'Cú hích' nào cho thanh niên ngày nay?
Cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Ðoàn với PV Tiền Phong về hoài bão và khát vọng của thanh niên trước nguy cơ tụt hậu, trước đòi hỏi phải bứt phá vươn lên mạnh mẽ của đất nước, của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 73 năm trôi qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Đại hội Đảng lần thứ XII cũng chỉ ra, chúng ta đứng trước không ít nguy cơ, thách thức, trong đó có nguy cơ tụt hậu về kinh tế. Hiện GDP bình quân đầu người của nước ta vẫn thuộc nhóm thấp trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động, sức cạnh tranh quốc gia cũng vậy. Bởi thế, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh, bên cạnh niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, chúng ta và đặc biệt là người trẻ liệu có thấy cay cay nơi sống mũi? Hay nói như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là sự “tức khí”, là lòng tự ái dân tộc, là tinh thần vượt khó vươn lên. Vậy anh có nhận định và suy nghĩ gì về khát vọng, hoài bão của giới trẻ ngày nay trước đòi hỏi về sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc, của đất nước?
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, rõ ràng trong bất cứ giai đoạn nào, thanh niên luôn giữ vai trò quan trọng là lực lượng xung kích đóng góp vào sự phát triển đất nước. Đặc biệt, từ khi Đảng ta ra đời, được sự quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, thanh niên Việt Nam với lý tưởng cách mạng cao đẹp đã xung kích đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.Khát vọng của thanh niên về một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội cũng là khát vọng chung của cả dân tộc. Và cũng chính thanh niên là lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đó. Đến hôm nay khi đất nước đã thống nhất và đang trên đà phát triển thì khát vọng và lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ lại càng rộng lớn hơn là xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, có vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Vấn đề là chúng ta có nắn được dòng chảy của từng hoài bão cá nhân thành một dòng chảy chung để hòa nhịp vào dòng chảy lớn của đất nước hay không? Trong câu chuyện ấy, vai trò của Đoàn thanh niên rất quan trọng. Nếu như chúng ta làm chưa tốt, chúng ta phải cố gắng hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thấy vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Có thể do được gia đình nuông chiều, thiếu sự giáo dục, rèn luyện từ nhỏ nên một số thanh niên có lối sống hưởng thụ, thực dụng, lười học tập, lao động, sa vào tệ nạn xã hội. Rõ ràng, đó là một hiện tượng khiến chúng ta băn khoăn, lo ngại.
Thứ hai, trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, nhiều bạn trẻ bận rộn hơn với vòng quay công việc, lao động, học tập, mặc dù được tiếp cận kiến thức mới nhanh hơn, giỏi hơn nhưng dường như họ lại bị cuốn hút nhiều hơn vào vòng xoáy của tiền - tài - danh vọng, những cám dỗ đời thường, sống ích kỷ, hẹp hòi mà quên đi trách nhiệm của mình với gia đình, cộng đồng và xã hội. Ở chiều ngược lại, có một nhóm bạn trẻ có tư tưởng sống an bài, hài lòng với cái mình đang có, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống. Số lượng này không nhiều nhưng không phải là không đáng suy nghĩ.
Trên thực tế, chúng ta luôn có những con người, tấm gương rất cụ thể, điển hình cho thế hệ trẻ hôm nay luôn có bản lĩnh, tri thức, hoài bão, khát vọng vươn lên. Tiêu biểu như Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu do Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ của T.Ư Đoàn (báo Tiền Phong làm đơn vị thường trực) tổ chức tuyên dương hàng năm, rất nhiều hồ sơ từ khắp các địa phương, đơn vị trên cả nước gửi về, hay như các giải thưởng Lương Định Của, Lý Tự Trọng, Sinh viên 5 tốt, Cán bộ, công chức trẻ giỏi... Nhìn vào đó chúng ta luôn có một niềm tin vào khát vọng mãnh liệt, hoài bão vươn lên, cống hiến cho cộng đồng của người trẻ hiện nay.
Phân tích ở nhiều góc độ như vậy, chúng ta khẳng định được rằng, niềm tin, lý tưởng của thanh niên là có, khát vọng, hoài bão là có. Vấn đề là chúng ta định hướng và đặt niềm tin, lý tưởng, hoài bão, khát vọng đó vào dòng chảy chung phát triển của dân tộc, đất nước thế nào; huy động, khuyến khích họ tham gia ra làm sao. Điều đó hết sức quan trọng.
