'Cú huých' mới đối với ngành Du lịch

Để tạo sự đột phá của ngành Du lịch, cần có các chiến dịch truyền cảm hứng, tập trung vào các phân khúc chiến lược, tránh tình trạng quảng bá, xúc tiến du lịch dàn trải, chung chung.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nêu quan điểm, để tạo đột phá cho ngành Du lịch, cần các chiến dịch truyền cảm hứng và tập trung vào các phân khúc chiến lược.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nêu quan điểm, để tạo đột phá cho ngành Du lịch, cần các chiến dịch truyền cảm hứng và tập trung vào các phân khúc chiến lược.

Tiền đề để du lịch Việt "bứt phá"

Năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu khách du lịch quốc tế, vượt xa so với mục tiêu 8 triệu khách ban đầu. Lượng khách du lịch trong nước cũng đạt 108 triệu người, vượt 5,8% so với kế hoạch. Mặc dù chưa trở về được mức như trước đại dịch Covid-19 nhưng kết quả này khá là ấn tượng, cho thấy sự hồi phục nhanh chóng cũng như khả năng thích ứng với điều kiện thay đổi của Việt Nam.

Một số thị trường đã trở lại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số thị trường có dấu hiệu tăng trưởng hấp dẫn như Thái Lan hay Ấn Độ. Tuy vậy, thị trường truyền thống là Trung Quốc vẫn dưới tiềm năng vì một số lý do. Nhìn chung, chúng ta có thể tự tin vào sự tăng trưởng tốt trong năm 2024. Một số hoạt động đáng kể, thu hút khách du lịch như Lễ hội Sông nước ở TP. Hồ Chí Minh hay Lễ hội Pháo hoa ở Đà Nẵng.

Trong năm qua, một số khách sạn, resort mới được khai trương, hoặc trở lại hoạt động nhộn nhịp sau thời gian trầm lắng vì khủng hoảng kinh tế và đại dịch. Các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ lưu trú và hàng không làm khá nhiều hoạt động kích cầu cho du lịch.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần cải thiện. Ví dụ, các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn đến các biện pháp hạ giá để cạnh tranh, trong khi ít đầu tư nâng cấp chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Dịch vụ cao cấp dành cho khách có khả năng chi trả cao chưa nhiều, hoặc chưa thu hút được sự quan tâm của khách hàng mục tiêu. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn còn dàn trải, thiếu các chiến dịch truyền cảm hứng và tập trung vào các phân khúc chiến lược nên chưa tạo ra đột phá.

Các doanh nghiệp chưa có cơ hội phối hợp với nhà nước trong các hoạt động truyền thông, quảng bá, nên vẫn lãng phí nhiều nguồn lực. Vấn đề visa hy vọng sẽ được cải thiện rất nhiều trong năm nay. Việc áp dụng chính sách visa điện tử rộng rãi sẽ giảm đáng kể các rào cản tâm lý đối với khách du lịch nước ngoài. Đó sẽ là “cú hích” mới đối với ngành du lịch Việt Nam.

Với sự bứt tốc ấn tượng của ngành Du lịch từ cuối năm 2023, đặc biệt là những tín hiệu khởi sắc trong đầu năm mới 2024 là tiền đề để du lịch Việt Nam "bứt phá" trong năm 2024. Tuy vậy, trong hành trình hồi phục, du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức và những khoảng trống về chính sách cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa.

Du khách quốc tế tham quan khu vực phố cổ Hà Nội bằng xe xích lô. (Nguồn: Hanoimoi)

Du khách quốc tế tham quan khu vực phố cổ Hà Nội bằng xe xích lô. (Nguồn: Hanoimoi)

Cần đổi mới trong chiến dịch quảng bá

2024 sẽ có rất nhiều lý do để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam, như kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô, là năm bản lề tiến tới kỷ niệm 50 năm hòa bình, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng tôi tin rằng nhu cầu du lịch hướng đến Việt Nam sẽ gia tăng. Ngay cả du lịch nội địa cũng sẽ có những đột phá mới.

Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng tăng trưởng, công tác xúc tiến du lịch phải có sự đổi mới, trong đó nguồn lực cần tập trung vào những thị trường trọng điểm, theo từng chiến dịch marketing sâu sắc. Ví dụ, chúng ta biết rõ thị trường Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng tốc du lịch, thì cần phải có hẳn một chiến dịch quảng bá xúc tiến hướng vào thị trường này và nhắm vào đối tượng có thu nhập trung bình và cao.

