'Cú hích' cho giảm nghèo ở vùng đất khó

Nghị quyết 11 ra đời riêng cho Mường Lát chính là 'cú hích' đối với công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… đạt được kết quả bền vững.

Năm 2023, người dân Mường Lát có nguồn thu nhập hơn 100 tỷ đồng từ cây sắn.

Năm 2023, người dân Mường Lát có nguồn thu nhập hơn 100 tỷ đồng từ cây sắn.

Nghị quyết riêng

Mường Lát nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa trên 250km, địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, vực sâu, đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp hạn hẹp, kém màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt, chăn nuôi kém phát triển, đời sống người dân lâu nay còn nhiều khó khăn. Địa phương này có hơn 95% dân số là đồng bào DTTS, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh đã có các chủ trương, giải pháp giúp Mường Lát “thoát nghèo” bền vững, song dường như “bài toán khó” này nhiều năm chưa có lời giải… Nhiều chương trình, dự án giảm nghèo cho đồng bào được triển khai tại Mường Lát nhưng không mang lại hiệu quả như mục tiêu đề án đề ra ban đầu.

Nhằm tạo “cú hích” mạnh cho vùng đất khó, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết 11 xác định, giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 10,2% trở lên; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, tỷ lệ che phủ rừng giữ ở mức 77%...

Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (1 xã đạt NTM nâng cao), 2 bản đạt NTM kiểu mẫu... Mục tiêu đến năm 2045, kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức. Chuyển từ sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất hàng hóa; chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Thay đổi diện mạo vùng khó

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", huyện Mường Lát lựa chọn cây sắn làm cây sinh kế giúp người dân nhanh chóng có thu nhập, đảm bảo cuộc sống, từ đó yên tâm trồng rừng và các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn để thoát nghèo bền vững. Năm 2023, toàn huyện Mường Lát trồng được khoảng 3.000 ha sắn, năng suất dự kiến đạt 18 tấn/ha. Vụ sắn này, người dân Mường Lát có thêm nguồn thu nhập hơn 100 tỷ đồng từ cây sắn.

 Những căn nhà khang trang từ nguồn thu nhập của con em đi xuất khẩu lao động.

Những căn nhà khang trang từ nguồn thu nhập của con em đi xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, một số địa phương tập trung trồng lúa nếp Cay Nọi. Vụ mùa năm 2023, tổng diện tích lúa nếp Cay Nọi được gieo trồng là hơn 815 ha, sản lượng đạt gần 4.000 tấn, tập trung ở các xã Mường Chanh, Quang Chiểu và thị trấn Mường Lát.

Cũng sau Nghị quyết 11, xuất khẩu lao động cũng được chú trọng, một số xã có con em đi lao động nước ngoài đông như Quang Chiểu, Mường Chanh lên đến hàng trăm người. Nguồn thu từ xuất khẩu lao động đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu…

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết: “Quang Chiểu là địa phương có người xuất khẩu lao động đầu tiên của huyện Mường Lát. Hiện toàn xã có 239 công dân đang lao động tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Mỗi năm, số ngoại tệ gửi về địa phương khoảng 60 tỷ đồng. Những gia đình có người đi xuất khẩu lao động, đời sống kinh tế khá giả hơn nhiều so với những gia đình khác. Không chỉ giúp bà con thoát nghèo mà còn làm giàu”.

Tại báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 11 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 25,5 triệu đồng, bằng 102% mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát phấn khởi: “Thực tế cho thấy, Nghị quyết 11 như một đòn bẩy giúp Mường Lát phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển”.

Theo ông Triệu Minh Xiết, nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện được nâng lên, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, cam chịu đã bắt đầu có sự chuyển biến theo hướng tích cực, người dân đã chủ động hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ, có tính kết nối cao, nhất là hạ tầng giao thông, điện, hạ tầng văn hóa - giáo dục…

Nguyễn Thùy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cu-hich-cho-giam-ngheo-o-vung-dat-kho-post692233.html