'Cú huých' giúp người nghèo vượt khó - Bài 1

BÀI 1: KHI CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Nhằm phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH”. Đây là một chủ trương lớn của Đảng được ban hành kịp thời, hợp lòng dân, được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, hoạt động TDCSXH trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoạt động TDCSXH đã đi vào cuộc sống trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động TDCSXH trên địa bàn tỉnh. Do đó, không những giải quyết được vấn đề cho vay ưu đãi mà còn tạo bước đột phá trong kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ hộ nghèo vượt khó, vươn lên làm giàu.

Ý Đảng hợp lòng dân

Thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06, NHCSXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định đối tượng vay vốn đúng quy định, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Nguồn TDCSXH ngày càng được tăng cường, khơi thông, giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Quy mô tăng trưởng tín dụng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng tăng, nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về, NHCSXH tỉnh tranh thủ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang để cho vay. Đến nay, tổng nguồn vốn đạt 4.504,2 tỷ đồng, tăng 2.858,4 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 17,3%, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt gần 612,8 tỷ đồng, chiếm 13,61%/tổng nguồn vốn.

Chủ trương, chính sách của Đảng về tín dụng chính sách được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội niêm yết công khai tại các điểm giao dịch xã.

Chủ trương, chính sách của Đảng về tín dụng chính sách được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội niêm yết công khai tại các điểm giao dịch xã.

Bí thư Đảng ủy xã Độc Lập (Quảng Hòa) Phạm Văn Tuân cho biết: Trước đây, sản xuất của người dân khó phát triển do thiếu vốn. Vì vậy, Đảng ủy, UBND xã xác định TDCSXH là một nguồn lực, giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40, xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi để những người có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn; tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, nguồn vốn TDCSXH của xã đạt trên 30 tỷ đồng do 4 cấp Hội nhận ủy thác. TDCSXH giúp hơn 205 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay hơn 12 tỷ đồng phát triển sản xuất, xây mới 112 công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của xã xuống còn 8,53%.

Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương và Kết luận số 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH mang đến “luồng sinh khí mới”, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách, thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Kết nối sức mạnh của hệ thống chính trị

Đồng chí Đoàn Trọng Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm khẳng định: Chỉ số thị 40 và Kết luận số 06 mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Hằng năm, UBND huyện dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vay. UBND huyện chuyển hơn 5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương sang NHCSXH huyện thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng dư nợ TDCSXH đạt trên 465 tỷ đồng, với gần 8.000 hộ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nhận thức đầy đủ về vai trò và nhiệm vụ trong triển khai các nội dung được ủy thác đến đối tượng vay vốn; thực hiện bình xét công khai, dân chủ; tham gia giám sát chặt chẽ và đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng quy định; làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương tín dụng ưu đãi đến các tầng lớp nhân dân; tham gia với cán bộ tín dụng NHCSXH trong các buổi giao dịch tại xã và giao ban với UBND xã. Bí thư chi bộ, trưởng xóm, tổ dân phố và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào việc giám sát hoạt động TDCSXH; các tầng lớp nhân dân, các đối tượng thụ hưởng hiểu rõ hơn về quan hệ tín dụng ưu đãi dựa trên nguyên tắc “có vay, có trả”.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nguyên Bình Lương Thanh Hiếu tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi cho người dân.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nguyên Bình Lương Thanh Hiếu tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi cho người dân.

Nguồn vốn TDCSXH được giám sát, quản lý chặt chẽ và không ngừng phát triển, đảm bảo đúng đối tượng, chất lượng tín dụng luôn ở mức an toàn. Đến nay, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh, các huyện, Thành phố có 283 thành viên tham gia, trong đó, cấp tỉnh 13 thành viên; cấp huyện, Thành phố 270 thành viên, 100% chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tham gia Ban đại diện. Toàn tỉnh có 161 điểm giao dịch tại trụ sở UBND cấp xã nhằm nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ nhân dân.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Đặng Trung Hồng cho biết: Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 đi vào cuộc sống đã tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị, làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong đẩy mạnh thực hiện TDCSXH. Qua những đợt họp giao ban, lắng nghe phản hồi từ người dân, chính quyền cơ sở về các chính sách tín dụng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tham mưu Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh điều chỉnh nguồn vốn để phân bổ, chuyển tải vốn hợp lý, hiệu quả; đồng thời, đề xuất kiến nghị đến các cơ quan chức năng, UBND tỉnh, Chính phủ để điều chỉnh chính sách hợp lòng dân, gia tăng động lực cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và các cấp ủy Đảng; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Bài 2: Không để người nghèo và các đối tượng chính sách “bị bỏ lại phía sau”

Kim Thoa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cu-huych-giup-nguoi-ngheo-vuot-kho-bai-1-3170841.html