Cử nhân không tiết kiệm được khoản nào sau 2 năm đi làm

Sau nhiều năm đi làm, nhiều bạn trẻ vẫn không để ra được khoản tích lũy, tiết kiệm nào cho bản thân, nếu có, đó chỉ là con số rất nhỏ.

Ra trường trường một thời gian, Thu Thủy (cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng, ở Hà Nội) có công việc với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương như vậy, cô gái 25 tuổi dự định tích góp để kinh doanh hoặc có thêm khoản gửi tiết kiệm cho bản thân và gửi về cho bố mẹ.

“Nhưng đấy chỉ là dự định, mọi kế hoạch của mình đổ vỡ sau hai năm đi làm. Mỗi tháng, mình không dư ra khoản nào, nếu có dư, con số rất nhỏ, không đáng”, Thủy chia sẻ.

Tương tự, Nguyễn Thị Lệ (24 tuổi, quê ở Quảng Ninh) nhân viên truyền thông, cũng không để dành được khoản nào dù thu nhập 9 triệu đồng/tháng và đã tính toán quản lý chi tiêu theo nguyên tắc 70/30, tức chi khoảng 3 triệu đồng cho các khoản mỗi tháng, 70% còn lại để tiết kiệm và cho các chi phí phát sinh. Lệ cho hay kế hoạch bất thành do bão giá và dịch Covid-19.

 Nguyễn Lệ lên kế hoạch cẩn thận nhưng vẫn không thể tiết kiệm nổi vì bão giá và tác động từ dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Lệ lên kế hoạch cẩn thận nhưng vẫn không thể tiết kiệm nổi vì bão giá và tác động từ dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Chi mạnh tay cho nhu cầu ăn uống

Thu Thủy và Nguyễn Lệ cho rằng những ngày đi làm, họ đều chi tiêu mạnh tay cho việc ăn uống nơi công sở.

Công việc tại ngân hàng bận rộn từ sáng đến tối, Thu Thủy không có thời gian nấu nướng nên hầu như các bữa ăn trong ngày, cô đều đặt trên ứng dụng và ăn cùng mọi người trong văn phòng.

Bên cạnh đấy, môi trường làm việc của Thủy đa phần là những người trẻ, sống độc thân, họ ít khi mang cơm từ nhà đi bởi việc chuẩn bị một bữa ăn đối với họ mất nhiều thời gian, công sức. Vì thế, mọi người đều có sở thích ra ăn nhà hàng hay đặt trên ứng dụng cho tiện lợi, nhanh chóng cũng như lựa chọn được món ăn hợp khẩu vị.

Thủy kể mỗi bữa ăn trưa của cô cùng đồng nghiệp dao động 40.000-50.000 đồng/suất, tối cũng vậy, buổi sáng ít hơn, khoảng 25.000 đồng. Như vậy, một ngày, Thủy tiêu hết hơn 100.000 đồng cho chi phí ăn uống.

Chưa kể, cứ 3 lần/tuần, chiều muộn, mọi người trong công ty thường rủ nhau uống trà sữa, đồ ăn vặt. Con số này cứ thế nhân lên từng tuần. Tổng kết mỗi tháng, chỉ tính riêng khoản ăn uống tại nơi làm việc, cô tiêu tốn gần 4 triệu đồng.

“Chưa tính có tháng, mình phải thêm một khoản cho các bữa ăn ngoài như lẩu hay buffet nhân dịp sự kiện nào đó của các đồng nghiệp, chi phí mỗi lần rơi vào khoảng 300.000-400.000 đồng/bữa. Hơn nữa, tâm lý mình mới đi làm, lại trong môi trường văn phòng, nếu mọi người đặt ăn chung với nhau mà mình không đồng ý, họ dễ hiểu lầm mình sống không hòa đồng, không mở rộng quan hệ với mọi người”, Thủy nói.

Còn với Nguyễn Lệ, với công việc không quá bận rộn nên cô vẫn có thời gian nấu ăn vào buổi tối. Dù vậy, Lệ vẫn có thói quen đặt đồ ăn nhanh vào bữa trưa để tiện sinh hoạt, chi phí mỗi bữa khoảng 40.000 đồng.

Không những thế, cô cũng khó từ chối các lời mời như đi cà phê, xem phim, ăn nhà hàng từ đồng nghiệp và bạn bè. Với mức lương 9 triệu đồng, đến cuối tháng, cô thường không để ra được khoản nào.

 Lương không thấp song nhiều tân cử nhân không thể tiết kiệm do bão giá và nhiều chi phí phát sinh khi đi làm. Ảnh minh họa: HRM Asia.

Lương không thấp song nhiều tân cử nhân không thể tiết kiệm do bão giá và nhiều chi phí phát sinh khi đi làm. Ảnh minh họa: HRM Asia.

