Cú sụt trăm tỷ USD, sức mạnh nước Mỹ trước nguy cơ mới
Sau những phiên đỏ lửa, Facebook và Twitter mất trên 50 tỷ USD kể từ khi cấm cửa ông Trump. Hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa chứng khoán Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ bốc hơi.
Tính từ thời điểm một số công ty truyền thông xã hội đình chỉ hoặc/và cấm ông Donald Trump khỏi nền tảng của họ cho tới hết phiên 13/1, cổ phiếu Facebook đã mất 6,2%, trong khi cổ phiếu Twitter cũng đã giảm 8,6%. Chỉ trong 2 phiên, giá vốn hóa thị trường của Facebook và Twitter giảm trên 50 tỷ USD.
Các cổ phiếu công nghệ của Mỹ giảm trong bối cảnh nhiều lãnh đạo trên thế giới chỉ trích các mạng xã hội khóa tài khoản của tổng thống Mỹ Donald Trump và thế giới bắt đầu lo ngại ảnh hưởng của các ông lớn công nghệ. Facebook và Twitter là 2 nền tảng mạng xã hội quyết định cấm vô thời hạn đối với ông Trump với cáo buộc về vai trò của Tổng thống Mỹ trong vụ người ủng hộ ông tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ gây bạo loạn hôm 6/1.
Theo CNBC, trong một động thái mới đây, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng việc Twitter quyết định đóng vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “có vấn đề”, vì các nền tảng mạng xã hội không thể tự can thiệp vào quyền tự do ngôn luận.
Chứng khoán đi ngang
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động không nhiều trong vài phiên gần đây dù nước Mỹ nhiều khả năng sẽ bổ sung thêm các gói kích thích kinh tế.
Trong phiên vừa qua, nhóm cổ phiếu big tech giảm khá mạnh và ngăn cản diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu Facebook giảm 2,2%, Alphabet giảm 1,1%. Microsoft và Apple cũng mất hơn 1%.
Cổ phiếu công nghệ của Mỹ giảm trong bối cảnh nhiều lãnh đạo trên thế giới chỉ trích các mạng xã hội khóa tài khoản của tổng thống Mỹ Donald Trump và thế giới bắt đầu lo ngại ảnh hưởng của các ông lớn công nghệ.
Tính từ thời điểm một số công ty truyền thông xã hội đình chỉ hoặc/và cấm ông Donald Trump khỏi nền tảng của họ, cổ phiếu Facebook đã mất 6,2%, trong khi cổ phiếu Twitter cũng giảm 8,6%.
Theo CNBC, trong một động thái mới đây, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng việc Twitter quyết định đóng vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “có vấn đề”, vì các nền tảng mạng xã hội không thể tự can thiệp vào quyền tự do ngôn luận. Đây là quyền cơ bản có tầm quan trọng hàng đầu. Quyền cơ bản này có thể bị can thiệp, nhưng phải thông qua luật và trong khuôn khổ do cơ quan lập pháp xác định, chứ không phải theo quyết định của các mạng xã hội.
Trước đó, ông Trump đã dùng tài khoản chính thức của chính phủ @POTUS trên Twitter chỉ trích trang mạng xã hội này “bịt miệng” ông. Ngay sau đó, Twitter đã xóa các bình luận của ông Trump trên @POTUS, tạm ngưng tài khoản ban vận động tái tranh cử @TeamTrump của ông và đóng tài khoản cá nhân @realDonaldTrump vĩnh viễn.
Lý do mà Twitter đưa ra là nhằm ngăn chặn nguy cơ những dòng tweet gây tranh cãi về gian lận bầu cử và tiếp tục kích động bạo loạn.
Facebook và Instagram cũng tuyên bố chặn tài khoản của Tổng thống Trump cho đến khi tiến trình chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden hoàn tất.
Không chỉ lãnh đạo Đức, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cũng lên án các big tech “bịt miệng” Tổng thống Trump như: Pháp, Mexico, Anh Quốc, Ba Lan, Hungary, Australia,...
