Nguồn gốc Pháp môn Tịnh Độ trong Phật giáo Đại thừa
Khi nói về lịch sử hình thành và phát triển của Tịnh độ tông thì Trung Quốc mới chính là nơi để tư tưởng, phương pháp tu tập Tịnh độ phát triển...
Khi nói về lịch sử hình thành và phát triển của Tịnh độ tông thì Trung Quốc mới chính là nơi để tư tưởng, phương pháp tu tập Tịnh độ phát triển và trở thành một tông phái.
Tác giả: Thích Quảng Như (Nguyễn Thành Đạt) Học viên Thạc sĩ khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024
Lịch sử Phật giáo Việt Nam có hai truyền thống chính là Thiền (Zen) và Tịnh độ (Pure Land). Thiền tông nhấn mạnh sự kiểm soát nội tâm “internal locus of control” hay quyền tự chủ “self-power”, trong đó hành giả sẽ trải nghiệm bằng cách hành trì của chính họ để đạt đến mục đích cuối cùng. Ngược lại, Tịnh độ nhấn mạnh sự tác động từ ngoại cảnh “external locus” or “other-power”, thực hiện hành động tưởng, nghĩ, nhớ đến niệm danh hiệu (Buddha name Recitation) Amitābha sẽ đưa hành giả đến mục đích tối thượng [1].
Tịnh độ Sanskrit: Ksetra; Pāli: Khetta – có nghĩa là Thế giới hoặc Cõi. Tịnh là không nhiễm bẩn; và Tịnh độ là cõi thanh tịnh. Câu phạn ngữ “Parisuddha buddha ksetra”, “Parisuddha” nghĩa là “được tịnh hóa”, chữ “Buddha” nghĩa là “Phật”, chữ “Ksetra” nghĩa là “Độ” (cõi nước, đất nước), câu chữ Phạn được dịch: “Quốc độ của Phật được thanh tịnh”, “tất cả quốc độ của chư Phật đều đã thanh tịnh”[2]. Ngoài ra, Tịnh độ còn được được hiểu đó là quốc độ của đức Phật A Di Đà, cõi Tây phương Cực lạc.
Tịnh độ là một phần của Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) (PGĐT), một nhánh được phát triển cách đây khoảng hai nghìn năm nhờ những cuộc tranh luận về bản chất của sự giác ngộ và những vấn đề thực tế như ai nên nắm giữ quyền lực tâm linh [3]. PGĐT gồm các tông phái chính như Chân Ngôn tông, Hoa Nghiêm tông, Luận tông, Thiên Thai tông, Thiền tông và Tịnh độ tông [4].
Mặc dù, lịch sử xuất hiện của Phật giáo Đại thừa vẫn còn là vấn đề tranh luận, tuy nhiên có thể khẳng định rằng, Phật giáo Đại thừa đã xuất hiện từ rất sớm trong kinh điển “Traces of Mahāyāna teachings appear already in the oldest Buddhist scriptures” [5], nhưng lại ít được đề cập khi đức Phật còn tại thế. Điển hình là thuật ngữ “Bồ tát” đã xuất hiện rất nhiều khi đức Phật kể về những câu truyện tiền kiếp của Ngài (Jākata) [6], đây là nền tảng cho sự phát triển tư tưởng Đại thừa sau này.
Trên cơ bản, Phật giáo Nguyên thủy (PGNT) và PGĐT có cùng vị giáo chủ đứng đầu là đức Phật, có cùng tôn chỉ và mục đích tu tập để đạt đến niết bàn, giải thoát. Tuy nhiên về phương pháp và phương tiện hành trì thì có một vài điểm khác biệt như:
(1) Cách nhìn nhận về vị giáo chủ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, PGĐT tin rằng Ngài là một đấng toàn năng, trí huệ, có năng lực vô biên. Ngoài đức Phật Thích Ca còn có rất nhiều vị Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai và vô số vị Bồ tát.
