Cứ hết lòng đi, rồi sẽ được đền đáp

'Yêu ai cứ yêu hết lòng, rồi sẽ được đền đáp!', họa sĩ Nguyễn Khắc Hân, một trong hai cái tên nhận Giải thưởng cao nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 với tác phẩm tranh khắc gỗ A Di Đà Phật bộc bạch. Nhiều năm gắn bó với nghề, giờ cái 'được đền đáp' cho 'mối tình' giữa anh chàng họa sĩ với đồ họa chính là tấm Huy chương vàng, và hơn cả, là sự ghi nhận của giới nghề và công chúng.

Gửi vào tranh lời ước nguyện!

- A Di Đà Phật không hẳn là tác phẩm hút mắt người xem từ cái nhìn đầu tiên, tuy nhiên chiều sâu của tác phẩm với những nét khắc linh hoạt cùng triết lý nhân văn đã “đốn ngã” Hội đồng nghệ thuật. Hân có thể chia sẻ về quá trình sáng tác tác phẩm này?

- Tôi phác thảo ý tưởng tác phẩm từ cách đây hai, ba năm rồi, sau này mới tiếp tục hoàn thiện. Phác thảo xong, tôi thiếu tư liệu, thông tin nên tạm gác lại để đi điền dã, đến những ngôi chùa lớn ở Bắc Ninh như Phật Tích, Bút Tháp để chụp hình ảnh, lấy tư liệu. Trong quá trình làm cũng có những cái không ưng ý, phải sửa lại. Ví như ban đầu tôi muốn làm tranh khổ to hơn, nhưng lại lo sẽ khó khăn khi in nên cứ cân nhắc mãi, cuối cùng “chốt” ở khổ như bây giờ, bức giữa kích cỡ 1 m x 70 cm, hai bức hai bên 1m x 50 cm.

- Mất đến vài ba năm từ phác thảo đến hoàn thiện, Hân hình như quá khó tính và cầu toàn?

- Đó là đặc thù của hội họa. Có những tác phẩm sau khi phác ý tưởng thì hoàn thành được luôn, nhưng có tác phẩm xong phác thảo, chưa ưng ý thì lại để đó, sau này mới quay lại chỉnh sửa, hoàn thiện. Tôi có nhiều tác phẩm phác thảo đã lâu, sau này mới làm tiếp chứ không chỉ riêng A Di Đà Phật. Sơn mài, sơn dầu hay khắc gỗ thì cũng phải kỹ lưỡng mới đạt được đến độ tinh. Nghệ sĩ mà không khó tính thì chỉ nhanh làm “hỏng” chính mình.

- Không chỉ được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, A Di Đà Phật còn được “điểm cộng” bởi tính triết lý, ý nghĩa nhân văn? Phải chăng Hân xem tác phẩm như một lời khấn nguyện, là niềm tin vào các giá trị nhân văn của cuộc đời?

- Trong tranh, bên cạnh hình tượng Đức Phật, tôi xây dựng hình tượng đứa bé từ chính hình ảnh đứa con của mình với mong muốn đạo Phật sẽ hướng con người đến với điều thiện, lòng khoan dung. Một xã hội đang có nhiều giá trị bị đảo lộn như hiện nay thì niềm tin là rất quan trọng. Tôi cũng muốn nói lên một vấn đề khác trong xã hội là cần lấy những đứa trẻ là trung tâm của mọi hành động. Chúng phải được nâng niu, bảo vệ, được giáo dục và tạo mọi điều kiện tốt đẹp nhất. Trước nay tôi vẫn thường theo đuổi mạch cảm hứng từ những đề tài gần gũi như gia đình, trẻ em... với mong muốn đưa mọi giá trị về vị trí tốt đẹp.

Động lực để nuôi dưỡng đam mê

- Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam có thể được xem là “sự đền đáp” của nghề cho tình yêu chung thủy của Hân với đồ họa?

- Tôi theo học Khoa Đồ họa Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ra trường, tôi quyết tâm chỉ gắn với đồ họa, bởi đó chính là cái duyên, cái nghiệp của mình. Nhiều lúc thấy nghề này với mình cứ như là “người tình kiếp trước” vậy. Đeo đuổi vô vàn khó khăn, nhất là những khi sức ép kinh tế khiến tôi thấy hình như mình quá “xa xỉ”. Tôi phải làm thêm nhiều công việc để trang trải cuộc sống, để nuôi nghề. Nhưng yêu nghề, nghề chẳng phụ, tôi vẫn cứ quan niệm yêu ai thì hãy cứ hết lòng đi, rồi sẽ được đền đáp. Giải thưởng này với tôi có thể xem như một sự “đền đáp” vô cùng ý nghĩa. Mà thật, lúc vẽ tôi chỉ muốn thỏa niềm đam mê. Rồi khi gửi đi các triển lãm, các gallery thì lại kỳ vọng có giải và bán được tranh. Họa sĩ nào cũng vậy, cũng kỳ vọng đứa con tinh thần của mình luôn thành đạt. Tôi nghiệm thấy mình thật may mắn khi những kỳ vọng đã và đang thành hiện thực.

