Cử máy bay B-1 đến Na Uy, Mỹ gửi thông điệp ngầm tới Nga
Trong một động thái được cho là muốn khẳng định tầm ảnh hưởng ở các vùng chiến lược tại Bắc Cực, Không quân Mỹ lần đầu tiên đã cử một đội máy bay ném bom B-1 tới Na Uy.
CNN, dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức quốc phòng Mỹ, cho biết 4 máy bay ném bom B-1 và khoảng 200 binh sĩ từ căn cứ không quân Dyess, thuộc bang Texas (Mỹ), đang được triển khai tới căn cứ không quân Orlando của nước này đặt tại Na Uy. Trong vòng 3 tuần tới, lực lượng trên sẽ bắt đầu các nhiệm vụ của mình ở Vòng Bắc Cực và trong vùng không phận quốc tế phía tây bắc nước Nga.
Cho đến nay, các nhiệm vụ quân sự của Mỹ tại Bắc Cực chủ yếu được thực hiện gần lãnh thổ Vương quốc Anh. Giới chức quốc phòng nước này cho biết, việc điều động các lực lượng đến sát lãnh thổ Nga đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ có thể phản ứng nhanh hơn trong trường hợp bùng phát căng thẳng từ phía Moscow.
Đại tướng Jeff Harrigian, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, cho biết: “Khả năng sẵn sàng tác chiến, năng lực hỗ trợ các đồng minh, đối tác cùng tốc độ phản ứng nhanh nhạy là những yếu tố then chốt để thành công”.
Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng thể hiện rõ rằng, ông sẵn sàng có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Nga, so với người tiền nhiệm Donald Trump. Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tháng 1, ông Biden đã không ngần ngại đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm giữa hai nước.
Lầu Năm Góc cũng lo ngại về viễn cảnh quân đội Nga sẽ chấm dứt các tiềm năng tiếp cận của Mỹ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cùng các tuyến đường vận tải biển ở Bắc Cực. Theo bà Barbara Barrett, Bộ trưởng Không quân Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, việc duy trì sự hiện diện tại Bắc Cực là điều quan trọng đối với Nga, do gần 25% GDP của nước này được cho là đến từ việc khai thác các nguồn hydrocarbons ở phía bắc Vòng Bắc Cực.
Động thái tiếp cận quân sự gần nhất giữa Nga và Mỹ tại các vùng gần Bắc Cực diễn ra vào tháng 1 vừa qua, khi một cường kích Su-24 của Nga đã bay sát tàu khu trục USS Donald Cook thuộc Hải quân Mỹ tại khu vực Biển Đen. Cuộc tiếp cận dù không gây ảnh hưởng gì, song phía Hải quân Mỹ đã phản ứng với vụ việc này và khẳng định: “Hạm đội 6 của Mỹ cam kết duy trì tự do hoạt động của mọi quốc gia tại vùng lãnh hải quốc tế ở Biển Đen”.