Trong khi đó, PGNT chỉ thừa nhận có một vị đạo sư duy nhất, một vị giáo chủ - đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Ngài đã đạt đến giác ngộ, niết bàn;
(2) Phương pháp hành trì: PGNT nghiêm trì giới luật, thiền định theo Tam vô lậu học “Giới, Định, Tuệ” là con đường đưa đến mục đích tối thượng, trong khi PGĐT ngoài nghiêm trì giới luật theo ba pháp đó còn có các pháp như “Bát chính đạo” - hành trì theo con đường trung đạo - bao gồm “Lục độ” và “Tứ nhiếp” [7];
(3) Giáo lý, học thuyết: PGNT phủ định chủ thể tinh thần chủ quan của cá nhân, không có thật ngã, chỉ có thật pháp. Trong khi đó, tinh thần của PGĐT quan niệm tất cả các pháp đều do nhân duyên tạo thành “tâm dẫn đầu các pháp”, trong kinh Pháp Hoa đã đề cập rõ tư tưởng này, tất cả các sự vật hiện tượng hiện hữu ở thế gian để do tâm mà thành. Hơn thế nữa, PGĐT không lệ thuộc vào bản thể luận nên không bị gò bó theo văn tự [8];
(4) Mục tiêu tu tập: PGNT tự tu tự độ, quả vị cao nhất là A-la- hán trong khi PGĐT hướng đến sự tu tập không những tự độ mà còn độ cho chúng sinh hướng đến quả vị Phật. “Đại thừa là cái giác ngộ của Phật, còn Nguyên thủy là cái giác ngộ của La Hán” [9].
Ngoài ra, một trong những điểm khác biệt rõ nhất như đã được đề cập trước đó là PGĐT với tư tưởng Bồ tát, tinh thần Bồ tát đạo đề cao việc làm mang lợi ích cho tha nhân. Tinh thần Bồ tát trong PGĐT đó là trước cầu Phật đạo, sau giáo hóa chúng sinh thông qua phương tiện thọ Bồ tát giới, tu Bồ tát hạnh. Mặc dù, lý tưởng Bồ tát bắt nguồn từ thời PGNT tuy nhiên quan niệm hoàn toàn khác với PGĐT.
PGĐT mang trong mình tư tưởng nhập thế, quan niệm tất cả chúng sinh đang tu tập theo con đường đức Phật dạy dù xuất gia hay tại gia đều đạt được những thành tựu nhất định.
Miền đất của đức Phật được xem là nơi hạnh phúc của sự giải thoát nên gọi là Tịnh độ [10]. Trường phái Tịnh độ tập trung vào Sukha vativyuha (Kinh Tịnh Độ), Tịnh độ là miền đất của đức Phật AMITABHA cư trú, là miền đất của sự an lành, hạnh phúc: “The Pure Land school focuses on the Sukhavativyuha, the Pure Land Sutra, which describes the Pure Land, the paradise in the west where the Buddha AMITABHA resides” [11].
Những người theo Tịnh độ cho đến ngày nay bị thu hút mạnh mẽ bởi hình ảnh về một thế giới yên bình bên kia mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được. Vì thế Tịnh độ vẫn là một pháp môn cứu cánh của Phật giáo đương thời: “Followers to this day are strongly attracted by the images of a peaceful afterlife accessible to all. Therefore, Pure Land remains a strong branch of contemporary Buddhist practice” [12].
Tuy nhiên, khi đề cập về lịch sử Phật giáo Tịnh độ vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi với nhiều ý kiến trái ngược nhau giữa các học giả Phật giáo và các nhà nghiên cứu trên thế giới.
Mỗi học giả đều có những lập luận để chứng minh sự nghiên cứu của mình. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Phật giáo Tịnh độ được thành lập ở Trung Quốc, vào khoảng thế kỷ thứ IV bởi Huiyuằn (334- 416 CE) [13] trong khi những người khác cho rằng Nāgārjuna (160-225-CE) là người khai sáng thể hiện qua tác phẩm Mahāprajnāparamitāsatra của ông (có kinh Pratyutpanna samādhi (般舟三昧經) do Lokasema dịch vào khoảng năm 179 CN) [14].