- Có bao giờ Hân nao núng khi đồ họa không phải là dòng tranh “hot” trên thị trường, tranh bán không nhiều và giá cả cũng thấp?

- Đúng là đồ họa so với sơn mài, sơn dầu thì không “hot” bằng, khả năng cạnh tranh và thu hút khách cũng ít hơn. Nhưng biết làm sao, tôi đã quyết tâm chỉ gắn với đồ họa chứ không phải bất cứ dòng tranh nào khác, cho dù tôi biết rõ đó là con đường vô vàn chông gai.

Đặc tính tranh đồ họa là in ra nhiều phiên bản, một bức có thể in 5, 10 bản, thậm chí nhiều hơn. Không phải độc bản như sơn dầu, sơn mài, nên cách tính giá tranh đồ họa cũng khác. Nếu bán tất cả các bản đã in thì không chắc đã thấp hơn sơn dầu đâu. Tranh sơn dầu của một họa sĩ tầm tầm có thể bán 5.000-7.000 USD, còn tranh đồ họa nếu bán lẻ từng bản thì khoảng 1.000- 2.000 USD.

Tuy nhiên, vì “đầu ra” cho đồ họa khá bấp bênh nên không nhiều người gắn bó. Sinh viên đồ họa tốt nghiệp ra trường trong 7-10 người thì cũng chỉ 1, 2 người theo đuổi, còn thì đều rẽ những ngả khác. Tôi vẫn chưa thể sống được bằng nghề, nhưng chắc không thể có một cuộc sống khác mà không có đồ họa. Các họa sĩ đồ họa khác cũng vậy, họ đều có niềm đam mê, sống- chết với nghề thì mới gắn bó lâu dài được.

- A Di Đà Phật đã có đơn vị nào đặt vấn đề mua chưa?

- Có rồi đấy, nhưng tôi chưa quyết định.

- Tranh “vàng” thì chắc giá cũng phải khác chứ?

- Tôi vẫn chỉ đưa ra giá khởi điểm 1.500 USD/bản thôi. Nếu bảo tàng trả giá thấp hơn một chút so với các nhà sưu tập tư nhân thì chắc tôi vẫn bán cho bảo tàng, vì đó là nơi lưu giữ những tác phẩm tiêu biểu của hội họa Việt Nam.

- Vẻ như Hân sống hơi khác so với nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ nhỉ?

- Là sống chậm đúng không?! Tôi luôn trân trọng mọi cơ hội đến với mình, nhưng nếu vì lần này tác phẩm được trao giải Vàng mà đôn giá lên quá cao thì chắc không làm được. Tôi nghĩ cái gì vừa phải bao giờ cũng dễ được chấp nhận.

Nghệ sĩ trẻ bây giờ cũng nhiều người “liệu cơm gắp mắm” như tôi lắm chứ. Chộp giật, cơ hội không phải là cách để xây dựng tên tuổi bền vững. Nhiều người “ngoại đạo” cho rằng, đồ họa cứ bức nào bán chạy thì in thêm mà kiếm tiền. Họ không hiểu nên mới nói như thế. Bản chất đồ họa là đã in 5 hay 10 bản thì chỉ được phép dừng ở đó, không phải vì bán chạy mà in thêm một bản nào nữa. Nếu in thêm thì đó chính là cách mà nghệ sĩ tự hạ thấp tên tuổi, tự “bán rẻ” đạo đức nghề nghiệp.

- Nhiều người cho rằng các họa sĩ trẻ hiện nay sung sức đấy, hiện đại đấy nhưng đột phá thì ít, chiều sâu càng thiếu vắng?

- Cái lợi của họa sĩ trẻ hiện nay là được cập nhật nhiều yếu tố mới, công nghệ hiện đại nên họ bắt nhịp rất nhanh với những kỹ thuật, phương pháp thể hiện mới. Tuy nhiên, nhanh không đồng nghĩa với việc họa sĩ trẻ trang bị cho mình được những góc nhìn có chiều sâu khi tìm tòi, khai thác và thể hiện ý tưởng.

- Giải thưởng cao nhất ở một sân chơi chuyên nghiệp với nhiều nghệ sĩ là một giấc mơ. Còn Hân, đây có phải là cơ hội tạo bước ngoặt không?

- Nếu có giải thưởng mà ngủ quên thì tất cả sẽ vẫn chỉ thế thôi. Cơ hội không dễ có, nhưng điều quan trọng là phải biết đưa cơ hội đó thành bước ngoặt. Với tôi, Giải thưởng chính là động lực để tiếp tục nuôi nấng niềm đam mê đồ họa và đến gần hơn với những kế hoạch đã ấp ủ từ lâu. Tôi mong muốn một, hai năm nữa sẽ có được một triển lãm cá nhân. Và nếu có thể, tôi còn thử sức với… điêu khắc nữa.

- Xin cảm ơn anh!

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/tro-chuyen-cuoi-tuan/item/28305002-cu-het-long-di-roi-se-duoc-den-dap.html