Tổng thống Andrés Manuel López Obrador của Mexico là nguyên thủ đầu tiên lên án Facebook và Twitter vì đã cấm tài khoản của ông Trump. Ông Obrador bày tỏ ông không thích bất kỳ ai bị kiểm duyệt hoặc bị tước quyền đăng thông báo trên Twitter hoặc Facebook.
Tổng thống Mexico cho rằng các công ty công nghệ đang hành xử như một tòa án dị giáo để “quản lý dư luận” và cho rằng việc này “thật sự nghiêm trọng”.
Chứng khoán Mỹ nguy cơ bốc hơi nghìn tỷ USD
Trong năm 2020 vừa qua, các cổ phiếu công nghệ là động lực chính kéo chứng khoán Mỹ tăng vọt và liên tục lập đỉnh cao lịch sử mới. Sự bứt phá của của các cổ phiếu big tech không chỉ nhờ vào kết quả kinh doanh tốt ngay cả trong đại dịch, mà còn do triển vọng thống trị và đi trước thế giới của các doanh nghiệp này.
Tại Trung Quốc, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thậm chí còn thống trị cả thị trường tài chính thông qua hệ thống dữ liệu thu thập được và trí tuệ nhân tạo (AI). Các tập đoàn này xây dựng một bức tranh chi tiết về hồ sơ tín dụng của người dùng bằng cách sử dụng một loạt dữ liệu trực tuyến.
Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã trở thành chuyên gia trong việc sử dụng dữ liệu. Họ phân tích thông tin bằng thuật toán để tiếp tục đổi mới và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Mô hình AI của Ant Group của tỷ phú Jack Ma đã thu thập các điểm dữ liệu về khách hàng để đánh giá rủi ro hiệu quả hơn đối với các nhà cho vay, tự động thiết lập điểm tín dụng cho hàng triệu người dùng.
Chính khả năng phân tích dữ liệu và đánh giá rủi ro chính xác là lợi thế mà các công ty công nghệ có được so với những nhà cho vay truyền thống.
Sự nổi lên như vũ bão của các công ty công nghệ khiến chính quyền Trung Quốc lo sợ. Cuối tháng 12/2020, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu hạn chế hoạt động của Ant Group của Jack Ma khiến một loạt mảng kinh doanh béo bở khác đứng trước vực thẳm. Giá cổ phiếu tụt giảm hàng chục phần trăm.
Theo Bloomberg, Bắc Kinh đã yêu cầu Ant Group trở lại đúng bản chất ban đầu là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán. Quyết định này có thể sẽ đe dọa đến mảng kinh doanh hái ra tiền của Ant là cho vay tiêu dùng và quản lý tài sản.
Với Facebook và Twitter, các big tech của Mỹ có những ảnh hưởng khác với Ant của Jack Ma. Số lượng người dùng tính bằng đơn vị tỷ khiến ảnh hưởng của các tập đoàn này tới kinh tế, chính trị, văn hóa,... là rất lớn.
Sự lớn mạnh có xu hướng vượt kiểm soát của các ông lớn công nghệ Mỹ có thể dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực. Sự chỉ trích của lãnh đạo các nước gần đây (đối với Facebook và Twitter) hay những tín hiệu tẩy chay của nhiều người dùng khiến cổ phiếu của các tập đoàn này giảm mạnh, và nguy cơ sẽ giống như cú sụt giảm kinh hoàng của Ant Group.
Ngoài ra, tại Mỹ, chứng khoán được dự báo sẽ sụt giảm còn do tình hình chính trị. Trước đó, trên BusinessInsider, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Oppeneheimer John Stoltzfus cho rằng, chỉ số chứng khoán tầm rộng &P 500 có thể sụt 10% (tương đương hàng nghìn tỷ USD) nếu đảng Dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện Mỹ. Đây là điều không tốt đối với doanh nghiệp, với khả năng thuế suất doanh nghiệp có thể tăng lên đáng kể.
Sự bất ổn về thuế và chi tiêu chính phủ đã tạo ra áp lực lớn lên thị trường cổ phiếu, tình trạng này được dự báo còn kéo dài cho tới khi chính quyền ông Joe Biden đưa ra những chỉ báo rõ ràng hơn về chính sách thuế và ước chừng các khoản chi tiêu của chính quyền mới.