Nghĩa là Tịnh độ đã xuất hiện và tu tập từ nhiều năm trước khi các bậc thầy biết đến tông phái này. Trong hệ thống Nikāya và Mahāyāna có một số trích dẫn liên quan, người viết xin được đề cập như sau. Kinh Tăng Chi Bộ đức Phật đề cập, ở đó có một pháp, nếu được áp dụng thành tựu sẽ đưa đến một điểm là vô cảm, vô tham vọng, đoạn diệt, an tịnh, trí tuệ cao thượng, giác ngộ và niết bàn.
Pháp đó là gì? Đó là niệm Phật: “There is a Dharma, bhikkhus, if applied, completed, lead to one point for uninspiring, unambition, extermination, calm, high wisdom, enlightenment and nirvana. What is that one Dharma? That is mindful of Buddha…” [15].
Theo thiển ý của người viết, đây là thông tin quan trọng để tìm ra nguồn gốc của Buddhanusāti (được dịch là sự tập trung hồi tưởng, chính niệm hay niệm Phật và các phẩm hạnh của Ngài) trong kinh Nikāya. Ở đây, đức Phật Thích Ca Mâu Ni không đề cập chính xác danh hiệu của vị Phật nào phải niệm trong hoàn cảnh này.
Thực tế, có chín đối tượng mà các tín đồ Phật tử luôn tụng niệm và ghi nhớ hành trì, như: giáo lý (Dharma), Tỳ- kheo (Sangha), quy định (Sīla), cúng dường (Dāna), thiên thần (Deva), thân (Kaya), hơi thở (Prāna), tĩnh lặng (Suddhi) và cái chết (Marana). Tuy nhiên, trong các kinh khác đức Phật lại đề cập đến tướng mạo của một vị Phật:
“Này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử niệm Như Lai: đó là đức Phật, là bậc A-la-hán, giác ngộ viên mãn, thành tựu chính kiến và thiện hạnh, bậc cao thượng, bậc hiểu biết về thế gian, người huấn luyện tối thượng cho những người được điều phục, thầy của chư thiên và loài người, giác ngộ, may mắn. Khi các Tỷ-kheo, thánh đệ tử niệm Như Lai, lúc bấy giờ tâm vị ấy không bị tham chi phối, cũng không bị sân hận chi phối, cũng không bị si chi phối. Khi ấy tâm mình ngay thẳng, người ấy đã bỏ được lòng tham, tự mình thoát khỏi nó, và cũng từ đó, chúng sinh theo con đường này mà thanh lọc thân tâm” [16].
Điểm này rất quan trọng đối với những hành giả Tịnh độ, những người đã tìm kiếm lời dạy thực sự của đức Phật trong kinh tạng Nikāya trong nhiều năm. Nhiều hành giả theo truyền thống Tịnh độ đã lo lắng về phương pháp niệm Phật có thể không được đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy. Nhưng qua sự kiện này đã chứng minh rằng niệm Phật là một trong những phương pháp thực hành lời dạy của đức Phật. Đây là yếu tố quyết định thành tựu mà người ta có thể đạt được khi niệm Phật.
Hành giả Tịnh độ có thể tham gia vào Phật quả và giác ngộ thông qua phương pháp này, đây là điều đức Phật đã dạy. Một minh chứng khác liên quan đến chủ đề này là kinh 118 Anāpānasati [17] về niệm hơi thở và kinh Kāyagatāsati sutra [18] niệm thân chuyển động trong Majjhima Nikāya. Quán niệm về cái chết trong Tăng Chi Bộ Kinh, chương sáu Pháp.
Niệm tĩnh lặng (Suddhi) trong kinh số 1. 64 Mahā Mālunkyā [19] trong Majjhima Nikāya. Điều này cho thấy những gì đức Phật dạy về “chính niệm” đã xuất hiện trong nhiều bộ kinh Nikāya được tất cả các học giả Phật giáo trên thế giới tin tưởng.
