Cử tri An Giang: Sách giáo khoa không được tái sử dụng, lãng phí rất lớn

Cử tri thành phố Long Xuyên (An Giang) kiến nghị phải thực hiện một chương trình giáo dục và một bộ sách giáo khoa, vừa tạo sự thống nhất, đồng bộ trong giáo dục, vừa tiết kiệm nguồn lực xã hội, tiền bạc cho người dân…

Ngày 28/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tiếp xúc cử tri trên địa bàn thành phố Long Xuyên (An Giang) trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, bà con cử tri các phường: Mỹ Xuyên, Mỹ Long, Mỹ Bình, Mỹ Hòa (thành phố Long Xuyên) kiến nghị nhiều vấn đề.

Cử tri Nguyễn Thị Hậu (phường Mỹ Long) kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư cần có những giải pháp cấp bách và lâu dài, mang tính căn cơ để phòng, chống sạt lở. Cùng với đó, cần quản lý chặt việc cấp phép xây dựng, tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: PV.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: PV.

Cử tri Hậu cũng nêu, vấn đề đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018 đến nay bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp và gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Bà Hậu đề nghị, Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông; nhất thiết phải thực hiện một chương trình giáo dục và một bộ sách giáo khoa, vừa tạo sự thống nhất, đồng bộ trong giáo dục, vừa tiết kiệm nguồn lực xã hội, tiền bạc cho người dân…

Cử tri Lê Văn Ấm (phường Mỹ Xuyên) cho rằng, việc đổi mới giáo dục bước đầu đã mang lại một số kết quả nhất định. Chất lượng giáo dục phổ thông đã được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng, giảm áp lực thành tích. Tuy nhiên, chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách" khiến sách giáo khoa không được tái sử dụng, hàng chục nghìn cuốn dùng một năm rồi bỏ là sự lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn.

Trao đổi tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, vấn đề liên quan đến giáo dục được cử tri đặc biệt quan tâm và đã kiến nghị rất nhiều lần với Quốc hội.

Cử tri nêu kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: PV.

Cử tri nêu kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: PV.

Trong các diễn đàn của Quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, vấn đề đổi mới giáo dục. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang ghi nhận và sẽ có những kiến nghị ở từng diễn đàn phù hợp, hướng tới mục tiêu làm tốt nhất công tác đổi mới giáo dục, đào tạo, đáp ứng được yêu cầu cũng như tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, cử tri và phụ huynh học sinh.

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, giáo dục, đào tạo hiện đang còn nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang sẽ tiếp tục theo dõi công tác đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ.

Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành năm 2014. Trong đó có 2 điểm mới: triển khai theo hướng 1 chương trình nhiều SGK; khuyến khích xã hội hóa (không dùng ngân sách nhà nước) trong việc biên soạn SGK.

Nghị quyết 88 cũng nêu rõ: “Để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

An Bình

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-tri-an-giang-sach-giao-khoa-khong-duoc-tai-su-dung-lang-phi-rat-lon-post1573285.tpo