Thị trường châu Âu và Hoa Kỳ cũng được kỳ vọng sẽ có đột phá mạnh và cũng cần có những chiến dịch marketing riêng cho họ. Theo tôi, cần phải giảm các hoạt động quảng bá chung chung, tràn lan, thiếu trọng tâm. Chúng ta không nên quảng bá du lịch qua hình ảnh đất nước, con người một cách chung chung nữa. Thay vào đó, phải tập trung vào giá trị nổi bật trong một chiến lược xây dựng thương hiệu lâu dài. Đồng thời, lựa chọn những đặc trưng riêng biệt cho từng chiến dịch ngắn hạn, đánh vào từng phân khúc khách hàng tiềm năng. Chiến dịch truyền thông phải có trọng tâm, với một thông điệp đơn giản, quảng bá cho một giá trị đơn nhất và khác biệt, để tạo hiệu ứng thu hút lớn.

Đặc biệt, các vùng du lịch, mỗi nơi sẽ có một thế mạnh riêng. Do vậy, cần tìm hiểu xem thế mạnh đó giải quyết vấn đề của ai, ở đâu, như thế nào và thiết kế những sản phẩm du lịch cụ thể, phục vụ cho mục đích đó. Tất nhiên, các sản phẩm mới đó phải là một phần trong hệ sinh thái du lịch hiện hữu, làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch đã là thế mạnh.

Thực tế, nhu cầu, sở thích của du khách hiện nay đã thay đổi, vậy nên ngành du lịch cũng phải thay đổi theo, tạo ra các sản phẩm thích hợp hơn nữa để. Du lịch của nước ta muốn tăng tỉ lệ quay lại của du khách cần phải hiểu và tận dụng các lợi thế về di sản văn hóa, ẩm thực cũng như vẻ đẹp thiên nhiên, từ đó xây dựng nên các điểm đến chất lượng. Tôi nhận thấy, các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia... có hệ thống xúc tiến du lịch hiện đại, bài bản và liên tục đổi mới. Họ linh hoạt đưa ra quyết định nhanh chóng và triển khai trực tiếp đến các thị trường mục tiêu. Vậy nên, ngành du lịch Việt Nam cần phải nhanh chóng đổi mới, tận dụng cơ hội để bứt phá.

Năm 2024, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các nước trong khu vực, do vậy sản phẩm du lịch cũng sẽ cần có điều chỉnh chiến lược. Trong đó, tôi có niềm tin là các sản phẩm hướng vào phân khúc có khả năng chi trả cao sẽ mang lại những hiệu quả lớn. Đối với thị trường trong nước, các sự kiện văn hóa, thể thao sẽ là động lực cho khách du lịch trẻ.

Phố cổ Hội An - thành phố du lịch thuộc top di sản văn hóa thế giới. (Nguồn: VGP)

Phố cổ Hội An - thành phố du lịch thuộc top di sản văn hóa thế giới. (Nguồn: VGP)

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để có nguồn khách chúng ta phải làm việc nhiều hơn, xúc tiến mạnh hơn nữa. Nhu cầu của du khách trước đại dịch Covid-19 khác với nhu cầu hiện nay, sở thích của du khách cũng thay đổi, nên ngành du lịch cũng phải chuyển đổi theo, tức là phải tạo ra nhiều sản phẩm thích hợp hơn nữa. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh nhiều hơn nữa để xúc tiến các sản phẩm có thể bán được nhiều hơn ra thị trường nước ngoài.

Đồng thời, theo ông Bình, hiện nay liên kết du lịch giữa các đơn vị, doanh nghiệp hàng không, lữ hành, điểm đến không còn chặt chẽ như trước. Điều này khiến các sản phẩm du lịch của Việt Nam dần kém hấp dẫn, nhiều tuyến du lịch nội địa giá dịch vụ cao hơn du lịch quốc tế. Do vậy, để tạo tăng sức cạnh tranh, rất cần sự liên minh, liên kết nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giá tốt, tăng sức hút với cả khách quốc tế và nội địa.

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội du lịch Việt Nam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Flamigo Redtours chia sẻ: “Hình ảnh đất nước con người Việt Nam rất thanh bình, rất đẹp và rất an toàn. Đấy là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam quảng bá, thu hút du khách và là những điều kiện cần. Còn để đạt được mục tiêu hơn 20 triệu lượt khách, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Từ công tác xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá cũng như việc tích cực triển khai các biện pháp tốt hơn trong công tác xuất nhập cảnh, hay việc chúng ta kết nối thúc đẩy kích cầu hàng không. Để thu hút du khách, bên cạnh thu hút khách quốc tế, chúng ta vẫn phải tập trung thu hút khách du lịch trong nước vì thị trường khách nội địa được đánh giá là thị trường nền tảng, bệ đỡ rất quan trọng của ngành du lịch Việt Nam”.

Lê Quốc Vinh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cu-huych-moi-doi-voi-nganh-du-lich-257814.html