Cú hích cho bắn súng Việt Nam

Cầm trên tay 10 triệu đồng - phần thưởng dành cho tấm huy chương vàng nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại Giải vô địch Bắn súng toàn quốc năm 2020, xạ thủ Bùi Thúy Thu Thủy (Hà Nội) xúc động chia sẻ: 'Thế là em có tiền gửi về biếu bố mẹ rồi!'.

Với nhiều người, 10 triệu đồng không phải là to. Nhưng đối với Thu Thủy hay nhiều vận động viên (VĐV) theo nghiệp thể thao thì khoản thưởng trên có thể giúp họ trang trải được nhiều thứ. Nếu như trước đây, với tấm huy chương quốc gia, mỗi VĐV đều trông chờ vào tiền thưởng của địa phương, đơn vị (tiền thưởng của ban tổ chức mọi năm chỉ mang tính tượng trưng - khoảng 300.000 đồng). Tùy theo quy chế của mỗi địa phương, đơn vị mà mỗi VĐV sẽ được thưởng theo khung khác nhau. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngoài 10 triệu đồng tiền thưởng kể trên, năm nay Thu Thủy còn nhận được thêm tiền thưởng từ Hà Nội như mọi năm.

Tại Giải vô địch Bắn súng toàn quốc năm 2020, mỗi huy chương vàng, bạc, đồng sẽ lần lượt nhận thưởng 10, 5, 3 triệu đồng. Ngoài ra, với mỗi một kỷ lục quốc gia được thiết lập, ban tổ chức đều thưởng 5 triệu đồng. Đặc biệt, tất cả chi phí tổ chức giải năm nay đều được lấy từ nguồn xã hội hóa. Để có được thành quả ấn tượng trên, những năm qua Liên đoàn Bắn súng Việt Nam (VSF) đã làm rất tốt công tác xã hội hóa. Chủ tịch VSF Đỗ Văn Bình và các đồng chí ban trong ban thường trực đã mời được nhiều nhà tài trợ như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO), Công ty Cổ phần Đại Dương. Kết thúc giải đấu, đại diện các nhà tài trợ còn trao tặng cho VSF với tổng số tiền 1 tỷ đồng, tài trợ cho các đơn vị bắn súng như: Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam… mỗi đơn vị 50 triệu đồng nhằm khuyến khích phát triển môn bắn súng.

 Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tài trợ 500 triệu đồng cho Liên đoàn Bắn súng Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tài trợ 500 triệu đồng cho Liên đoàn Bắn súng Việt Nam.

Xã hội hóa trong thể thao là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho con người, cho cộng đồng, để "giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa". Muốn có một nền thể thao phát triển thì không chỉ mỗi trông chờ vào nguồn ngân sách, mà cần phải thu hút càng nhiều nguồn lực từ xã hội. Có được tài trợ là thể thao có được một “bầu sữa” lớn, VĐV được nâng cao thu nhập để yên tâm cống hiến với nghề. Ngay cả ở các nước phát triển, việc huy động nguồn lực xã hội vào thể thao là rất quan trọng. Chúng ta từng chứng kiến nhiều đoàn thể thao, VĐV nước ngoài đi thi đấu quốc tế được “chăm sóc đến tận răng”, thu nhập gấp nhiều ngành nghề khác. Họ đã biết cách khai thác hiệu quả hình ảnh của bộ môn, biết kêu gọi các nhà tài trợ đổ tiền vào đầu tư.

Với thể thao Việt Nam, khái niệm xã hội hóa vẫn chưa thật sự rõ nét. Đếm trên đầu ngón tay may ra được vài bộ môn như bóng đá, bóng chuyền, bắn súng, cầu lông… là có sự chung tay của nhà tài trợ. Có rất nhiều bộ môn đang phải sống nhờ ngân sách, chế độ cho VĐV khi tập luyện, thi đấu cũng theo định mức. Nhiều bộ môn, VĐV không thể sống được với đồng lương, làm đủ thứ nghề như bán hàng online, chạy thêm xe ôm, rửa bát thuê… mới có thể tạm trang trải cuộc sống. Khi mà VĐV phải tất bật lo cơm, áo, gạo, tiền thì thật khó có thể mong họ có thể toàn tâm toàn ý thi đấu và cống hiến cho thể thao nước nhà. Bởi vậy mới có chuyện mỗi năm VĐV thường chỉ trông vào những khoản thưởng từ đơn vị, thưởng nhờ thành tích thi đấu mới mong có được cái tết no, ấm.

Bắn súng là một môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic. Việc VSF cùng với các nhà tài trợ có nhiều khoản thưởng cho những VĐV đoạt giải cao tại Giải vô địch Bắn súng toàn quốc 2020 là một sự bứt phá lớn, một cú hích nhằm phát triển bộ môn. Niềm vui đã đến với nhiều xạ thủ, từ đây họ có thêm động lực để tiếp tục tập luyện, thi đấu hướng tới những sân chơi cao hơn.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/cu-hich-cho-ban-sung-viet-nam-643643