Rất đồng ý với “bức tranh” về người trẻ Việt Nam mà anh vừa phác họa. Có nhiều gam màu trong bức tranh ấy, nhìn tổng thể chúng ta vẫn thấy mảng sáng là chủ đạo với rất nhiều hy vọng và tin cậy vào thế hệ trẻ. Tuy nhiên, chúng ta thử cùng phân tích mảng màu chưa được sáng lắm của người trẻ đi, theo anh người trẻ Việt Nam hiện nay so với khu vực và thế giới có nguy cơ bị tụt hậu không, ví dụ như về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp hay ngoại ngữ chẳng hạn?
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Nếu hỏi có tụt hậu hay không, chúng ta phải khẳng định luôn là có. Nhưng mà tôi muốn nhìn nhận đầy đủ hơn. Ví dụ, nhìn ở góc độ “giới tinh hoa”, như với Olympic các môn học, Việt Nam luôn trong nhóm nước dẫn đầu. Những giải thưởng danh giá trong các lĩnh vực khoa học, những nhà khoa học trẻ, vận động viên trẻ, đất nước ta đều có lực lượng tinh hoa rất đáng tự hào với bạn bè quốc tế. Xét ở góc độ đó chúng ta không thua kém bất kỳ quốc gia nào có trình độ phát triển tương đương.
Nhưng nhìn về số đông, chúng ta vẫn có nguy cơ tụt hậu. Trong Nghị quyết Đại hội Đoàn cũng đã chỉ ra điều này.Nguy cơ tụt hậu thể hiện ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau.
Đầu tiên, tụt hậu ở thái độ, tác phong. Ở bất cứ xã hội nào, cái này là quan trọng nhất. Thái độ lao động, học tập, thái độ với chính tương lai của bản thân, tác phong làm việc, nếu không thực sự say mê, tâm huyết với công việc mình chọn, rề rà, luộm thuộm thì thái độ tác phong của chúng ta đang là 0.4 chứ không phải 4.0. Là thanh niên nhưng có những người tác phong rất lề mề, thái độ khi tiếp cận không xông pha, xung kích, e ngại với cái mới, cái khó, không tự mình tìm đường đi cho riêng mình, làm chủ cuộc đời mình mà luôn muốn đi theo cái sẵn có. Thái độ tích cực là điều quan trọng. Chúng ta chưa xây dựng được tác phong, thái độ phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước, đó là sự tụt hậu so với chính yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước chứ chưa cần so với bên ngoài.
Thứ hai, kiến thức chuyên sâu. Kiến thức phổ thông các bạn Việt Nam tương đối tốt nhưng kiến thức chuyên sâu tôi thấy còn thua kém. Cá nhân tôi học tập ở trong nước nhưng cũng đã được đến nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, từng công tác trong môi trường giảng dạy đại học, khi so sánh với ngay cả giới tinh hoa trong học sinh, sinh viên, hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực mình làm chưa thực sự tốt. Để có được kiến thức chuyên sâu, mỗi bạn trẻ phải không ngừng tự học tập, nghiên cứu, tìm tòi, đi đến tận cùng của tri thức.
Thứ ba, đó là kỹ năng, trong đó có kỹ năng làm việc nhóm, các kỹ năng trong cuộc sống, thanh niên chúng ta đang tụt hậu.
Thứ tư, năng lực hội nhập, khả năng sử dụng ngoại ngữ còn kém. Chúng ta đang đào tạo tiếng Anh để đi thi chứ không phải để sử dụng một cách thành thạo.
Thứ năm, sức khỏe thể chất người Việt còn thua kém. Tầm vóc, chiều cao, sức bền sau nhiều năm đổi mới mặc dù đã được cải thiện nhưng chúng ta chưa có nhiều bước phát triển.
Theo anh, với vai trò của Đoàn thanh niên, ngoài những chương trình, phong trào đã và đang triển khai, liệu chúng ta có cần một “cú hích” nào đó mạnh mẽ hơn để tạo dựng được một lớp người trẻ tinh hoa đủ lớn, đủ sức hấp dẫn và lôi cuốn, để dẫn dắt, hiệu triệu cho muôn người trẻ Việt ra sức học tập, lao động và cống hiến vì một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường?
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nhìn ra những nguy cơ tụt hậu, thách thức của thanh niên Việt Nam. Đấy cũng chính là thách thức của tổ chức Đoàn hiện nay. Đoàn đã có nhiều giải pháp cho vấn đề này. Đơn cử như tham mưu Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi giai đoạn 2015- 2030, tức là đến năm kỷ niệm tròn 100 năm ngày thành lập Đảng, ngay sau đó kỷ niệm 100 năm thành lập Đoàn, làm trong 16 năm để hy vọng có một thế hệ thanh niên mới. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI cũng tìm hướng đi mới cho phong trào và lần đầu tiên chúng ta đưa một phong trào nhỏ thành phong trào chung của tuổi trẻ cả nước, đó là “Tuổi trẻ sáng tạo”.
