Cụ ông quái gở ẩn cư trong rừng sâu suốt 20 năm, mỗi ngày 'liều mạng' đi tìm thức quà trân quý bán cho người có 'tâm hồn trà nghệ'
'Nếu một ngày nào đó, có nông dân nói họ tìm thấy một cây trà cổ thụ mới chưa được hái, tôi sẽ băng đèo lội suối, tìm cho bằng được', trà nhân cười nói.
Trong vùng núi sâu Tây Song Bản Nạp, Vân Nam (Trung Quốc) có một cụ ông tính tình "quái gở". Nhiều năm trước, ông đã từ bỏ cuộc sống ở thành phố lớn, lên núi trà ở Bản Nạp. Cứ thế 20 năm bị “mê muội” với những loại trà cổ, vô số lần bị thương, từng phải phẫu thuật tim, chỉ để tìm kiếm chút ký ức về thức trà ngon trân quý trong rừng sâu.
Một cơ duyên, một tâm hồn trà nghệ
Cụ ông "Trà nhân" (chỉ người làm nghề hái trà, nấu trà và có sự hiểu biết về nghệ thuật trà đạo) này là một phiên bản đặc biệt trong giới trà đạo, không mặc trang phục cổ phong, ngày thường mặc áo thể thao, đi giày thể thao. Ông không theo đuổi "sự thanh lịch", mỗi lần nói đến trà thì lại thao thao bất tuyệt về những chiếc bánh trà, cục trà thơm ngát.
61 tuổi, làm trà hơn 20 năm, cuộc đời gắn liền với trà nên có biệt danh là "Trà nhân Chí Chính", và cách gọi này dường như đã thay thế luôn cho tên thật của ông.
Khi còn bé, ông đã chứng kiến bà nội đun nước trên bếp, ngâm trà lài, thêm đường vừa ngọt vừa thơm, khiến ông cầm lòng không đặng mà lén uống. Lúc đó, trà và dụng cụ uống trà rất đơn sơ, nhưng hương vị khi ấy vẫn còn vương trong ký ức.
Vào đầu những năm 1990, một người bạn đã tặng ông một bánh trà Phổ Nhĩ (lá trà được nén thành bánh tròn). Ông rất thích và không thể tìm thấy loại trà này bán ở đâu. Ông chợt nghĩ, nếu không thể tìm thấy thì mình có thể tự làm. Thế là ông đã nghỉ công việc kinh doanh và bắt đầu hành trình “pha trà ngon để tu dưỡng tâm hồn”.
Sau đó, ông đã tra cứu sử sách, tìm kiếm những ngọn núi được “đồn” rằng có mọc loại trà Phổ Nhĩ cổ xưa. Thế là ông bắt đầu từ khu vực Nam Giản (Đại Lý) và đi dọc theo sông Lan Thương đến một số ngọn núi trà (những cánh rừng mọc nhiều cây trà). Ông đổ dồn gần hết tiền bạc vào hành tìm kiếm trà ở những ngọn núi cổ.
Sau khi ở núi trà vài năm, vị trà nhân này đã tiếp thu nhiều kiến thức về trà và kết bạn với những người nông dân trồng trà. Ví dụ, khu vực núi trà cổ Man Chuyên sản xuất trà lá lớn, một số lớn bằng lòng bàn tay với một chồi và hai lá; núi trà cổ Kỳ Bang từng có một vườn trà hoàng cung, nơi sản xuất các loại trà lá vừa và nhỏ với hương thơm mạnh; núi trà cổ Mãng Chi cũng trồng loại trà lá vừa và nhỏ, có vị ngọt dịu thanh tao.
Sau đó, cụ ông đã quyết định ở lại núi trà tại vùng núi Tây Song Bản Nạp và sống cho đến hiện tại.