Học giả Chánh Trí đã xác định về định nghĩa niệm Phật rằng theo trích dẫn từ kinh đức Phật dạy: Niệm Phật, tâm thanh tịnh, nghĩa là Cõi Phật thanh tịnh, tức là thấy Phật A Di Đà, TĐ và Thiền không phải là hai mặt: “Reciting of Buddha, your mind to be calm, it meant Buddha’s land is pure, is to see the Amitābha Buddha, that Pure Land and meditation are not two sides” [20].
Sau khi đức Phật nhập diệt, kinh điển được kết tập nhiều lần và kinh điển Đại thừa có thể xuất hiện sau Kỳ kết tập lần thứ ba khoảng 500 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Vì vậy, một số văn bản Đại thừa xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ năm trước CN. Đây là lý do tại sao kinh Phật A Di Đà (Sukhāvatī- vyūahah) xuất hiện vào khoảng năm 140 CN [21].
Trong khi ở Trung Quốc xuất hiện một kinh gọi là Pratyutpanna samādhi (般舟三昧 經) vào khoảng năm 179 CN [22]: “If someone have only focus on mindful of Buddha in one day one night to seven days seven nights, after seven days, they will see the that Buddha” [23] nghĩa là, nếu có người chỉ chuyên tâm niệm Phật trong một ngày một đêm đến bảy ngày bảy đêm, sau bảy ngày, họ sẽ thấy đức Phật đó.
Minh chứng này cho chúng ta thấy rằng việc thực hành Tịnh độ đã xuất hiện ở Ấn Độ và Trung Quốc vào thế kỷ thứ II CN. Chuyển sang thời kỳ Long Thọ, Ngài là bậc thầy vĩ đại sau khi đức Phật nhập diệt trong lịch sử Phật giáo. Ông cũng là bậc thầy truyền bá PGĐT.
Ngài đã phát ra nhiều lời nguyện của đức Phật A Di Đà, như đức Phật của Ánh sáng và Trí tuệ Vô tận, có thân trong như một ngọn núi chân thật, tôi tôn thờ bằng thân, khẩu và trái tim bằng cách chắp tay và cúi đầu trước Ngài: “The Buddha of Infinite Light and Wisdom, whose body in like a mountain of genuine, I worship with my body, speech and heart by joining hands and bowing down toward him” [24].
Đây là lời phát nguyện xuất phát từ trái tim của một người con Phật hoàn toàn tin tưởng vào người Thầy của chính mình. Điều này có nghĩa là ngài Long Thọ thực sự tin vào Phật A Di Đà nên đã làm như vậy. Ông đã viết hơn ba mươi bài kệ kính lễ và hành trì đức Phật A Di Đà. Nếu ai đó niệm danh hiệu Phật đến nhiếp tâm thì người ấy sẽ đạt được giai đoạn được thấy đức Phật.
Vì vậy tôi luôn niệm danh hiệu A Di Đà: “If anyone is mindful of that Buddha’s infinite power and merit, he will instantly enter the Stage of Assurance. So, I am always mindful of Amida” [25]. Ngoài ra, hành giả còn có thể đọc thêm về Phật giáo Tịnh độ trong các tác phẩm: Bình luận về Kinh Thập giai đoạn (Dāsabhūmika vibhāsā-sātra) [26] và đạo sư Aśvaghosa với Sự thức tỉnh niềm tin vào Đại thừa (Mahāyāna Śraddhotpāda Sá̄stra) [27].
Như vậy, tư tưởng và phương pháp tu tập Tịnh độ được hình thành tại Ấn Độ, chỉ khi truyền sang Trung Quốc thì phát triển thành một tông phái gọi là Tịnh độ tông. Ngay từ đầu, tư tưởng và phương pháp tu tập Tịnh độ chủ trương dựa vào sức mạnh của Phật A Di Đà trên cơ sở người hành giả phải có niềm tin sâu sắc và sự tôn thờ bằng cách niệm hồng danh Phật A Di Đà.
Cho nên, khi nói về lịch sử hình thành và phát triển của Tịnh độ tông thì Trung Quốc mới chính là nơi để tư tưởng, phương pháp tu tập Tịnh độ phát triển và trở thành một tông phái.
