Cụ thể hóa các chương trình, đề án giúp thanh niên lập nghiệp
Ngày 30/3, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị công bố Quyết định ban hành chương trình phát triển thanh niên TPHCM giai đoạn 2023 – 2030 và Quy chế phối hợp công tác của Ủy ban nhân dân TPHCM và Ban Chấp hành Thành Đoàn TPHCM.
Đề xuất nâng Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lên 300 tỷ đồng
Anh Bùi Hữu Hồng Hải - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TPHCM cho biết, Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp được thành lập năm 2006 do Hội LHTN Việt Nam TPHCM làm cơ quan chủ quản với số vốn ban đầu là 1 tỷ đồng. Năm 2011 nguồn quỹ được nâng lên quy mô 30 tỷ đồng và năm 2016 nguồn quỹ được nâng lên quy mô 100 tỷ đồng.
Anh Hải cũng cho biết, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là nguồn quỹ đi đầu cả nước hỗ trợ vốn vay dành riêng cho đối tượng thanh niên khởi nghiệp. Kể từ năm 2016 quỹ đã phát vay cho 676 dự án với tổng số tiền quay vòng hơn 230 tỷ đồng. Nếu xét tổng thể về lĩnh vực kinh doanh, các dự án vay vốn từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với 256 dự án. “Nguồn quỹ này đã cho thấy sự đột phá trong chính sách của TPHCM trong việc chăm lo đối tượng thanh niên thành phố, góp phần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ và tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực", anh Hải nói.
Mỗi dự án khởi nghiệp làm kinh tế của thanh niên thành phố đã góp phần tạo ra 4-5 việc làm mới, với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/tháng, góp phần giảm bớt gánh nặng việc làm cho thanh niên địa phương. Mặt khác thông qua nguồn quỹ này, Hội LHTN Việt Nam TPHCM đã giúp nhiều đối tượng thanh niên là bộ đội xuất ngũ, người hoàn lương, người khuyết tật có thể vươn lên làm giàu chân chính.
Từ kết quả khảo sát thanh niên có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp của TPHCM gần đây, Hội LHTN Việt Nam TPHCM đã đề xuất UBND TPHCM có cơ chế nâng vốn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lên 300 tỷ đồng đến năm 2030, trong đó giai đoạn 2023-2027 cần nâng quy mô lên 200 tỷ đồng.
Nói về những vấn đề khó khăn trong vấn đề thanh niên khởi nghiệp, Bí thư Huyện Đoàn Nhà Bè Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, hiện tại huyện Nhà Bè và một số huyện quy hoạch theo hướng đô thị, không có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, lâu dài nên khó liên kết và mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp truyền thống thu hẹp, nhưng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ, chưa tạo được liên kết chặt chẽ trong việc cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc sắc của địa phương để tham gia vào chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị).
Từ đó, chị Hằng đề nghị chính quyền thành phố quan tâm, nhanh chóng xây dựng và triển khai, cụ thể hóa Đề án hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm nông - lâm - ngư (OCOP). Đồng thời, cần tạo thêm cơ chế, vận dụng các quy định một cách linh hoạt để thực hiện các chính sách khuyến khích thanh niên tham gia chương trình; hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm OCOP do thanh niên làm chủ sở hữu để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với từng ngành nghề trên chính quê hương mình, lợi thế của từng địa phương; góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thanh niên TPHCM trong thời gian tới.
Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện còn chung chung
Ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, chính quyền và các ngành chức năng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về thanh niên, Chương trình phát triển thanh niên, về vai trò của đoàn thanh niên tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Hoan quá trình triển khai thực hiện, Thành phố cũng gặp không ít khó khăn như một số đơn vị đề ra chương trình hành động, kế hoạch thực hiện còn chung chung, chưa cụ thể; việc theo dõi, kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện nhằm điều chỉnh, bổ sung các giải pháp thực hiện chưa kịp thời, thường xuyên; chưa tạo cơ chế hoạt động cho đoàn viên, thanh niên phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên.
"Đặc biệt, hiện nay cơ sở dữ liệu về thanh niên Thành phố chưa có, vì vậy các cơ quan, ban ngành thường gặp khó khăn trong việc quản lý, thống kê các chỉ số phát triển thanh niên ở ngành, lĩnh vực phụ trách cũng như chưa thể định hình các đối tượng thanh niên theo giới tính, độ tuổi để thuận tiện trong công tác tham mưu cơ chế, chính sách", ông Hoan nhìn nhận.
Từ đó, ông Hoan lưu ý, phải thực hiện việc thống kê về thanh niên thành phố trên cơ sở Bộ chỉ số phát triển thanh niên Việt Nam; ban hành các văn bản để hướng dẫn tiếp nối triển khai các chương trình, đề án, dự án và đặc biệt là hướng dẫn quản lý nhà nước về thanh niên; rà soát và ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhằm góp phần phát triển thanh niên Thành phố trong thời gian tới; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển thanh niên Thành phố giai đoạn 2023 – 2030.
Nói về việc cần nâng cao nguồn vốn đối với Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM, ông Hoan cho rằng UBND thành phố sẽ ủng hộ nhưng phải dựa theo kế hoạch chi tiết, cụ thể và khả thi theo từng giai đoạn mà Thành Đoàn TPHCM lập ra, có như vậy mới phát huy tốt vai trò của thanh niên trong vấn đề lập thân, lập nghiệp nói chung và vấn đề khởi nghiệp nói riêng hiện nay.