Cú đặt cược 7.500 tỉ đô la của châu Á vào tài sản Mỹ đang lung lay

Các nền kinh tế lớn ở châu Á đã rót 7.500 tỉ đô la Mỹ vào các tài sản của Mỹ để tận dụng sự vượt trội của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng cú đặt cược này đang đối mặt sự lung lay dữ dội khi các chính sách của Tổng thống Donald Trump biến thị trường Mỹ từ 'thiên đường an toàn' thành một nơi đầy biến động.

Đối với nhiều nước châu Á, các tài sản của Mỹ bao gồm cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và đô la không còn an toàn. Ảnh: AFP

Đối với nhiều nước châu Á, các tài sản của Mỹ bao gồm cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và đô la không còn an toàn. Ảnh: AFP

Dòng tiền từ châu Á vào Mỹ chững lại

Trong nhiều thập niên, các nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã chơi một ván bài tài chính tưởng chừng đơn giản: bán hàng cho Mỹ, rồi dồn tiền thu được để rót vào các tài sản của Mỹ như cổ phiếu và trái phiếu chính phủ.

Theo dữ liệu dòng vốn từ Bộ Tài chính Mỹ, 11 nền kinh tế lớn nhất châu Á đã mua 4.700 tỉ đô la cổ phiếu và trái phiếu chính phủ kể từ năm 1997, nâng tổng giá trị đầu tư lên 7.500 tỉ đô la.

Thế nhưng chính sách thương mại của ông Trump, đặc biệt là các mức thuế quan ngất ngưởng áp lên hàng nhập khẩu toàn cầu, đã làm đảo lộn mọi tính toán.

Ngay sau khi thuế quan được công bố đầu năm 2025, đồng đô la Mỹ lao dốc, khiến các công ty bảo hiểm Đài Loan chịu khoản lỗ 620 triệu đô chỉ trong tháng Tư. Chưa dừng lại ở đó, đồng Đài tệ bất ngờ tăng vọt 8,5% trong hai ngày đầu tháng Năm, khiến các công ty bảo hiểm địa phương choáng váng với nguy cơ mất trắng 18 tỉ đô từ các khoản đầu tư vào Mỹ không được phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Cú sốc này làm rung chuyển sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan, nơi các nhà đầu tư ngỡ ngàng nhìn giá trị tài sản bốc hơi.

Dòng tiền từ châu Á chảy vào Mỹ đã có dấu hiệu chững lại ngay trước nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.

Lo ngại về thâm hụt ngân sách ngày càng phình to, sự phân cực chính trị và cơ sở hạ tầng già cỗi ở Mỹ cũng như việc sử dụng đồng đô la để trừng phạt Nga khiến châu Á đặt câu hỏi về độ an toàn của tài sản Mỹ.

Dòng vốn từ châu Á đổ vào Mỹ đạt đỉnh 354 tỉ đô năm 2004, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là hồi chuông cảnh báo, phơi bày rủi ro của thị trường Mỹ. Đến năm 2024, dòng vốn từ châu Á vào Mỹ chỉ còn 68 tỉ đô la.

David Gibson-Moore, chủ tịch kiêm CEO Gulf Analytica, công ty tư vấn tài sản có trụ sở tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) cho biết, trong thập niên qua, các quỹ đầu tư quốc gia, văn phòng gia đình và nhà đầu tư tổ chức trên khắp châu Á đã dần cân bằng lại danh mục đầu tư để giảm mức độ tiếp xúc quá mức với tài sản của Mỹ.

Dấu hiệu dịch chuyển đầu tư sang các thị trường khác

Hồi giữa tháng Năm, Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Mỹ, làm lung lay niềm tin vào nền kinh tế lớn thế giới. Các nhà đầu tư lớn như Nippon Life, công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản, bắt đầu tìm kiếm tài sản ở châu Âu, Úc và Canada để thay thế cho trái phiếu chính phủ Mỹ. Quỹ hưu trí UniSuper của Úc, quản lý 96 tỉ đô, cũng tuyên bố đã đạt đỉnh đầu tư vào Mỹ và sẽ cắt giảm vì “ông Trump đang biến mọi thứ thành cơn ác mộng cho kinh doanh”.

