Cụ thể hóa trách nhiệm, tránh đánh giá chung chung

Tại phiên thảo luận sáng nay về kết quả giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần rà soát lại phần đánh giá về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, để cụ thể hóa trách nhiệm, tránh đánh giá trùng lặp, chung chung.

Quan trọng là khơi dậy ý thức muốn thoát nghèo của người dân

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước (có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Đây cũng là một nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong thảo luận tại hội trường.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về giảm nghèo cao hơn so với các giai đoạn trước, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững nhưng địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào các “lõi nghèo” khó khăn nhất của cả nước. Do vậy, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường, sáng 30.10. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường, sáng 30.10. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, cần đánh giá đúng thực trạng việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa, vì nhiều địa phương cũng vì chỉ tiêu phấn đấu theo nghị quyết, theo kế hoạch hàng năm… nên đã vận động, thậm chí có nhiều cách làm với mục tiêu là giảm được số lượng trong khi chất lượng giảm nghèo và hộ thoát nghèo một cách bền vững chưa được đánh giá thực chất.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu thoát nghèo bền vững, ĐB Trần Quang Minh cho rằng, cần phát huy kênh bảo trợ xã hội với những hỗ trợ căn bản nhất để đưa những người nghèo không có khả năng thoát nghèo vào diện này. Vì cứ để trong đối tượng hộ nghèo sẽ làm khó trong quá trình thực thi, thậm chí xảy ra tình trạng miễn cưỡng, hình thức khi xét ra khỏi hộ nghèo trong khi thực sự chưa thoát được nghèo chứ chưa nói đến thoát nghèo một cách bền vững. Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vì khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại mới thực sự bền vững và lâu dài.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) phát biểu tại hội trường, sáng 30.10. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) phát biểu tại hội trường, sáng 30.10. Ảnh: Quang Khánh

Cùng quan điểm này, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể chính có ý thức vươn lên. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Do đó, ĐB Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.

Hết chương trình, hết dự án thì có “nghèo lại hoàn nghèo”?

Tranh luận về nguyên nhân khiến người dân chưa muốn thoát nghèo. ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, nguyên nhân căn cơ của tình trạng này là do cách làm và chất lượng của các Chương trình chưa có tính bền vững cao trong cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì liệu có “nghèo lại hoàn nghèo”?

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường, sáng 30.10. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường, sáng 30.10. Ảnh: Quang Khánh

“Điều mà chúng ta cần quan tâm là cách làm và chất lượng của chương trình giảm nghèo bền vững nói riêng, cũng như cả trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình phải mang tính bền vững cao thì lúc bấy giờ tự người dân sẽ nhận thức được và không ai muốn quay lại nghèo. Đây mới là giải pháp căn cơ”, ĐB Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhất trí với việc Đoàn giám sát chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hạn chế của Chương trình gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, đánh giá của Đoàn giám sát vẫn có lúc còn chung chung khi chỉ ra trách nhiệm và những hạn chế tương đối giống nhau giữa Chính phủ và các bộ, ngành. Do đó, đại biểu đề nghị, rà soát lại phần đánh giá để chỉnh sửa, bổ sung sao cho cụ thể hóa trách nhiệm và tránh trùng lặp, chung chung.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại hội trường, sáng 30.10. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại hội trường, sáng 30.10. Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thời gian tới cần đặc biệt quan tâm hơn tới việc hoàn thiện cơ chế chính sách bởi hiện nay đang có quá nhiều điểm nghẽn về chính sách do không phù hợp thực tiễn, không thể triển khai được, thậm chí có những chính sách xung đột với nhau về quy định giữa bộ này với bộ khác mà trong báo cáo kết quả giám sát đã nêu rất chi tiết. “Nếu không tháo gỡ ngay thì sẽ không thể tiến hành tiếp Chương trình và các giải pháp còn lại cũng không thể phát huy hiệu quả”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/cu-the-hoa-trach-nhiem-tranh-danh-gia-chung-chung-i348063/