Cụ ông 90 tuổi mê làm từ thiện

Khi phố lên đèn, quán xá tấp nập, cụ Lưu Bình (90 tuổi) với chiếc xe đạp cọc cạch lại xuống phố mưu sinh. Từng túi đậu phụng được bán đi, cụ Bình lại vui mừng bởi số tiền ấy được mang đi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Số tiền lời từ việc bán đậu phụng cụ Bình dùng để giúp đỡ những mảnh đời thực sự khó khăn, bất hạnh. Ảnh: T.G

Số tiền lời từ việc bán đậu phụng cụ Bình dùng để giúp đỡ những mảnh đời thực sự khó khăn, bất hạnh. Ảnh: T.G

“Ông bụt” giữa đời thường

Ghé thăm nhà cụ Lưu Bình (tổ 1, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lúc cụ và người con trai tên Lưu Văn Đức (60 tuổi) ngồi nhặt và luộc đậu phụng để chuẩn bị bán hàng buổi tối.

Thấy khách, cụ phủi bộ quần áo cũ mèm rồi dẫn chúng tôi vào nhà. Cụ Bình có khuôn mặt phúc hậu, bộ râu bạc phơ như “ông bụt” trong những câu chuyện cổ tích. Bước đi của cụ vẫn thong thả, khỏe khoắn. Cụ kể chuyện làm từ thiện mà cứ nhẹ bẫng như sợi rơm, gốc rạ ngoài đồng.

Nhấp chén trà, cụ Bình ngược dòng thời gian kể, vào những năm 1970, cụ đưa cả gia đình lên Kon Tum lập nghiệp. Tại đây, do gia đình nghèo khó nên ai thuê gì cũng nhận làm. “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cụ cũng nuôi được 7 người con khôn lớn và có được mảnh đất nhỏ để trồng trọt, chăn nuôi.

Dần dần do tuổi già, sức yếu, cách đây 20 năm cụ đi bán đậu phụng luộc để mưu sinh. Mỗi ngày, cứ 7 giờ sáng cụ lại dắt chiếc xe đạp hoen rỉ qua thời gian ra khỏi nhà. Đi quanh thành phố bán đậu phụng, đến trưa cụ lại rảo bước trở về nhà.

Buổi chiều cụ cùng con và cháu chuẩn bị đậu phụng. 18 giờ tối, cụ cùng “bạn già” là chiếc xe đạp lại rong ruổi khắp các nẻo đường. Cụ đi từng con đường, ghé từng quán cà phê, quán nhậu... với hy vọng bán hết hàng.

Trong lúc đi mưu sinh bắt gặp nhiều mảnh đời bất hạnh nên vô cùng thương cảm, suy nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ những người kém may mắn cứ thôi thúc cụ. Cứ thế mỗi ngày bán đậu phụng, cụ Bình lại để riêng tiền lời. Khi thấy ai thực sự khó khăn, bất hạnh cụ tìm đến tận nơi để giúp đỡ.

Cách đây khoảng 7 năm, cụ Bình thấy nhiều bệnh nhận tại bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn. Có những người không có đủ tiền để mua thức ăn, nước uống. Cụ nghĩ đến việc làm tủ bánh mì từ thiện để hỗ trợ phần nào cho những người thiếu thốn.

Nghĩ là làm, một tủ kính đựng bánh mì được cụ mua rồi đặt gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Mỗi ngày có khoảng 100 ổ bánh mì được cụ mua rồi cho vào tủ để bệnh nhân nghèo và người chăm nom sử dụng.

Tủ bánh mì duy trì được 6 năm thu hút sự tham gia ủng hộ của nhiều tấm lòng tốt nên cụ “lui” về. Cụ chuyển sang mua gạo cho bếp cơm từ thiện ở gần bệnh viện. Khoảng 2 - 3 ngày, cụ lại mua 10kg gạo chở đến bếp cơm từ thiện.

