Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chữa bệnh cứu người

Trong quá trình cụ vào Nam sinh sống những năm cuối đời, đặc biệt là ở Cao Lãnh - Hòa An, cụ đã bốc thuốc trị bệnh cho nhiều người, để lại nhiều câu chuyện cảm động.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (trong Nam gọi là Phó bảng Huy) - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - là một nhà yêu nước với nhân cách thanh cao của một bậc túc Nho. Cụ chẳng những là nhà khoa bảng mà còn là một bậc danh y được nhiều người kính mộ.

Cảnh nhà ven sông Cao Lãnh thời xưa.

Cảnh nhà ven sông Cao Lãnh thời xưa.

Kỷ niệm ngày mất của cụ Phó bảng, trong bài viết này chúng tôi xin thuật lại một câu chuyện được các thầy thuốc thời xưa ở Cao Lãnh kể lại một cách trân trọng về tài năng và đức độ của cụ.

Cuối năm 1927, cụ Phó bảng về Cao Lãnh sinh sống ở nhà ông Năm Giáo tại làng Hòa An. Thường ngày cụ hay ra chợ Cao Lãnh xem mạch, kê toa ở tiệm thuốc Hằng An Đường. Có đôi lúc cụ được thân chủ tới rước về nhà chữa bệnh.

Mùa nước năm 1929, thân mẫu của ông Hội đồng Nguyễn Chánh Vị ở Cao Lãnh là bà Hương sư Tú lâm bệnh nặng, ông Hương sư Tú đã mất trước đó. Hội đồng Vị là người nổi tiếng có hiếu với mẹ trước đây đã rước nhiều danh y trong vùng như thầy Giảng, thầy Năm Cừ, ông Bộ Chiếu… nhưng tất cả đều bó tay. Nghe tiếng cụ Phó bảng Huy cũng giỏi nghề hốt thuốc, hội đồng Vị cho người chèo ghe đến rước cụ Phó bảng về trị bệnh cho thân mẫu.

Đến nhà hội đồng Vị, cụ nói với chủ nhà nấu cho cụ một chén cháo trắng. Cụ ăn cháo trắng với đường cát xong liền leo lên bộ ván nằm nghỉ. Nóng lòng vì bệnh tình của mẹ, ông Hội đồng mới lên tiếng:

- Thưa cụ, mẹ tôi đau nặng, biết cụ là lương y giỏi nên tôi mới thỉnh thầy qua đây cứu mẹ tôi, xin cụ nhanh tay cho!

Cụ Phó bảng trả lời:

- Biết bà Hương sư đau nặng nên tôi cần phải định tâm, định thần trước khi vào xem mạch ra toa, có như thế mới hiệu nghiệm.

Sau một thời gian điều trị, bệnh của bà Hương sư thuyên giảm rồi đột nhiên trở nặng. Hội đồng Vị lại đích thân đến rước cụ nhưng lần nầy cụ không đi và bảo rằng bệnh già mà trở thì không thể trị được. Hội đồng Vị hết sức thuyết phục để cứu mẹ.

Thấy người con quá đỗi chí hiếu, cụ đành chiều theo. Lần nầy cụ không đến nhà xem bệnh mà chỉ đến tiệm hốt một thang cho Hội đồng Vị đem về. Uống chưa hết thang thuốc, bà Hương sư Tú mất. Hội đồng Vị cho người báo tin, cụ nhờ người gửi về tang chủ một đôi vản chữ Nho chia buồn:

“Thỉnh chẩn bất dung từ, vị hiếu tử tâm trung hữu mẫu

Đầu thang phi thị ngộ, duy trinh tiết phụ thệ tòng phu”.

Tạm hiểu:

Rước chẩn chẳng nỡ từ vì con hiếu trong lòng chỉ mẹ.

Đầu thang chi phải lộn, bởi người tiết phụ nguyện theo chồng.

Hội đồng Vị nhờ ông Bộ Trọng - người viết chữ đẹp trong làng - viết treo lên. Dự đám tang có nhiều thầy thuốc, trước đây họ cho rằng bà Hương sư Tú mạch đã trầm mà cụ dám nhận trị thì ắt không phải thầy giỏi; nay đọc đôi vản mới thấy con người cụ quả thật là người tinh tế, tài ba: đã kéo dài tuổi thọ bà Hương sư được vài tuần - điều mà các thầy thuốc khác không làm được - để tạo điều kiện cho ông Hội đồng báo hiếu.

Bộ đội và dân làng viếng mộ cụ Phó bảng trước khi Tập kết ra Bắc 1954.

Bộ đội và dân làng viếng mộ cụ Phó bảng trước khi Tập kết ra Bắc 1954.

Riêng thầy Ba Hùng (tức cụ Nguyễn Doãn Phong - nhà Nho có tiếng ở Cao Lãnh thời bấy giờ) cho rằng từ đây về sau chắc không có đôi vản nào thâm thúy, súc tích và đầy đủ hơn. Chỉ có hai câu với 24 chữ, không một điển tích mà vừa chia buồn, vừa ca ngợi tang chủ, vừa xưng tụng người quá cố và vừa nói tới chính tác giả.

Sau đám tang mẹ, ông Hội đồng Vị kêu ông Ba Tranh là người làm công trong nhà bơi xuồng đưa ông đem lễ vật gồm bốn cai rượu Tây và bốn gói trà đến tạ ơn cụ Phó bảng. Cụ một mực không nhận món nào, ông Hội đồng Vị cứ nài nỉ riết, ông Phó bảng mới nhận một gói trà cho ông Vị vui.

Nguyễn Thanh Thuận

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cu-pho-bang-nguyen-sinh-sac-chua-benh-cuu-nguoi-post1015682.html