Càng tìm hiểu về núi trà, ông phát hiện lá trà được sản xuất ở các vùng khí hậu khác nhau có hương vị khác nhau. “Rừng nhiệt đới có khí hậu ẩm ướt, các loại thực vật ảnh hưởng lẫn nhau, hệ sinh thái càng phức tạp. Vì vậy, lá trà càng nhiều tầng hương thơm, cảm giác khi nếm biến hóa phong phú”.
Ở trong núi một thời gian dài, càng biết nhiều về trà, lòng hiếu kỳ càng lớn hơn.
Theo ông, sống trên núi, gặp rắn không đáng sợ, kinh khủng nhất ở Bản Nạp là muỗi và côn trùng. Mới đứng một lúc, bốn năm con đỉa bám vào chân lúc nào không hay. Hoặc vết đốt của bọ xít gây đau và ngứa, lâu ngày sẽ có nốt sần trên cơ thể.
Nếu hỏi ông có cảm thấy mệt mỏi khi sống như vậy không? Vị trà nhân mỉm cười: “Lúc ban đầu cũng thấy khá mới mẻ, nhưng qua 20 năm thì mọi thứ cũng thành quen”.
Tìm về sự thuần túy bằng lá trà cổ thụ
Cụ ông trà nhân đưa đoàn làm phim vào núi Nam Nhu. Ông đã phẫu thuật tim vào năm ngoái và tịnh dưỡng hơn nửa năm, đây cũng là lần đầu tiên ông trở lại núi trà.
Núi trà dốc và đầy những con đường mòn gồ ghề. Ở Bản Nạp vào mùa mưa, thỉnh thoảng có cơn mưa rào ào ạt và rất nhanh, mặt đất lầy lội trên núi trơn trượt, người đi đường không cẩn thận chắc chắn gặp nguy hiểm.
Tuy đã lâu không tới, nhưng ông vẫn quen đường, đi nhanh hơn đám thanh niên, dọc đường hái lá trà cho vào miệng nhai. Hơn 20 năm ở núi trà, ông đã luyện được “chiếc lưỡi nhạy bén”, nước lá trà tươi là đậm đặc nhất, ưu nhược điểm của loại trà cũng rõ ràng nhất. “Trà ngon thật sự sẽ không đắng, mà để lại vị hậu ngọt ở cổ họng”.
“Đây là một cây trà cổ thụ, tuy nhỏ bé do khí hậu địa phương, kỳ thực bộ rễ của nó rất khỏe”, ông chỉ một cây trà cho đoàn làm phim xem.
Trà cổ thụ khác với trà đài địa (cây trà trồng nhân tạo), vị trà nhân thích thú nói: “Người thích trà, nhưng trà không thích người”. Những cây trà cổ thụ thường mọc ở nơi sâu trong núi, cách xa khu định cư. Tại Vân Nam, một khu vực sản xuất trà lớn, trà cổ thụ đáp ứng tiêu chuẩn chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng.
Đối với những người yêu thích trà, ai cũng muốn uống trà cổ thụ. Trà nhân trà nói: “Trong quá trình trồng trà đài địa sẽ có dư lượng thuốc trừ sâu, rất nhẹ và sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến mùi vị”.
“Cơm rau chúng ta thường ăn ít nhiều có thuốc bảo vệ thực vật, ai cũng chấp nhận nhưng tôi không muốn nhân nhượng với cây trà”.
Người Trung Quốc gần như có thói quen uống trà, đi đến đâu người ta cũng vui vẻ uống một tách trà. Trà trong thơ ca và cuộc sống hằng ngày.
Trà cổ thụ và trà được trồng công nghiệp rất khác nhau."Trước tiên dùng tay sờ, cành trà cổ thụ mềm mại, sờ vào da sẽ không có cảm giác ngứa ran. Khi xào trà, lá trà cuộn lại, dùng tay sờ vào sẽ không đau”.
