo điều 13 Bộ Luật Hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp người phạm tội trước và trong khi gây án đủ nhận thức và điều khiển hành vi nhưng sau đó lâm vào tình trạng tâm thần trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.