Amy Lo, đồng giám đốc quản lý tài sản khu vực châu Á của ngân hàng UBS cho biết, nhóm khách hàng giàu có của ngân hàng này đang cắt giảm tiếp xúc với tài sản bằng đô la để chuyển sang vàng, tiền điện tử và tài sản của Trung Quốc.

Sự chuyển hướng đầu tư nói trên có thể làm rung chuyển các thị trường toàn cầu. Theo Stephen Jen, CEO Eurizon SLJ Capital, hơn 2.500 tỉ đô la có thể rút khỏi Mỹ, đẩy giá tiền tệ ở các thị trường mới nổi tăng vọt và dòng vốn chảy vào cổ phiếu ở châu Âu, Nhật Bản, cũng như trái phiếu ở Úc và Canada.

Đây là bước ngoặt lớn, đảo ngược một chiến lược hình thành từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997 khi các quốc gia trong khu vực học rút ra bài học đau đớn: không có dự trữ đô la đầy đủ, họ dễ bị tổn thương trước biến động tỷ giá và thị trường chứng khoán suy sụp

Bài học này đã khiến các quốc gia châu Á tập trung vào việc kiếm đô la từ xuất khẩu sang Mỹ, tích lũy thặng dư để tái đầu tư vào thị trường Mỹ, nơi mang lại lợi nhuận cao.

Châu Á cần thúc đẩy tiêu dùng nội địa

Chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, với mục tiêu đưa sản xuất về Mỹ và chỉ trích các nước châu Á cố ý làm yếu đồng nội tệ, đang thách thức mô hình xuất khẩu của châu Á.

Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam và Singapore đều nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ, làm dấy lên suy đoán rằng tỷ giá sẽ là chủ đề quan trong trong các cuộc đàm phán thương mại hiện nay với Mỹ.

Đồng Đài tệ tăng giá đột biến trong tháng trước được cho là do áp lực từ Mỹ. Tương tự, đồng won tăng mạnh sau các cuộc họp đàm phán thương mại Mỹ-Hàn, trong khi đồng yen lại giảm giá sau khi Mỹ phủ nhận thông tin thảo luận tỷ giá với Nhật Bản.

Trong khi đó, các nhà phân tích cảnh báo, các đồng tiền của châu Á vẫn đang bị định giá thấp.

Trung Quốc đã giảm đầu tư vào Mỹ, bán 172 tỉ đô cổ phiếu và trái phiếu Mỹ trong năm 2024 sau khi bán 64 tỉ đô trong năm 2023. Trong tháng 3-2025, Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 3 về lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ, nhường lại vị trí chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ cho Anh.

Điều này làm dấy lên lo ngại cho thị trường trái phiếu Mỹ, nhất là khi kế hoạch cắt thuế trong nước của ông Trump có thể làm phình to thâm hụt ngân sách.

Giới đầu tư châu Á giờ đây chuẩn bị cho một cuộc cách mạng trong giao dịch đầu tư toàn cầu. Nhật Bản ghi nhận dòng vốn kỷ lục 57 tỉ đô la từ nước ngoài rót vào trái phiếu và cổ phiếu ở nước này trong tháng Tư, nhờ kinh tế phục hồi và lợi suất trái phiếu tăng.

Dù một số ý kiến nhận định sự dịch chuyển này chỉ là tạm thời vì đồng đô la vẫn mang lại lợi nhuận vượt trội, nhiều nhà quản lý tài sản cho rằng, các nước châu Á cần tăng tiêu dùng nội địa để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.

Theo Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cu-dat-cuoc-7-500-ti-do-la-cua-chau-a-vao-tai-san-my-dang-lung-lay/