Nhiều chi phí phát sinh

Nhớ lại những tháng đầu đi làm chưa có phương tiện di chuyển, mỗi ngày, Nguyễn Lệ tới công ty bằng xe ôm công nghệ. Cô ở trọ cách công ty 4 km, số tiền chi trả cho việc đi lại mỗi ngày khoảng 60.000 đồng. Cứ thế, trong vòng 6 tháng, cô phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ cho việc di chuyển.

Bên cạnh đó, sống ở thành phố lớn như Hà Nội, Nguyễn Lệ nhận thấy có quá nhiều thứ cần phải chi tiêu. Ngoài các chi phí cố định như tiền nhà, điện, nước, xăng xe, cô còn đau đầu với các khoản mua sắm quần áo, mỹ phẩm, đi chơi bạn bè.

“Giờ đây, giá cả liên tục leo thang, xăng tăng, dầu, gạo tăng hay thậm chí, giá bó rau cũng tăng theo giá xăng. Nhiều hôm, mình dễ cáu gắt khi nhắc tới chuyện tiền nong”, Lệ tâm sự.

Trong khi đó, tự nhận mình là người sống khá thoáng, trong suốt một năm đi làm, Thu Thủy chưa từng lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm cho bản thân. Cô tiêu theo nhu cầu, dẫn đến không kiểm soát được tài chính.

Mỗi tháng, Thủy tính bản thân phải chi tiền triệu khi có những dịp ăn uống bên ngoài với bạn bè hay tiệc tùng, đám cưới, sinh nhật của đồng nghiệp hay các sếp.

“Các dịp như vậy, mình không thể từ chối bởi hầu hết người rủ đi chơi là đồng nghiệp, bạn bè lâu năm. Nhiều khi, mình không đủ tiền trả tiền nhà hoặc nợ khi ăn uống, phải ứng trước, đợi khi nào có lương rồi trả lại", Thủy nói.

Là nhân viên mới, cả Thu Thủy và Nguyễn Lệ đều muốn làm quen với văn hóa công ty. Vì vậy, mỗi dịp liên hoan, đi du lịch, họ đều ngại từ chối tham gia.

“Chi phí dành cho du lịch dài ngày cũng khá nhiều, chưa tính, những chuyến tham quan ngắn ngày vào các dịp lễ lớn như 30/4, 1/5. Trung bình một năm, mình đi chơi khoảng 3-4 lần”, Lệ nói.

Thay đổi thói quen

Với tâm lý "càng có nhiều lại tiêu nhiều", cả Thu Thủy và Nguyễn Lệ nhận thấy bản thân thay vì nghĩ đến những khoản tiết kiệm cá nhân, họ lại đầu tư quá nhiều cho bản thân, sinh hoạt trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nhìn lại số tiền còn lại mỗi tháng, họ nhận thấy bản thân cần cân nhắc chi tiêu cho những chi phí không thực sự cần thiết.

Thu Thủy dự tính trong thời gian tới, cô sẽ giảm tiền ăn uống bên ngoài, nhất là buổi tối. Những hôm về sớm, cô tranh thủ nấu ăn tại nhà và chuẩn bị cho bữa sáng hôm sau.

Thay vì việc đi chơi với bạn bè thường xuyên, cô rút ngắn thời gian gặp gỡ.

"Mình thể ngay lập tức thay đổi thói quen trước đó. Tuy nhiên, với những chi phí không thực sự cần thiết, nhất là dành cho việc ăn uống, mình sẽ cân nhắc cân đối chi tiêu sao cho hợp lý, quan trọng, đến cuối tháng, bản thân không phải vay mượn thêm", Thủy chia sẻ.

Với những chuyến du lịch cùng bạn bè và đồng nghiệp, cô sẽ tham khảo các bài đánh giá của người đã trải nghiệm chuyến du lịch trước đó để bản thân lên kế hoạch chi tiết, bao gồm chi phí ăn ở, đi lại hợp lý, tránh tiêu hoang phí.

Với Nguyễn Lệ, cô nghĩ bản thân cần có thêm mức lương cao hơn để đầu tư chất lượng trong cuộc sống tốt hơn. Cô dự định nhận thêm việc ngoài giờ hành chính để có thêm tiền sinh hoạt, trang trải cuộc sống cũng như để ra cho bản thân một khoản tiết kiệm nhất định.

"Mình chưa từng nghĩ đến việc sau một năm đi làm mà vẫn không có tiền tiết kiệm trong tay. Nhiều khi, mình rơi vào tình trạng không biết bản thân đã tiêu những gì mà nó vẫn hết", Lệ nói.

Việc không tiết kiệm được khoản tiền nào khiến Lệ nhận ra bản thân cần thay đổi thói quen trong sinh hoạt, làm việc. Bên cạnh đấy, cô cũng sẽ lên kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-nhan-khong-tiet-kiem-duoc-khoan-nao-sau-2-nam-di-lam-post1331454.html