Cử nhân Trung Quốc gặp khó khi công ty chỉ tuyển người có kinh nghiệm
11,58 triệu tân cử nhân sẽ tham gia thị trường việc làm của Trung Quốc vào mùa hè này trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của những người 16-24 tuổi ở mức hơn 18%.
Thị trường việc làm của Trung Quốc hiện tại vẫn còn rất nhiều ứng viên đã tốt nghiệp đại học trong đại dịch Covid-19 nhưng chưa có công việc. Sắp tới, thị trường chào đón thêm 11,58 triệu tân cử nhân, nhiều hơn khoảng 820.000 người so với năm ngoái.
Các lời mời làm việc cũng hạn chế hơn khi Trung Quốc mới mở cửa trở lại, kinh tế còn nhiều khó khăn.
Terry Yin, nhân viên thiết kế game tại một công ty nhỏ có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết năm nay, nhóm của anh chỉ nhận 20 hồ sơ xin việc vào một vị trí dành cho sinh viên mới tốt nghiệp có kiến thức toán học.
Xu Beibei, nhân viên tại một công ty trò chơi trực tuyến khác có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết công ty anh cũng nhận hơn 200 hồ sơ của sinh viên mới tốt nghiệp cho 4 vị trí tuyển dụng trong năm nay.
Theo một cuộc khảo sát được công bố bởi Moka, đơn vị cung cấp dịch vụ nhân sự trực tuyến, trong đợt tuyển dụng mùa thu năm ngoái, khoảng 45% sinh viên mới tốt nghiệp không nhận được lời mời làm việc nào, trong khi 3% nhận được hơn 7 lời mời.
Các công ty chứng khoán được coi là những nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, những công ty này lại chỉ muốn tuyển những ứng viên có kinh nghiệm, theo lời các nhân viên của 2 công ty chứng khoán khác nhau.
"Các công ty hầu như không bao giờ muốn nhận những ứng viên có ít hoặc không có kinh nghiệm", Jia Binli, người đã tốt nghiệp vào mùa hè năm ngoái và đang thất nghiệp, cho biết.
Vào tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát của thanh niên 16-24 tuổi tại Trung Quốc đã tăng lên 18,1%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 8. Trước đó, cuối năm ngoái, tỷ lệ này là 16,7%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị vào khoảng 5,6% trong tháng 2, tăng nhẹ so với mức 5,5% một tháng trước đó.
Bên cạnh đó, học viên tốt nghiệp các trường dạy nghề lại ít gặp khó khăn hơn khi tìm việc làm, với 95% trong số họ tìm được việc làm sau khi ra trường.
Tuy vậy, các nhà sản xuất trên khắp Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các kỹ sư và công nhân lành nghề. Điều này cho thấy sự chênh lệch trong việc chọn nghề của giới trẻ. Nhiều thanh niên hiện nay đang làm việc không phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tạo 12 triệu việc làm trong năm nay, sau khi đã tạo ra 12,06 triệu việc làm vào năm ngoái. Tuy nhiên, theo SCMP, con số 12 triệu do chính quyền Bắc Kinh đưa ra vẫn đang quá tham vọng.
Theo một báo cáo được Viện Kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố hôm 3/4, ngay cả khi nền kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ, đã dần phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở thành thị phản ánh hàng loạt chênh lệch trong thị trường việc làm của Trung Quốc.
Hơn một nửa số người tìm việc mới có trình độ học vấn cao, các vị trí mới được tạo ra khi các ngành dịch vụ phục hồi và sự gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng mới sẽ không thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp.
Nhà nước nên tập trung nâng cấp công nghệ phục vụ các lĩnh vực dịch vụ, báo cáo cho biết thêm.
"Dưới tác động của đại dịch và nguồn cung nhân sự mới giảm dần, nhiều công ty sẽ điều chỉnh kỳ vọng và thay thế nhân lực bằng máy móc trong tương lai. Do đó, các công ty cần xem xét tính ổn định của việc làm khi tuyển dụng ứng viên", báo cáo cho biết thêm.