Tác giả: Thích Quảng Như (Nguyễn Thành Đạt) Học viên Thạc sĩ khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024 ***
TRÍCH DẪN:
[1] Allison J. Truitt (2021), Pure Land in the Making: Vietnamese Buddhism in the US Gulf South, Nxb. Seattle: University of Washington Press, p.5.
[2] Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb TP. HCM, tr. 4.
[3] Allison J. Truitt (2021), Pure Land in the Making: Vietnamese Buddhism in the US Gulf South, Nxb. Seattle: University of Washington Press, p.8.
[4] Nguyễn Tuệ Chân dịch (2008), Tủ sách bách khoa Phật giáo – Lịch sử Phật giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr41,71,78,88,94,103.
[5] Heinrich Dumoulin (1994), Zen Buddhism: A History, vol. 1, India and China, Nxb. New York: Macmillan, p. 28.
[6] Robert E. Buswell Jr & Bonald S. Lopez Jr. (2014), The Princeton Dictionary of Buddhism, Nxb. New Jersey: Princeton University Press, p. 381.
[7] Nguyễn Tuệ Chân dịch (2008), Tủ sách bách khoa Phật giáo – Lịch sử Phật giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr44.
[8] Thu Giang (1999), Phật học tinh hoa, NXB tp. Hồ Chí Minh, tr105.
[9] Thu Giang (1999), Phật học tinh hoa, NXB tp. Hồ Chí Minh, tr104.
[10] Soka Gakkai, (ed.) Dictionary of Buddhism, (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 2009), p. 528.
[11] Edward A. Irons (2008), Encyclopedia of Buddhism, Publisher. Facts on File, ISBN 9780816054596, p.435.
[12] Edward A. Irons (2008), Encyclopedia of Buddhism, Publisher. Facts on File, ISBN 9780816054596, p.435.
[13] Junjiro Takakusu, The Essentials of Buddhist Philosophy, (Honolulu: University of Hawaii, 2010), chapter VII: Pure Land school, p. 166.
[14] Phước Nguyên (2016), Giới Thiệu Nguồn gốc A-Di-Đà, Nxb. Hồng Đức, p. 206.
[15] Bhikkhu Bodhi (2012), The Numerical Discourses of the Buddha: A New translation of Anguttara Nikāya. Boston: Wisdom Publications, p. 85.
[16] Bhikkhu Bodhi (2012), The Numerical Discourses of the Buddha: A New translation of Anguttara Nikāya. Boston: Wisdom Publications, p. 1333.
[17] Bhikkhu Nãnamoli & Bhikkhu Bodhi (2009), The Middle Length Discourses of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, p.941.
[18] Bhikkhu Nãnamoli & Bhikkhu Bodhi (2009), The Middle Length Discourses of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, p.949.
[19] Bhikkhu Nãnamoli & Bhikkhu Bodhi (2009), The Middle Length Discourses of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, p.537.
[20] Chánh Trí, Mai Thọ Truyền (1995), (ed.), Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Nxb Hà Nội, p. 17.
[21] Phước Nguyên (2016), Giới Thiệu Nguồn gốc A-Di-Đà, Nxb. Hồng Đức, tr. 206.
[22] Phước Nguyên (2016), Giới Thiệu Nguồn gốc A-Di-Đà, Nxb. Hồng Đức, tr.202.
[23] Taishō Tripit aka, (CBETA, vol. 13, no. 0418), p. 0905a. 若有善人, 一心.
[24] Hisao Inagaki (1998), Nāgārjuna’s Discourse on the Ten Stages, Kyoto: Ryukoku University Press, p. 40.
[25] Hisao Inagaki (1998), Nāgārjuna’s Discourse on the Ten Stages, Kyoto: Ryukoku University Press, p. 40.
[26] Hisao Inagaki, Op.cit., & Taishō Tripit aka, (CBETA, vol. T26, no. 1521, 十住毘婆沙論 .
[27] Awakening of Faith in the Mahāyāna, (大乘起信論), Taishō Tripit aka (CBETA, vol. T32, no. 1667), p. 0583b23-0591c02.
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phap-mon-tinh-do-phat-giao-dai-thua.html