'Cú hích lớn' để giáo dục đại học bứt phá

Muốn đạt được khát vọng đưa đất nước phát triển bứt phá, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào giáo dục đại học để phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao. Hoàn thiện thể chế, chính sách được xác định là 'cú hích lớn', mang tính tiên quyết tạo nên thành công.

Hội thảo Giáo dục 2023. Ảnh: Nghĩa Đức

Hội thảo Giáo dục 2023. Ảnh: Nghĩa Đức

Mấu chốt là chất lượng đầu ra

“Gần đây, chúng tôi khảo sát 100 sinh viên, lựa chọn từ 2.000 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent và kết quả cho thấy, 3/4 các em tự nhận xét những gì mình được học chỉ đáp ứng dưới 75% yêu cầu công việc, chỉ 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu. Tỷ lệ này là khá tương đồng với nhận định của các cán bộ được giao hướng dẫn, kèm cặp” - Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó Giám đốc Học viện Viettel chỉ ra tại Hội thảo Giáo dục 2023 "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chiều 5.11.

Dẫn chứng cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa nội dung đào tạo trong nhà trường và thực tế làm việc tại doanh nghiệp. Mặc dù những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, có khi lên đến 99% trong khi thực tế năng lực đáp ứng chưa tới 70% yêu cầu công việc. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến quý I.2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,1% và tỷ lệ dân số có trình độ đại học là 11,1%. Điều này cho thấy Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề cũng như công nhân kỹ thuật bậc cao. Các nghiên cứu còn cho thấy, nguồn cung nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khan hiếm thời gian tới. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ còn cần phải đào tạo lại nếu muốn có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu.

Để không chậm nhịp phát triển, mấu chốt là bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo theo “tín hiệu thị trường”, cập nhật nội dung đào tạo gắn với yêu cầu của doanh nghiệp. Theo Đại tá Dương Xuân Phượng, thay vì chỉ đặt ra câu hỏi đến trường “học được kiến thức gì” thì cần hỏi “học xong có thể làm được gì”. Khảo sát nhu cầu thị trường chính là giải pháp góp phần tránh tình trạng lệch pha cung - cầu. Để làm được điều này, các trường đại học cần xây dựng và duy trì kết nối thường xuyên với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến đúng ngành nghề đào tạo của nhà trường.

Cùng quan điểm, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc cho rằng, chủ trương về “mô hình ba nhà”, gồm Nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp ở Việt Nam đã được thể chế hóa nhưng đến nay chủ yếu vẫn dừng lại trên văn bản. Thực tế việc cụ thể hóa chủ trương này hiện còn rất thiếu, chưa tạo được môi trường chính sách, cơ chế cần thiết để tạo dựng quan hệ hợp tác bền chặt giữa trường đại học và doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, hệ thống pháp luật phải khắc phục thực trạng trên, tạo điều kiện cho sự “bắt tay” chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp, từ đó mang lợi ích cho cả hai khối.

Tự chủ phải đi vào chiều sâu

Nhìn vềcơ chế tự chủ như một động lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, GS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần bảo đảm đủ số lượng nhưng chất lượng nhân lực cũng cần được đặc biệt coi trọng. Đơn cử ở ngành y, theo lộ trình nhân lực y tế đến năm 2030 chúng ta cơ bản đạt được, không cần tăng số lượng nữa song phải tăng chất lượng. Nghĩa là trong giai đoạn tới quy định mở ngành, mở trường, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho ngành… phải đồng bộ, nhất quán, cốt lõi là bảo đảm chất lượng. Theo GS.TS. Trần Diệp Tuấn, nhìn rộng ra thúc đẩy tự chủ đại học đúng nghĩa chính là thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học tập trung vào chất lượng. Vấn đề là cơ chế, chính sách phải để các trường thoát khỏi “mũ” đơn vị sự nghiệp công lập theo kiểu quản lý bao cấp.

Theo Giám đốc Đại học Đà Nẵng, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, trong bối cảnh hiện nay, cần đặt “tự chủ đại học” làm trung tâm trong vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách. Theo đó, hệ thống pháp luật cần đồng bộ, nhất quán, tính tới yếu tố đặc thù của các trường đại học trong số các đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến vai trò sở hữu, vai trò bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

“Tôi cho rằng để khắc phục hạn chế, bất cập, thúc đẩy kiến tạo, đổi mới tự chủ đại học trở thành khâu đột phá, động lực mới để phát triển, chúng ta cần một loạt nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, trước hết là nâng cao nhận thức, hoàn thiện pháp lý về tự chủ đại học. Ở đây, cần hoàn thiện pháp lý tự chủ đại học tiếp cận trên quan điểm về chủ sở hữu. Cơ chế, chính sách về đổi mới tự chủ đại học không những cần đáp ứng mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học mà phải bám sát yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để hệ thống trường đại học công cải thiện mang tính bứt phá, phải huy động từ phía xã hội, doanh nghiệp một cách mạnh mẽ nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính đột phá. Đầu tư ở đây bên cạnh tài chính thì thể chế, chính sách là yếu tố mang tính tiên quyết, mở đường.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/cu-hich-lon-de-giao-duc-dai-hoc-but-pha-i349017/