Cử tạ phân thân
Hàng loạt nhiệm vụ lớn của cử tạ Việt Nam trong năm 2023 đã được chỉ ra trong đó có việc giành HCV ở SEA Games 32, giành huy chương ở ASIAD 19, giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Còn những ngày này, đội tuyển đang chạy đua với thời gian để trước mắt cùng hoàn thành mục tiêu ở SEA Games 32 cũng như Giải vô địch cử tự châu Á, giải đấu tích điểm xét vé dự Olympic 2024.
Bắt buộc lựa chọn
Hiếm khi đội tuyển cử tạ Việt Nam phải đứng trước lựa chọn khó khăn về nhân sự trước một kỳ SEA Games như trước SEA Games 32 này. Bình thường, những đô cử tốt nhất sẽ được cử tham dự SEA Games, sân chơi luôn có vai trò đặc biệt quan trọng với thể thao Việt Nam. Nhưng lần này, thời gian tổ chức SEA Games 32 lại trùng với thời gian tổ chức Giải vô địch cử tạ châu Á năm 2023 – cũng là giải đấu tích điểm để xét vé tham dự Olympic 2024 cho cử tạ Việt Nam. Theo đó, giải vô địch cử tạ châu Á năm 2023 diễn ra ở Hàn Quốc từ ngày 3 đến 13-5 trong khi SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia từ ngày 5 đến 16-5.
Trước tình thế đó, Ban huấn luyện buộc phải đưa ra lựa chọn của mình, trong đó những đô cử tốt nhất vẫn sẽ tham dự Giải vô địch châu Á để phục vụ mục tiêu giành vé dự Olympic 2024. Và sâu xa hơn, nếu giành vé dự Olympic 2024 thì đội cử tạ Việt Nam mới có thể cụ thể hóa được mục tiêu giành huy chương ở Olympic 2024. Trong tính toán của Tổng cục TDTT, hiện tại chỉ 1-2 môn của thể thao Việt Nam có thể giành huy chương ở đấu trường Olympic trong đó có cử tạ. Và trước khi nghĩ tới mục tiêu này thì ưu tiên vẫn phải là giành vé tham dự Olympic 2024. Không kể, vào năm ngoái, đội tuyển cử tạ Việt Nam đã không dự Giải vô địch cử tạ thế giới, dẫn đến mất một cơ hội đáng kể để tích lũy điểm xét vé dự Olympic 2024.
Như thế để thấy việc Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam đăng ký chỉ tiêu giành 1-2 HCV ở SEA Games 32 là hoàn toàn có cơ sở. Trước đó, ngay tại SEA Games 31 trên sân nhà, dù có lực lượng tốt nhất nhưng đội tuyển cử tạ Việt Nam chỉ có thể giành được 3 HCV. Đó là thành tích đáng khích lệ khi sân chơi SEA Games luôn thu hút nhiều đô cử hàng đầu thế giới, trong đó có các đô cử từ Thái Lan, Indonesia, Philippines. Ngay như ở SEA Games 31, nhà vô địch cử tạ hạng 55kg nữ tại Olympic 2020 Hidilyn Diaz (Philippines) cũng đã góp mặt và tỏ ra vô đối.
Còn ở SEA Games 32, với việc cử nhiều đô cử trẻ, trong đó có những người sẽ lần đầu dự SEA Games, cử tạ Việt Nam đã chấp nhận đưa mục tiêu SEA Games xếp sau mục tiêu Olympic. Đó là sự lựa chọn bắt buộc, không thể khác và phù hợp với định hướng chung của ngành Thể thao. Nhìn rộng ra, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đưa ra lựa chọn tương tự, trong đó nhà vô địch Olympic 2020 Hidilyn Diaz cũng tuyên bố sẽ không dự SEA Games 32 để tập trung thi đấu tại Giải vô địch châu Á ở Hàn Quốc.
Sẵn sàng nhưng vẫn cần trợ lực
Có đến những buổi tập luyện của đội tuyển cử tạ quốc gia, người ta sẽ dễ dàng cảm nhận bầu không khí tập luyện tích cực, đầy “lửa” của thầy trò nơi đây. Ở đó, đội tuyển có sự trở lại của đô cử Trịnh Văn Vinh, Á quân ASIAD 2018, người vừa kết thúc thời gian cấm thi đấu sau khi mẫu thử chất cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao cho kết quả dương tính vào 4 năm trước. Trở lại sau thời gian dài không thi đấu, Trịnh Văn Vinh dè dặt hơn khi tiếp xúc người ngoài đội dù thái độ tập luyện vẫn nghiêm túc như mọi khi. Đô cử này kể rằng, sau quãng thời gian nghỉ thi đấu, nay được trở lại tập luyện, thi đấu chính thức nên rất muốn có cơ hội khẳng định khả năng.
Còn HLV trưởng đội tuyển cử tạ Việt Nam Lưu Văn Thắng cũng kể, các VĐV trong đội, kể cả nhóm tập ở Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh đều đang chạy đua với thời gian, nỗ lực từng phút để được cống hiến cho thể thao Việt Nam. Điều đáng tiếc vẫn nằm ở việc lịch thi đấu của SEA Games 32 cũng như Giải vô địch châu Á trùng nhau dẫn đến đội tuyển phải phân thân. Thực tế, với lịch thi đấu của hai sự kiện trên thì VĐV vẫn có thể dự cả hai giải đấu. Tuy nhiên, về khía cạnh chuyên môn thì thực sự bất khả thi vì VĐV không kịp hồi phục, dễ bị chấn thương.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đội tuyển cử tạ cũng như nhiều đội tuyển khác không thể có bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu chuyên trách. Đó là khó khăn muôn thuở của thể thao Việt Nam nên kể cả khi VĐV được tăng chế độ ăn trong thời gian nước rút chuẩn bị cho SEA Games 32 lên mức 480.000 đồng/ngày thì người trong cuộc vẫn mong muốn nhiều hơn. Với các nền thể thao khác, đó là câu chuyện bình thường, đặc biệt trong sự đầu tư cho các VĐV trọng điểm. Nhưng với thể thao Việt Nam nói chung, đội cử tạ nói riêng, đó vẫn là sự xa xỉ. Tất cả đều biết cái khó của ngành khi không thể thu hút những bác sĩ thể thao, chuyên gia vật lý trị liệu giỏi với mức lương chưa đầy chục triệu/ tháng nhằm phục vụ tốt hơn cho các đội tuyển. Thế nên, như bao năm nay, họ vẫn chấp nhận và cầu trời không bị chấn thương.
Tuy nhiên, ở mảng khác là tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho cả hai sự kiện thể thao trên thì đang có những tín hiệu tích cực. Ông Lưu Văn Thắng cho hay rằng đội dự kiến đi tập huấn tại Nam Ninh (Trung Quốc) trong khoảng 40-45 ngày. Đó là quãng thời gian vừa đủ để đội hoàn thành các mục tiêu chuyên môn, còn VĐV hoàn toàn tập trung vào tập luyện. Quan trọng vẫn ở khâu thực hiện các thủ tục để đội có thể đi tập huấn nước ngoài đúng như dự kiến.
Sự sẵn sàng, quyết tâm là có thừa ở các đô cử Việt Nam cho hai sự kiện trước mắt là SEA Games 32 và Giải vô địch cử tạ châu Á năm 2023. Nhưng rõ ràng họ vẫn cần trợ lực để thực hiện trọn vẹn mục tiêu.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/cu-ta-phan-than-i685949/