Và trong quan điểm chính sách của mình, chúng ta dành quan tâm nhiều hơn đến hai đối tượng: Thanh niên yếu thế (thanh niên nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khuyết tật, hoàn lương…) để chăm lo cho họ; và nhóm thanh niên tiên tiến, đi đầu và thành công trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh và hội nhập, có thể gọi là nhóm thanh niên tinh hoa.Đối với nhóm tinh hoa, chúng tôi đặt ra rất nhiều nhiệm vụ giải pháp không chỉ dừng lại ở tôn vinh mà từ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ đến có cơ chế để thu hút, sử dụng, phát huy. Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 mà Bộ Chính trị vừa ban hành giao cho Đoàn một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là: Tham mưu cơ chế, chính sách để sử dụng tài năng trẻ ở từng lĩnh vực. Đoàn được giao nhiệm vụ tiến cử tài năng trẻ từng lĩnh vực với cơ quan Đảng và Nhà nước. Và thông qua đó, lan tỏa giá trị, động lực phấn đấu, lan tỏa khát vọng tới những đối tượng tiệm cận để nhóm đối tượng tinh hoa tăng lên.
Gần 24 triệu thanh niên với một nền tảng không thua kém gì khi so sánh với những tiêu chí khác, thì không có lý do gì mà chúng ta chỉ dừng lại ở những con người có thành tích tiêu biểu. Đoàn rất mong muốn chính những con người đấy sẽ quay lại làm đầu tầu dẫn dắt từng nhóm, từng tập thể, từng cơ quan, đơn vị đi lên.
Trước đây, có câu chuyện tuyên dương xong rồi bỏ đấy, thậm chí người ta không nhớ tuyên dương xong rồi đi đâu, làm gì, nhưng giờ thì khác, chúng ta xây dựng cơ sở dữ liệu tài năng trẻ, cập nhật thông tin thường xuyên của các điển hình được tuyên dương. Những việc làm đó, gọi là “cú hích” hay chưa tôi chưa dám gọi, nhưng đã và đang hình thành những nhóm thanh niên đầu tầu dẫn dắt nhóm cận kề đi lên.
Còn nhóm ở giữa, chúng tôi chủ yếu tập hợp họ, chăm lo họ thông qua kiến nghị chính sách, phản biện chính sách, yêu cầu các cơ quan phải có chính sách chung đối với nhóm ở giữa. Hiện tại chúng tôi đang phối hợp với Bộ Nội vụ để rà soát, đánh giá lại và xây dựng Luật Thanh niên sửa đổi. Cuối năm 2019, Quốc hội sẽ họp xem xét thông qua luật Thanh niên sửa đổi. Và Luật này sẽ không còn là luật khung như trước đây nữa, tức chỉ nói về nguyên tắc, mà nói về chính sách để lo cho thanh niên.
Trước những nhiệm vụ nói trên, yêu cầu về việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn là hết sức cần thiết.
Thưa anh, chúng ta đang gặp khó khăn gì trong việc thu hút người tài vào đội ngũ cán bộ Đoàn?
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đã có rất nhiều người tài tham gia công tác đoàn và có những thủ lĩnh thanh niên rất giỏi, rất tốt nhưng nhìn ở bình diện chung chúng ta đang thiếu và yếu, đặc biệt đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở. Cán bộ Đoàn cơ sở là nơi gần gũi nhất với thanh niên, có thể phát hiện được vấn đề của thanh niên, có thể tham gia với thanh niên nhưng hiện còn yếu, có nơi yếu cả về tâm huyết, kỹ năng, phương pháp làm việc, đối thoại thanh niên, tiếp cận chính quyền.
Cán bộ Đoàn có những điểm tụt hậu so với thanh niên, cán bộ Đoàn đã thực sự am hiểu về xu hướng mới của khoa học công nghệ chưa, mình đã tự học chưa; cán bộ Đoàn đã đủ hiểu biết về chính trị, xã hội để định hướng suy nghĩ, tư tưởng của thanh niên hay chưa, chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều. Trong kế hoạch, cuối năm nay BCH T.Ư Đoàn sẽ ban hành kết luận xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có chất lượng, có tầm để theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước, nhu cầu của thanh niên, đặc biệt thông qua đó, xây dựng củng cố tổ chức Đoàn phát triển thực sự vững mạnh, trong đó sẽ có những giải pháp để bồi đắp tố chất thủ lĩnh cho đội ngũ cán bộ Đoàn.