Theo các ghi chép lịch sử, có một khu vực sản xuất nhỏ gọi là núi Vương Tử ở Núi trà Kỳ Bang, từng là vườn trà hoàng gia trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Hiện nay Cố cung có một loại trà cống “bí ngô” hàng trăm năm tuổi, được lưu giữ vào cuối triều đại nhà Thanh. Trà cống “bí ngô” là loại trà thượng hạng nét thành khối rồi buộc dây tròn lẳng như quả bí ngô.
Trà nhân từng sử dụng nguyên liệu lá trà nguyên chất non và tốt nhất ở khu vực Man Tùng để mô phỏng lại khối trà cống thượng hạng trong bộ sưu tập trưng bày ở bảo tàng Cố cung. "Nếu đưa ra thị trường, giá trị có thể lên tới hàng chục triệu NDT một kg".
Vui do trà, khổ cũng từ trà mà ra
Cụ ông trà nhân có 2 vết sẹo dài trên chân.
Một ngày cách đây vài năm, ông phát hiện ra một mụn mủ nhỏ trên chân nhưng không thèm quan tâm. Sau đó, nốt mụn dần to ra, thuốc mỡ không có tác dụng, cuối cùng lở loét đến mức phải nhập viện.
Vết thương mưng mủ rất to, thuốc tê không có tác dụng, bác sĩ chỉ có thể cho ông cắn chặt chiếc que rồi tiến hành mổ trực tiếp.
Trong thời gian tịnh dưỡng, trà nhân rất yếu nên đã đến hỏi ý kiến của một danh y. Người này nói rằng ông đã làm việc quá sức vì quanh năm rong ruổi tìm trà nên đã bị trúng độc. Danh y kê toa để trà nhân hồi phục sức khỏe, quá trình hồi phục cần đến 3 năm.
Nghe thấy thế, ông liền hỏi ngay: “Vậy thì tôi vẫn có thể uống trà chứ?”. Đương nhiên là vẫn có thể, song qua đó mới thấy rõ: Vị trà nhân này xem trà còn quan trọng hơn cả tính mạng!
“Ở Bản Nạp hơn 20 năm, ốm đau, thương tật, đại phẫu, đau đớn, sướng vui trong đời đều do trà ban cho”, trà nhân nói. Trà gần như là tất cả những gì ông có trong đời.
Trong mùa trà, ông sống trong "công xưởng chính" trên núi. Những lá trà mới hái cần được phơi khô càng sớm càng tốt, thời gian khoảng hai tiếng, nếu đưa đến chân núi để tiếp tục chế biến, độ tươi sẽ bị giảm nên sẽ được đưa thẳng đến trại sơ chế, bao gồm các công đoạn: sao trà, vò lá, phơi nắng, bảo quản.
Môi trường vùng núi không chỉ đảm bảo trong lành mà còn đáp ứng được mục tiêu cao nhất là “sạch”.
Nhà kho của trà nhân ở huyện Mãnh Hải (Bản Nạp), nơi được mệnh danh là "Huyện trà Phổ Nhĩ số 1 Trung Quốc". Khi chưa đến mùa trà, ông đến nhà kho chỉ để “uống trà”. Hàng tấn hàng trong kho là công sức miệt mài suốt hai mươi năm của vị trà nhân hơn 60 tuổi này. Thay đổi cách uống và nếm hương thơm của nhiều loại trà khác nhau. "Thưởng thức vài hớp trà, thế mà một ngày cũng trôi qua".
“Nếu một ngày nào đó, có nông dân nói họ tìm thấy một cây trà cổ thụ mới chưa được hái, tôi sẽ băng đèo lội suối, tìm cho bằng được”, trà nhân cười nói.
Ông nhấp một ngụm trà và thở dài: "Ngụm trà tràn đầy hương hoa". Uống nhiều trà hơn 20 năm, ông vẫn cảm thấy bất ngờ và mỹ mãn mỗi khi uống vào tách trà ngon, giống như tách trà mà người bạn khi xưa đã tặng cho ông, hương vị vẫn thơm ngát như ngày nào.
Nguồn: Yitiao