'Cú lao dốc ngày 5/8' chỉ là sự nghỉ ngơi sau thời gian tăng tốc?

Trong phiên giao dịch ngày 5/8, thị trường chứng kiến một hiện tượng hiếm gặp khi hầu hết các loại tài sản đều lao dốc, các sàn chứng khoán sụp đổ, USD giảm mạnh, giá vàng rơi tự do... tại Việt Nam, VN-Index cũng bay mất gần 50 điểm, tương đương giá trị vốn hóa khoảng 8 tỷ USD. Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc khối Nghiên cứu – Phân tích, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, không nên quá lo ngại, TTCK chỉ là đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm để 'nghỉ ngơi' sau thời gian tăng tốc…

Ông Trần Minh Hoàng

Ông Trần Minh Hoàng

Trong phiên giao dịch ngày 5/8, VN-Index "bay mất" gần 50 điểm, tương đương giá trị vốn hóa khoảng 8 tỷ USD… ông có thể lý giải nguyên nhân và bình luận gì về hiện tượng này?

Việc nhiều TTCK cũng như các loại tài sản trượt dốc hay mất giá vào cùng một thời điểm có thể gây ra nhiều dấu hỏi lớn, tuy nhiên nếu kết hợp các số liệu hay sự kiện kinh tế, chính trị đã đang diễn ra thì điều này hoàn toàn được lý giải.

Xét trên khía cạnh toàn cầu, có thể thấy rõ bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, Nga-Ukraine đã đang ảnh hưởng trực tiếp lên chuỗi cung ứng toàn cầu, và giá trị của một số loại tài sản như USD hay vàng đều biến động mạnh trong năm nay.

Bên cạnh đó, Fed đã nhiều lần trì hoãn cắt giảm lãi suất và đồng USD neo ở mức cao đã ảnh hưởng trực tiếp lên nền kinh tế nước này khi gây ra lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng.

Cùng thời điểm này thì BOJ quyết định tăng lãi suất để ngăn chặn việc đồng Yên mất giá, và các doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc đang chịu tổn thất nặng nề từ sự đình trệ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những yếu tố nêu trên cộng hưởng với nhau đã gây áp lực lên TTCK quốc tế.

Ở trong nước, TTCK Việt Nam đã ghi nhận quãng thời gian tăng điểm khá mạnh trong quý 1/2024, theo sau đó là những nỗ lực vượt mốc 1.300 điểm thất bại trong quý 2/2024. Do đó, diễn biến điều chỉnh giảm cũng là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh diễn biến tiêu cực của các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Theo nhận định của ông, hiện tượng các loại tài sản đồng loạt lao dốc, nhất là ở thị trường Việt Nam?

Khi các bất ổn chính trị chưa được cải thiện thì nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ bị ảnh hưởng không tích cực và giá của các loại tài sản cũng sẽ biến động mạnh với những nhịp tăng và giảm mạnh đan xen nhau.

Giá vàng, sức mạnh của đồng USD hay các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới đều đã có một khoảng thời gian tăng giá mạnh rồi chững lại trước khi ghi nhận diễn biến điều chỉnh giảm trong thời gian gần đây khiến nhà đầu tư có tâm lý tất toán vị thế để quản trị rủi ro và bảo toàn lợi nhuận.

Thị trường Việt Nam có lẽ cũng không phải là ngoại lệ khi mà các biện pháp để bình ổn thị trường vàng được Ngân hàng Nhà nước áp dụng gần đây đã phần nào giúp kiềm chế mức độ biến động của giá vàng, trong khi chỉ số VN-Index đại diện cho TTCK cũng đã đánh mất khoảng một nửa mức tăng kể từ đầu năm 2024 này.

Có ý kiến cho rằng, sự lao dốc của các loại tài sản có nguyên nhân “nổ bong bóng” của các loại tài sản đã được hình thành trước đó. Quan điểm của ông thế nào về ý kiến này.

Diễn biến của TTCK hay các loại tài sản đều có chu kỳ, không thể tăng mãi hay giảm mãi và sẽ có thời điểm đảo chiều. Việc ‘nổ bong bóng’ là sau khi giá trị của một loại tài sản bị đẩy lên quá nhanh trong thời gian ngắn và khi không còn sự chấp nhận cho mức giá đó, hiện tượng trên sẽ diễn ra.

Đà tăng giá mạnh của các nhóm tài sản chủ chốt trên thế giới gần đây phần nhiều đều có nguyên nhân xuất phát từ các diễn biến kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế lớn chứ chưa tạo thành “bong bóng”. Trong khi đó ở Việt Nam, hiện tượng giá tài sản tăng nhanh với mức tăng đột biến cũng không xuất hiện một cách đại trà.

Với thị trường bất động sản thì chỉ là ở một số phân khúc và chủ yếu là do khan hiếm nguồn cung ứng với các phân khúc này; còn với TTCK cũng chỉ ở một số nhóm ngành mà nhà đầu tư đang quá lạc quan về triển vọng trong tương lai.

Tôi cho rằng các cơ quan quản lý của Việt Nam vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình thị trường cả trong và ngoài nước, và cũng đang điều hành thị trường trong nước một cách thận trọng và hiệu quả để hạn chế tối đa các xáo trộn hay tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế thế giới trong giai đoạn này.

Ông nhận định gì về triển vọng TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Hiện công chúng đầu tư đang đặt câu hỏi là, tất cả các loại tài sản đều giảm thì dòng tiền sẽ đi về đâu?

Như tôi đã đề cập, TTCK đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm để “nghỉ ngơi” sau thời gian tăng tốc, và chủ yếu là do sự lạc quan thái quá về triển vọng trong tương lai. Tôi cho rằng việc đầu tiên mà nhà đầu tư cần làm là điều chỉnh lại kỳ vọng của mình. Trong bối cảnh biến động cao như hiện tại thì thường dòng tiền thông minh sẽ có xu hướng hạn chế rủi ro bằng cách chờ đợi mức độ biến động giảm xuống rồi mới quay trở lại hoặc ưu tiên giải ngân đối với các công ty hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực có tính chất “phòng thủ” chứ không đặt nặng về vấn đề tăng trưởng kết quả kinh doanh như điện nước, hàng tiêu dùng, dược phẩm y tế hay các công ty có tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt so với thị giá cổ phiếu ở mức hấp dẫn.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cu-lao-doc-ngay-58-chi-la-su-nghi-ngoi-sau-thoi-gian-tang-toc-154350.html