Nhìn lại những ngày đầu thành lập nước, nhiều người trẻ có học và tài năng đã được giao trọng trách từ rất sớm. Quay trở lại việc sử dụng người trẻ ngày nay, với cơ chế hiện hành liệu các cơ quan nhà nước đã thực sự thu hút được người trẻ tài năng chưa, hay đang để chất xám “chảy” sang rất nhiều khu vực khác như FDI, thậm chí ra nước ngoài, thưa anh?
Bí thư thường trực TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nhìn chuyện này mở hơn, thậm chí, miễn là người Việt Nam, ở trong nước hay ngoài nước, là người tài ở đâu cũng có đóng góp cho dân tộc theo nhiều cách khác nhau, có thể không trực tiếp làm việc trong nước nhưng họ làm rạng danh dân tộc trên trường quốc tế. Ở trong nước hay nước ngoài, khu vực công hay tư, cứ có người tài là chúng ta mừng rồi. Còn ở góc độ phát hiện, sử dụng người tài, có rất nhiều vấn đề chúng ta nhìn nhận đánh giá ở Nghị quyết T.Ư 7 về công tác cán bộ. Sắp tới đây, chúng ta có một chiến lược quốc gia về nhân tài, trong đó có nhân tài trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, chính trị, nghệ thuật, thể thao và nhiều lĩnh vực khác.
Vấn đề quan trọng là chúng ta tạo môi trường thế nào cho người tài phát huy. Bởi với họ, thu nhập chỉ là một chuyện, quan trọng nhất là môi trường làm việc để khẳng định giá trị trí tuệ, tài năng của mình, để người ta thấy mình thực sự đóng góp vào kết quả chung của cơ quan, tổ chức. Sắp tới đây chúng ta sẽ ban hành rất nhiều những văn bản pháp lý thể chế có liên quan.
Cái thay đổi đầu tiên theo tôi là nhận thức. Những người lãnh đạo các cấp, rồi cấp ủy chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải có một ý thức đầy đủ trong xây dựng nhân tố trẻ, nhân tố tài để đảm bảo sự kế cận từng bước cho cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước.
Tôi nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết T.Ư 7 và chương trình hành động của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, thấy những vấn đề bạn đang băn khoăn đặt ra đều đã có.Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đề ra mục tiêu cán bộ cấp chiến lược (tức là từ thứ trưởng trở lên) có tỷ lệ dưới 40 tuổi là bao nhiêu, 40-50 tuổi là bao nhiêu và trên 50 tuổi là bao nhiêu…
Anh có thể nói rõ hơn về những giải pháp xây dựng thế hệ trẻ thực sự phát triển toàn diện, có đủ tố chất để đảm nhận vai trò đưa đất nước phát triển đi lên?
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Trong Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định giáo dục toàn diện cho lớp thanh niên thời kỳ mới, về lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp làm việc, năng lực hội nhập… có rất nhiều nhiệm vụ được đặt ra. Cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 25 khóa X của BCH Trung ương Đảng về công tác thanh niên, hay như trong Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam của Chính phủ… Và mỗi nhiệm vụ đặt ra cho nhiều cơ quan, cấp ngành cùng làm, nhưng tôi cho rằng hai ngành quan trọng nhất phải làm việc này là Giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Để phát triển một con người toàn diện đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng của bản thân con người đấy rồi môi trường xung quanh. Vì thế chúng ta mới đặt ra giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới. Xây dựng một thế hệ trẻ thực sự phát triển toàn diện, có đủ tố chất để đảm nhận vai trò đưa đất nước phát triển đi lên không phải câu chuyện ngày một ngày hai, không phải chỉ là nhiệm vụ của một cấp một ngành nào.Chúng ta phải kiên trì, thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp nhưng phải làm ngay, không được chậm trễ và phải rõ trách nhiệm mỗi cấp, mỗi ngành.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!
“Phân tích ở nhiều góc độ như vậy, chúng ta vẫn khẳng định được rằng, niềm tin, lý tưởng của thanh niên là có, khát vọng, hoài bão là có. Vấn đề là chúng ta đặt niềm tin, lý tưởng, hoài bão, khát vọng đó vào dòng chảy chung phát triển của dân tộc, đất nước thế nào; huy động, khuyến khích họ tham gia ra làm sao. Ðiều đó hết sức quan trọng”.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/cu-hich-nao-cho-thanh-nien-ngay-nay-1318687.tpo