Kể về hành trình làm từ thiện của mình, cụ Bình không quên nhắc đến người bạn đồng hành (chiếc xe đạp). Đó là “bạn già” giúp cụ làm ra tiền để duy trì công việc giúp đỡ người nghèo khó trong 20 năm qua.

“Mấy chục năm nay, nó thay đôi chân của tôi đi bán hàng rong khắp phố phường. Ngó vậy chứ vẫn còn tốt đáo để. Cũng có những hôm trục trặc, tụt sên, hỏng líp. Nhưng cứ mang ra tiệm sửa sang lại là đi được ngay. Không có nó chắc tôi không đi bán nổi”, cụ Bình vui vẻ nói.

20 năm làm từ thiện

Trung bình mỗi ngày, cụ Bình bán được khoảng 500.000 đồng. Trừ chi phí còn lại hơn 100.000 đồng. Có những hôm đi bán đậu phụng, nhiều người biết cụ làm từ thiện nên gửi thêm để giúp đời, giúp người. Tất cả số tiền này, cụ Bình sử dụng để mua gạo mang đến bếp cơm, hoặc giúp đỡ một hoàn cảnh bất hạnh nào đó.

“Khi hay tin bố có ý định làm từ thiện cả nhà đều nhất trí ủng hộ. Với mình chỉ cần bố vui vẻ, khỏe mạnh là được. Bố đi bán đậu phụng như vậy coi như tập thể dục cho khỏe người vừa tạo niềm vui trong cuộc sống. Điều đáng mừng là dù đi lại nhiều nhưng bố ít khi bị đau.

Tôi cũng thường khuyên con cái tích cực làm việc thiện. Giúp được một người, làm thêm một việc tốt, ấy là tích thêm một đức vậy. Sẽ chẳng lỗ đâu mà sợ, trao đi tấm lòng thì nhận lại nụ cười”, ông Đức chia sẻ.

Em Lưu Thị Phước (20 tuổi, cháu nội cụ Bình) hiện là thành viên ban chủ nhiệm CLB tình nguyện khoa y, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, những ngày được nghỉ học về nhà Phước vẫn thường giúp ông luộc đậu phụng.

“Thuở nhỏ, em thường chứng kiến ông nội và bố làm việc tốt giúp người. Sau này, em chọn ngành y với mong muốn trở thành bác sĩ sẽ cứu giúp được nhiều mảnh đời bất hạnh hơn. Khi cùng các bạn tổ chức các chương trình thiện nguyện, em thấy mình vui vẻ và trưởng thành hơn. Dường như đem lại niềm vui cho người khác cũng là một điều hạnh phúc”, Phước rạng ngời nói.

Suốt 20 năm bán đậu phụng, cụ Bình không nhớ nổi số tiền mình đã ủng hộ và giúp đỡ những mảnh đời cơ cực là bao nhiêu. Cụ cũng không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người. Nhưng với cụ, giúp đỡ người thì không phân biệt bất kì ai, từ già trẻ gái trai, cứ khó khăn là cụ tìm đến.

Bà Phạm Thị Tố Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, TP Kon Tum, cho biết: Cụ Lưu Bình sống cùng con trai. Mặc dù, kinh tế gia đình ở mức trung bình nhưng cụ vẫn bán đậu phụng để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Biết được việc làm của cụ, nhiều người ghé đến mua ủng hộ.

Không chỉ vậy, cụ Bình cũng có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết cụ lại ủng hộ nhiều suất quà để tặng cho các hộ nghèo tại địa phương. Việc làm của cụ Bình vô cùng ý nghĩa, đáng tuyên dương và khích lệ để mọi người noi theo.

Tôi ăn chay trường nên khi thấy những hoàn cảnh bất hạnh, cơ nhỡ thương vô cùng. Chính vì vậy, tôi nghĩ đến việc bán đậu phụng để lấy tiền lời làm từ thiện. Mặc dù số tiền đó với nhiều người không đáng bao nhiêu nhưng đủ giúp hoàn cảnh khó khăn vượt qua cơn hoạn nạn. - cụ Lưu Bình

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/cu-ong-90-tuoi-me-lam-tu-thien-4068722-b.html