Cụ ông cụt chân gây tai nạn: Người khuyết tật có được cấp GPLX?
Vụ cụ ông khuyết 1 chân, nhưng vẫn lái ô tô và gây tai nạn ở Bắc Ninh khiến nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, người khuyết tật có được cấp giấy phép lái xe ô tô không?
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh cụ ông khuyết tật lái ô tô gây tai nạn ở Bắc Ninh. Theo đó, người đàn ông lớn tuổi, bị khuyết 1 chân được cho là điều khiển ô tô con mang BKS 99A - 257.52. Liên quan đến vụ việc, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, xe ô tô BKS 99A - 257.52 trong clip được đăng ký lần đầu ngày 7/11/2018. Chủ phương tiện trên là ông Ngô Văn C. (68 tuổi, trú tại phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh).
Vụ việc trong clip được xác định là xảy ra vào sáng 12/12, tại phường Võ Cường (TP Bắc Ninh). Va chạm xảy ra khiến xe ô tô của ông C. và 1 xe ô tô khác bị hư hỏng nhẹ, không có thiệt hại về người. Trao đổi với báo chí, ông Ngô Văn C. thừa nhận mình điều khiển chiếc xe trên, vụ việc không có gì to tát và đã được giải quyết ổn thỏa. Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, đến nay, ông Ngô Văn C. chưa được cấp giấy phép lái xe ô tô. Hiện trên dữ liệu quản lý của cơ quan này chưa có thông tin của chủ phương tiện trên.
Dưới góc độ pháp lý, Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống - Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, những người khuyết tật vẫn có thể được cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B1, tuy nhiên với trường hợp bị khuyết tật nặng hoặc khuyết tật tứ chi ảnh hưởng đến khả năng vận động, quan sát, điều khiển xe ô tô thì sẽ không đủ điều kiện sức khỏe và không được cấp giấy phép lái xe. Với đặc điểm điều khiển của xe ô tô là người lái xe phải sử dụng chân phải để đạp ga, phanh và phải dùng cả hai tay để điều khiển hướng di chuyển nên với người cụt chân phải, phải đi bằng nạng thì không thể điều khiển được xe ô tô, dù là xe số tự động hạng B1.
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cơ giới, Mục cơ xương khớp trong bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cơ giới được ban hành tại phụ lục số 1 kèm theo thông tư trên quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cơ giới thuộc nhóm 1 (hạng A1 - xe máy) và nhóm 2 (hạng B1) là “Cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) là không đủ điều kiện lái xe hạng tương ứng”.
Khi đã không đủ điều kiện sức khỏe để lái xe hạng B1 (xe ga tự động) thì công dân sẽ không được dự thi sát hạch giấy phép lái xe nên không thể có giấy phép lái xe được.
Theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định, người khuyết tật đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe vẫn được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B1 số tự động. Phần phụ lục kèm theo thông tư này đã ghi rõ đối với người bị khuyết tật phần cơ xương khớp, không hoạt động bình thường trong đó có trường hợp cụt chân thì sẽ không được cấp giấy phép lái xe B1", luật sư Cường nói.
Luật sư Cường phân tích: "Với lại xe ô tô B2 (Lái các loại xe ô tô số tự động và số sàn) mức độ điều khiển phức tạp hơn nên điều kiện để cấp giấy phép lái xe sẽ khó khăn hơn loại xe B1. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người đàn ông này đúng là người đã lái xe gây tai nạn, nhưng không có giấy phép lái xe thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra... người đàn ông này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp vụ tai nạn gây thiệt hại chưa tới 100.000.000 đồng về tài sản, chưa có thiệt hại về tính mạng người khác, nếu có thiệt hại về sức khỏe thì sức khỏe của người khác bị thiệt hại chưa đến mức thương tích từ 61 % trở lên thì sẽ không xử lý hình sự mà sẽ xử phạt hành chính, trừ trường hợp hành vi được xác định là nguy hiểm, nếu không ngăn chặn kịp thời thì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".
Luật sư Cường cho hay, nếu không có giấy phép lái xe mà gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong tình huống này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù theo quy định tại khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự. Người không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe ô tô tham gia giao thông thì có thể bị phạt tới 6.000.000 đồng theo quy định tại điều 21 của nghị định 100/2019/NĐ-CP. Nếu gây tai nạn giao thông thì mức phạt có thể tới 12.000.000 đồng. Ngoài ra người thực hiện hành vi vi phạm giao thông đường bộ trong tình huống này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của pháp luật.
"Những người khuyết tật nặng, khuyết tật ở những vị trí ảnh hưởng đến thao tác thực hiện các hoạt động lái xe, theo quy định của pháp luật không đủ điều kiện để lái xe ô tô nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện giao thông thì hành vi là nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Bởi vậy ngoài việc phát hiện xử lý các hành vi vi phạm thì cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để những người khuyết tật nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, tránh những vụ việc tai nạn giao thông có thể xảy ra", luật sư Cường chia sẻ.
Xem thêm video: Đồng Tháp: Va chạm với ô tô khách, người lái xe mô tô tử vong