Cụ thể hóa các nhiệm vụ sát với sự phát triển của Ninh Bình

Chiều 19/7, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến vào nội dung Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thế Quảng.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thế Quảng.

Tham dự cuộc làm việc có ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình cùng lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết, nhiệm kỳ qua MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập hợp, đoàn kết các lực lượng, tăng cường đồng thuận xã hội. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cộng đồng. Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng chính quyền được quan tâm; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; Tổ chức bộ máy của Mặt trận và các tổ chức thành viên được củng cố, kiện toàn, đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo không ngừng được củng cố và phát huy, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh; hoàn thành vượt mức 7/7 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội nhằm tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ ý chí và khát vọng xây dựng Ninh Bình ngày càng phát triển, đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại hội đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Trong nhiệm kỳ, MTTQ cấp tỉnh, huyện xây dựng từ 2-3 mô hình “Dân vận khéo”; mỗi đơn vị cấp xã có từ 1-2 mô hình Nhân dân tự quản về bảo vệ môi trường, giao thông nông thôn, tuyến phố văn minh, an ninh trật tự, an toàn giao thông, khuyến học, khuyến tài.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình trình bày báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Thế Quảng.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình trình bày báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Thế Quảng.

Hằng năm, cấp tỉnh chủ trì tổ chức từ 3 cuộc giám sát trở lên; 1 hội nghị đối thoại trực tiếp với cán bộ MTTQ cơ sở; cấp huyện chủ trì tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát; 1 hội nghị đối thoại; cấp xã chủ trì tổ chức ít nhất 1 cuộc giám sát. MTTQ các cấp tổ chức hội nghị góp ý, phản biện xã hội khi các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản đề nghị, đồng thời, căn cứ tình hình thực tế, lựa chọn nội dung và hình thức phản biện xã hội phù hợp…

Đại hội cũng đề ra 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ: Tiếp tục nâng cao chất lượng ngày càng thực chất và hiệu quả công giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp, trong đó, chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên; tham gia ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, nhất là những dự thảo có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, văn hóa ứng xử trong các hoạt động du lịch với ý nghĩa: “Ninh Bình - Điểm đến thân thiện, đô thị Di sản thiên niên kỷ”; Đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống MTTQ các cấp.

Về công tác nhân sự tại Đại hội, dự kiến số lượng tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình khóa XII là 85 vị với cơ cấu, thành phần cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực: Tôn giáo chiếm tỷ lệ 31,76%; dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 2,35%; người ngoài Đảng chiếm tỷ lệ 29,41%; tỷ lệ về nữ chiếm 23,52%. Dự kiến số lượng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là 9 vị với cơ cấu, thành phần theo đúng văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Điều lệ MTTQ Việt Nam.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thế Quảng.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thế Quảng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2024-2029; đồng thời đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tỉnh đối với các nội dung liên quan đến công tác tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam cấp tỉnh.

Từ những ý kiến thảo luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, chương trình tại Đại hội cần bố trí hợp lý, đảm bảo thời gian, thời lượng của tiến trình tổ chức Đại hội; Bổ sung phần phát biểu của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Khẳng định dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá được ưu điểm, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ; xác định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá, chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 - 2029 và đề ra khâu đột phá phù hợp, có trọng tâm, gắn thế mạnh của địa phương, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cần bổ sung thêm cơ cấu, số lượng, tỷ lệ các tầng lớp nhân dân, những khó khăn, mong muốn, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân trong nhiệm kỳ tới; đồng thời cần cụ thể hóa các nhiệm vụ sát với sự phát triển của Ninh Bình thông qua việc vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội,.. để góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững, là điểm đến thân thiện, đô thị di sản thiên niên kỷ.

Cùng với đó, MTTQ tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục phát huy tối đa các hình thức tuyên truyền trước, trong, sau đại hội để tạo động lực, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong xã hội, để đại hội thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Với sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà tin tưởng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ thành công tốt đẹp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân.

Trân trọng ý kiến góp ý của lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình tiếp thu, hoàn thiện để trình Đại hội; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để công tác Mặt trận của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ 2024-2029.

Tiến Đạt

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cu-the-hoa-cac-nhiem-vu-sat-voi-su-phat-trien-cua-ninh-binh-10286054.html