Cư Jút chủ động ngăn chặn sốt xuất huyết

Huyện Cư Jút đang là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ít nhất tỉnh. Tuy nhiên theo dự báo, do chưa vào đỉnh dịch nên huyện đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống.

Dịch xuất hiện muộn hơn các địa phương khác

Từ ngày 1/1 đến ngày 13/7, trên địa bàn huyện Cư Jút ghi nhận 27 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó từ đầu tháng 7 tới nay, toàn huyện ghi nhận 8 ca. Lũy tích toàn huyện có 2 ổ dịch, trong đó đang hoạt động 1 ổ dịch và 1 ổ dịch đã kết thúc.

So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Cư Jút là địa phương có số ca mắc SXH và ổ dịch thấp nhất. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, số ca SXH thấp nhưng công tác phòng chống dịch vẫn được huyện Cư Jút thực hiện chặt chẽ. Theo dự báo, địa phương này sẽ tiến dần tới “đỉnh dịch” khi vào cao điểm mùa mưa năm 2024.

Biểu đồ số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Cư Jút (Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Cư Jút)

Biểu đồ số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Cư Jút (Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Cư Jút)

Theo báo cáo của Sở Y tế, tỉnh Đắk Nông ghi nhận các ca mắc SXH tăng nhanh từ tháng 6. Tuy nhiên, tại huyện Cư Jút, địa phương này chỉ ghi nhận 1 ca bệnh trong thời gian này (cụ thể là bệnh nhân SN 1964, khởi phát ngày 28/6). 5 ngày sau đó, huyện Cư Jút mới ghi nhận thêm một ca mắc khác.

Phân tích lý do huyện Cư Jút đang có số ca mắc SXH thấp nhất trong số 8 huyện, thành phố, bác sĩ Trần Thị Minh Quyên, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Cư Jút cho biết, dịch SXH tại địa phương thường xuất hiện muộn hơn các địa phương khác. Đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng tháng 8-9 hàng năm, do thời điểm đó trùng với cao điểm mùa mưa.

Theo chu kỳ hàng năm, từ tháng 7 trở đi, số ca mắc SXH có xu hướng tăng trên địa bàn huyện Cư Jút

Theo chu kỳ hàng năm, từ tháng 7 trở đi, số ca mắc SXH có xu hướng tăng trên địa bàn huyện Cư Jút

“Theo chu kỳ hàng năm, từ tháng 7 trở đi, số ca mắc SXH có xu hướng tăng. Đặc biệt, dịch SXH tại huyện có thể kéo dài đến tháng 1 năm sau, thời điểm này các địa phương khác không còn dịch. Nguyên nhân là bởi mùa mưa ở Cư Jút thường bắt đầu muộn, mưa sẽ tập trung vào tháng 8- 10 hàng năm”, bác sĩ Trần Thị Minh Quyên cho hay.

Chủ động khoanh vùng, dập dịch

Để chủ động phòng chống dịch SXH, hàng năm, ngành Y tế chủ động tham mưu UBND huyện Cư Jút ban hành các văn bản phòng, chống dịch; thực hiện các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thông qua tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu và các bản tin trên đài phát thanh địa phương.

Phân tích tình hình dịch bệnh chung trong 3 năm gần đây, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật huyện Cư Jút cho biết, dịch SXH có xu hướng tập trung tại các khu vực đông dân cư, trung tâm thị trấn, thị tứ. Số ca mắc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại thấp hơn.

Người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

“Ở các khu đông dân cư, có rất nhiều đồ vật chứa nước (chậu cây cảnh, đường thoát nước, vỏ chai nhựa…) là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và loăng quăng, bọ gậy phát triển. 2 năm trở lại đây, dịch bùng phát và diễn biến phức tạp ngay tại thị trấn Ea T’ling, trung tâm xã Tâm Thắng, Nam Dong… Trong khi đó, các xã như Trúc Sơn, Đắk Drông lại ít ca bệnh. Đến thời điểm hiện tại, xã Trúc Sơn là xã duy nhất của huyện Cư Jút chưa ghi nhận ca mắc SXH nào”, bác sĩ Trần Thị Minh Quyên cho hay.

Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Cư Jút đánh giá, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca SXH những tháng đầu năm 2024 thấp hơn. Tuy nhiên số ca dịch có xu hướng gia tăng trong những ngày gần đây do thời tiết mưa nắng liên tục tạo điều kiện thuận lợi cho loăng quăng, bọ gậy và muỗi phát triển. Ngành Y tế đã tập trung nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch.

“Đối với các trường hợp bị SXH, ngành Y tế sẽ triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Cán bộ, nhân viên y tế rà soát các điểm nóng về dịch bệnh sốt xuất huyết, các điểm ổ dịch cũ, điểm có số ca mắc cao, chỉ số côn trùng cao, khi có dấu hiệu bất thường để khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai phun hóa chất dập dịch diện rộng, giảm nhanh mật độ véc tơ truyền bệnh”, bác sĩ Trần Thị Minh Quyên cho hay.

Thị trấn Ea T’ling đã thành lập các đội tiến hành vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (Ảnh: Sở Y tế tỉnh Đắk Nông)

Thị trấn Ea T’ling đã thành lập các đội tiến hành vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (Ảnh: Sở Y tế tỉnh Đắk Nông)

Mới đây, UBND huyện Cư Jút đã phối hợp Sở Y tế tỉnh Đắk Nông tổ chức lễ phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm năm 2024 tại thị trấn Ea T’ling. Buổi lễ phát động đã góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bà H’Oanh B’Krông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea T’ling cho biết, các biện pháp điều trị bệnh SXH như phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chỉ là giải pháp tình thế. Diệt loăng quăng, bọ gậy được coi là giải pháp bền vững trong nỗ lực phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh SXH.

“Sau lễ phát động, các đại biểu cùng một số ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng đã diễu hành tuyên truyền trên các tuyến đường chính của thị trấn Ea T’ling để Nhân dân hiểu và hưởng ứng phòng, chống SXH. Sau diễu hành, thị trấn Ea T’ling đã thành lập các đội tiến hành vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng; thu gom vật dụng phế thải như lon, vỏ xe, mảnh vỡ… và tuyên truyền cho người dân hiểu các biện pháp phòng, chống SXH”, bà H’Oanh B’Krông cho biết.

Thanh Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/cu-jut-chu-dong-ngan-chan-sot-xuat-huyet-222979.html