'Cù lao xác sống'- Dở một cách lạ lùng
Hiếm phim nào bị chê hết lời như 'Cù lao xác sống' nhưng vẫn kiên trì bám trụ phòng vé. Một số khán giả quyết định ra rạp để xem phim có dở một cách lạ lùng như các bài chê khắc họa. Dù sao, vị thế phim zombie Việt đầu tiên cũng là yếu tố gây tò mò.
Chín mươi năm kể từ khi xuất hiện trên màn ảnh, đại dịch xác sống đã len tới Việt Nam.
Như tên gọi, phim hạn chế bối cảnh trong phạm vi một hòn đảo nhỏ chơ vơ đâu đó trên sông Cửu Long. Người ta chỉ biết mầm bệnh đến từ thượng nguồn. Nghĩa là rất có thể vài nước xung quanh đã có người nhiễm bệnh. Nhưng cù lao này như thể biệt lập với thế giới. Duy nhất có cảnh ông già bật đài đang lúc phát nội dung tin cho biết dịch bệnh đã lây lan ra cả nước nhưng ngay sau đó đài hết pin. Đấy là thông tin duy nhất về đại cục.
Với một thảm họa tầm cỡ quốc gia và quốc tế như thế mà không hề thấy sự có mặt của cơ quan công quyền, chính phủ, truyền thông coi như cũng không… Dân cù lao cũng chẳng thấy liên lạc với người ở đất liền. Chỉ có mấy người dân cứ thế tay không chạy loanh quanh trên đảo. Không nhân vật nào lên được kế hoạch, tuyến đường, phương cách đối phó cụ thể. Và tất nhiên cũng chẳng ai để ý quan sát loại xác sống này có đặc điểm, tập tính gì. Đại loại cũng chung chung như nhiều phim khác, mất hết nhân tính, ăn thịt động vật sống, không biết leo trèo, không biết bơi...
Tuy nhiên nhiều khán giả cũng bóc mẽ phim để cho xác sống hoạt động lúc nhanh lúc lờ đờ tùy theo ý chí của... đoàn làm phim. Phim có những tình tiết quá vô lý như cắt tay lấy máu vào mảnh bát rồi vứt ra xa để dụ xác sống, trong khi chính vết cắt trên tay rõ ràng cũng là mồi nhử, chưa kể gây nguy hiểm không cần thiết cho nhân vật. Trong khi chỉ cần phang một nhát là có thể hạ gục con zombie chậm như mới biết đi.
Cù lao không có cơ sở hạ tầng gì đáng kể để làm chỗ trú ẩn hoặc tìm kiếm phương tiện chống cự. Tuy nhiên có một ưu điểm là tách biệt với đất liền và dân số có hạn nên nếu tiêu diệt hết xác sống thì có thể biến cù lao thành một cứ địa phòng thủ. Đầu phim có cảnh xe cộ xếp hàng dài trên cầu vào đất liền. Trong khi các nhân vật ở đoạn sau của phim luôn nhắc tới việc tìm đường ra bến phà. Mà chả hề quan tâm liệu có chuyến phà nào dành cho mình không…
Với các yếu tố kể trên, khó mà có một ánh sáng cuối đường hầm nào cho cù lao xác sống này. Và câu chuyện cũng khó lòng mà gay cấn hay có điểm gì mới mẻ so với các phim cùng dòng. Thường các phim thảm họa phiêu lưu kiểu này sẽ tập hợp một nhóm nhân vật cùng nhau chống chọi nghịch cảnh. Khán giả chứng kiến từng người rơi rụng cho đến khi một vài nhân vật chính sống sót.
Cù lao xác sống lại có kiểu đang tự yên không nhắc gì tới nhân vật nữa. Giống như kiểu biên kịch khi không biết sử dụng nhân vật vào chỗ nào bèn cho bốc hơi luôn.
Do không đào sâu được vào đề tài, nên phim chọn cách làm xen kẽ những cảnh sinh hoạt đời thường dọc đường chạy loạn. Ở những cảnh này, tiết tấu phim chậm hẳn lại. Các nhân vật thay vì lo lắng, bàn tính đường đi nước bước tiếp theo thì say sưa tâm tình, cãi vã, thậm chí ca hát với tâm thế ung dung tự tại. Đây có lẽ là điều khác thường chỉ phim xác sống Việt mới có?!
Phim thoại nhiều, một số nhân vật nói liên hồi làm người xem phát mệt. Chẳng hạn phim xây dựng mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu kiểu khắc khẩu dù bên trong mẹ vẫn thương con. Nhưng màn đối đáp có vẻ lớp lang nhưng hoàn toàn vô nghĩa. Qua đó khán giả khó lòng mà thông cảm được với bà mẹ chồng lúc nào cũng thích ăn thua với con dâu đang có bầu…
Cù lao xác sống không ngại mượn chuyện tình đồng tính kiểu “trớt quớt” thuần để gây cười cho khán giả đỡ căng thẳng?! Phim đưa được vào một số yếu tố sinh hoạt, văn hóa phương Nam. Bối cảnh hai vợ chồng tâm sự kề bên mẹ chồng “nghe lỏm” khá đắt. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc cài cắm ca vọng cổ vào một trường đoạn gay cấn làm khán giả tuột cảm xúc. Chưa kể một lần nữa cho thấy đoàn làm phim huấn luyện được đoàn xác sống di chuyển từ từ để nhân vật ca cho trọn bài. Tình mẫu tử trong phim được khai thác ở nhiều khía cạnh, tích cực hay có khi bệnh hoạn. Dù có ý kiến cho rằng tình tiết “đắt giá” này cũng mượn từ phim nước ngoài.
Có thể thấy thấp thoáng một số yếu tố trong kịch bản lấy cảm hứng từ Bán đảo (Penisula, 2020) của Hàn Quốc. Nam chính trong phim cũng phải đấu tranh tưa tưởng trong việc cứu hay không cứu người ngoài, nhưng đôi lúc lại trở thành vô cảm và vô ơn. Trong Cù lao xác sống cũng có một băng nhóm xã hội đen vẫn hoạt động vô tư, như thể miễn nhiễm với đại dịch.
Nguyên tắc của “bệnh” zombie khá đơn giản, nhanh chóng tạo được kịch tính cho phim. Tuy nhiên do được khai thác quá nhiều nên những phim zombie gần đây đều được đầu tư lớn về kỹ xảo, cốt truyện cũng như xây dựng những chủng loại xác sống khác lạ để có thể tiếp tục hút người xem ra rạp. Trong hoàn cảnh ấy, Cù lao xác sống tưởng rằng có thể ứng dụng được nhiều bài học từ các phim đi trước, nhưng không. Chính vì bám theo một dòng phim đã quá phổ cập mà "đu không nổi" nên phim càng khiến một số khán giả thất vọng.
Và xem đến hết mới vỡ lẽ phim mới chỉ là phần mở đầu. Thường thì phim chiếu rạp vẫn kết trọn vẹn, và có thể có tình tiết hé mở phần tiếp hoặc không. Đây phim giống như bị cắt cụt, khiến khán giả hẫng hụt. Thành ra không hiểu sau tất cả những gì phim kịp bày ra rồi bỏ đó, khán giả liệu có đủ háo hức và nhiệt tình để mua vé xem phần tiếp theo?!
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-lao-xac-song-do-mot-cach-la-lung-post1469251.tpo