Cú sốc thủ tướng Nga từ chức và kế hoạch của TT Putin sau năm 2024

Quyết định của Tổng thống Putin về việc thành lập chính phủ mới được đưa ra đầy bất ngờ. Cả những bộ trưởng Nga dường như cũng không được báo trước việc họ phải từ chức.

Cuộc cải tổ nhân sự chính phủ diễn ra đột ngột. Tổng thống Vladimir Putin, 67 tuổi, với 4 năm còn lại của nhiệm kỳ và hơn 20 năm là người lãnh đạo nước Nga, rõ ràng đang tính con đường xa.

Chính phủ mới dẫn đầu bởi ông Mikhail Mishustin, nhà kỹ trị biến hệ thống thuế thiếu thiện cảm thành một bộ máy vận hành vô cùng hiệu quả. Người luôn kề vai sát cánh với ông Putin gần hai thập kỷ qua, Dmitry Medvedev, rời khỏi vị trí cao nhất trong chính phủ.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev (phải). Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev (phải). Ảnh: Reuters.

Vai trò của người cộng sự thân cận

Cựu thủ tướng Medvedev, lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất, từ chức nhưng không rời khỏi chính trường quá xa. Vai trò mới của ông là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, một vị trí kín tiếng nhưng vẫn nhiều quyền lực.

"Trong hoàn cảnh này, tôi cho rằng chính phủ Liên bang Nga từ chức sẽ là hành động đúng đắn", ông Medvedev phát biểu bên cạnh Tổng thống Putin trong thông điệp ngày 15/1.

Quyết định từ chức của ông Medvedev được xem là cuộc thay đổi nhân sự lớn nhất từng diễn ra trong chính phủ Nga gần một thập kỷ qua. Tổng thống Putin từ lâu luôn nỗ lực duy trì hình ảnh ổn định chính trị bất chấp những thách thức như nền kinh tế suy thoái hay các lệnh cấm vận của phương Tây.

"Đó là một chiếc dù bảo hộ bằng vàng. Ông ấy được tạm ẩn mình, vì Hội đồng An ninh là nhóm thân cận nhất của ông Putin. Nó như một chính phủ thu nhỏ", Alexander Baunov, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết.

Khi ông Putin đứng trước hoàn cảnh tương tự cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình, như một cách để tránh quy định hiến pháp về giữ chức vụ tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp, người cộng sự Medvedev đã đắc cử tổng thống.

Lần này, Tổng thống Putin dường như không tính đến kịch bản "ngồi ghế hành khách" và nhường tay lái đoàn tàu nước Nga cho người trợ lý thân cận một lần nữa. Giới quan sát cho rằng nhiệm kỳ thứ 4 này sẽ là nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của nhà lãnh đạo.

 Ông Mikhail Mishustin được nhiều người đánh giá cao về nỗ lực cải cách cơ quan thuế của chính phủ, nhưng tên tuổi không được phần đông công chúng biết đến. Ảnh: Reuters.

Ông Mikhail Mishustin được nhiều người đánh giá cao về nỗ lực cải cách cơ quan thuế của chính phủ, nhưng tên tuổi không được phần đông công chúng biết đến. Ảnh: Reuters.

Tạo cơ quan quyền lực mới

Ngoài mặt, quyết định cải tổ của tổng thống Nga sẽ trao thêm quyền lực cho quốc hội. Bước đầu là quyền bổ nhiệm thủ tướng. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Trước mắt, Tổng thống Putin đã chọn người kế nhiệm cho Thủ tướng Medvedev và công việc của quốc hội là phê duyệt quyết định nhân sự.

Vẫn chưa rõ những quyền lực mới sẽ được trao cho quốc hội trong thời gian tới. Những nghị sĩ vẫn giữ nguyên chức vụ và thay đổi hiện nay vẫn không quá lớn. Tổng thống Putin cũng đề nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp. Lần gần nhất một cuộc bỏ phiếu toàn quốc như vậy diễn ra là năm 1993.

Một trong những đề xuất đáng chú ý nhất là đưa Hội đồng Quốc gia thành một cơ quan chính phủ được quy định chính thức trong hiến pháp. Hiện hội đồng chỉ là cơ quan cố vấn với 85 thống đốc và một số quan chức, trong đó gồm các lãnh đạo đảng chính trị. Số người tham dự nhiều đến mức cuộc họp lấp đầy cả một hội trường trong điện Kremlin.

Tổng thống Putin rõ ràng còn những dự định riêng cho cơ quan này. Trong một giả thuyết được giới quan sát đặt ra, ông sẽ trở thành người đứng đầu của Hội đồng Quốc gia với nhiều quyền lực hơn trước.

"Việc khởi động những thảo luận mới về Hội đồng Quốc gia cho thấy ông Putin muốn tạo ra một cơ quan quyền lực mới, nơi ông có sức ảnh hưởng vượt qua tổng thống khi cần", Akexander Buanov dự đoán.

Nhà lãnh đạo Nga đang tìm những cách để duy trì sức ảnh hưởng, dù trong viễn cảnh đó ông không còn giữ chức tổng thống hay tìm ra cách để kéo dài nhiệm kỳ, theo Thomas Graham, chuyên gia tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York.

"Ông ấy muốn kiểm soát được quá trình này. Ông ấy tự đặt cho mình một số phương án để thực hiện được điều đó", Graham nhận định.

 Tổng thống Putin trong buổi phát biểu thường niên trước quốc hội Nga ngày 15/1. Ảnh: Sputnik.

Tổng thống Putin trong buổi phát biểu thường niên trước quốc hội Nga ngày 15/1. Ảnh: Sputnik.

Quá trình chuyển giao đang bắt đầu

Tổng thống Putin muốn tiếp tục nắm giữ quyền lực, câu hỏi đặt ra là ông sẽ làm điều đó bằng cách nào, theo nhà bình luận Sergei Goryashko của BBC.

Khả năng rất cao nhà lãnh đạo sẽ không tiếp tục đảm nhiệm cương vị tổng thống Nga sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024. Vấn đề còn lại là ông muốn ngồi vào vị trí nào tiếp theo. Đó có thể là chiếc ghế chủ tịch Hội đồng Quốc gia mà chính ông đang kiêm nhiệm.

Alexei Navalny, người chỉ trích nổi bật nhất về Tổng thống Putin, đánh giá những động thái này đánh dấu sự trở lại của mô hình chính trị trước khi Liên Xô sụp đổ. Ông cũng bày tỏ hoài nghi về cuộc bỏ phiếu cải cách hiến pháp, cho rằng kết quả sẽ không đáng tin cậy.

Sam Greene, lãnh đạo Viện Nga tại Đại học Nhà vua London, cho rằng giới lãnh đạo Nga muốn đảm bảo tương lai của mình sau năm 2024 sẽ phải "chơi cùng lúc 3 bàn cờ", gồm quốc hội, Hội đồng Quốc gia và Tổng thống Putin.

Còn nhà bình luận Konstantin Eggert nhận định quá trình chuyển giao cho thời kỳ hậu 2024 đang được Tổng thống Putin cho tiến hành từ sớm. Sự thay đổi tạo ra "cảm giác mới lạ", nhưng thực chất sẽ duy trì hiện trạng chính trị.

"Đây có thể là những mảnh ghép đầu tiên trong bức tranh lớn đang dần hiện hình. Khi bức tranh ghép này hoàn tất, chúng ta sẽ thấy ông Putin vẫn giữ quyền lực", Steve Rosenberg của BBC nhận định.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cu-soc-thu-tuong-nga-tu-chuc-va-ke-hoach-cua-tt-putin-sau-nam-2024-post1036776.html