Cử tri băn khoăn vấn đề đất đai của hàng loạt dự án trên địa bàn Hà Tĩnh
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Hà Tĩnh, liên quan đến vấn đề đất đai của các dự án lớn trên địa bàn tỉnh này, cử tri và Nhân dân đã kiến nghị nhiều lần, hoặc đã được trả lời tại các phiên chất vấn, nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm.
Vụ việc tồn đọng được xử lý dứt điểm thấp
Ngày 13/7, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Anh Đức đã có báo cáo kết quả nắm tình hình, giám sát, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri đến kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 18, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, cử tri và Nhân dân phấn khởi trước những thành quả kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, theo MTTQ Hà Tĩnh, cử tri và Nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng nhiều vấn đề. Cụ thể, kết quả hoạt động của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; nguy cơ thiếu điện trong mùa nắng nóng; tình trạng nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, một số sản phẩm sản xuất ra khó khăn trong tiêu thụ, nhất là sản phẩm nông nghiệp.
Đội ngũ giáo viên cấp tiểu học, mầm non và giáo viên dạy các môn tích hợp THCS, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật THPT còn thiếu; cơ sở vật chất trường học, nhất là khối THPT tuy đã được tập trung đầu tư nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; an toàn trường học cần được tiếp tục quan tâm; đấu thầu trang thiết bị, thuốc chữa bệnh chậm dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, hóa chất trong khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Đặc biệt, số vụ việc tồn đọng được xử lý dứt điểm còn thấp (chỉ có 3/25 nội dung được xử lý và có phương án xử lý, đạt 12%).
Tình hình trật tự, an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những phức tạp; các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, một số vụ việc có yếu tố nước ngoài, thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu “xã hội đen”, giả danh cơ quan chức năng hoạt động trên không gian mạng một cách tinh vi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Người dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam vẫn còn tâm tư, lo lắng như công tác phê duyệt quy hoạch tái định cư và triển khai quá chậm.
Cử tri băn khoăn nhiều vấn đề nổi cộm
6 tháng đầu năm, MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh đã chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan có liên quan triển khai các hoạt động giám sát trên nhiều lĩnh vực mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Qua đó góp phần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo; cải cách hành chính...
MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) với đa dạng hình thức, đối tượng sâu rộng, đã tổ chức 295 hội nghị, 1764 cuộc sinh hoạt ở địa bàn khu dân cư, với 11.928 lượt ý kiến của Nhân dân. Góp ý, phản biện bằng văn bản đối với một số dự thảo Nghị quyết chuẩn bị trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này.
Thông qua việc nắm tình hình Nhân dân, hoạt động giám sát và các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận và tổng hợp gần 180 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp.
Theo đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh tập trung rà soát và có phương án xử lý dứt điểm đối với các nội dung mà cử tri, Nhân dân đã kiến nghị nhiều lần, hoặc đã được trả lời tại các phiên chất vấn, nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm.
Cụ thể như các vấn đề tồn đọng đất đai liên quan đến Trại Hươu giống Hương Sơn; việc ban hành quyết định giao đất và xác định giá đất đối với Dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu; diện tích đất Công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh từ năm 2002 đến nay không hoạt động; đất Kho dự trữ lương thực; đất Ban chỉ huy quân sự huyện tại thị trấn Đức Thọ.
Đất của trường dạy nghề cũ, Hội Đông y tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ bỏ hoang, chậm thu hồi; các khu đất bỏ hoang trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, gây lãng phí; có giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách tái định cư theo Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Bên cạnh đó, một số dự án như: “Dự án Thành phố giáo dục quốc tế” chậm tiến độ; Dự án khu nhà ở chức năng D’Metropole Hà Tĩnh của tập đoàn Tân Hoàng Minh đang tạm dừng; Dự án Bệnh viện đa khoa Ngọc Linh tại xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh).
Đất đã thu hồi Công ty rau quả của Công ty khoáng sản thương mại Hà Tĩnh tại TDP 8, thị trấn Đức Thọ (đã thu hồi 21 năm nhưng hiện nay đang bỏ hoang). Dự án của Công ty sắt Vũ Quang (xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang) đã dừng hoạt động từ 2018, nhà máy và các kho chứa quặng bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng gây mất mỹ quan, môi trường.
Dự án Điện Năng lượng mặt trời tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn do Công ty TNHH GA Power Solar Park Hương Sơn làm chủ đầu tư và nhiều dự án khác trên địa bàn chậm triển khai xây dựng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống dân sinh cũng như làm mất mỹ quan, cảnh quan đô thị.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây khó khăn cho bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh, nhất là những bệnh phải cấp cứu kịp thời cũng được cử tri kiến nghị, lo lắng.
Việc thiếu thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã kéo dài khá lâu nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục. Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại một số địa phương do một số dự án nước sạch chậm tiến độ; một số công trình xử lý nước sạch kém hiệu quả, ngừng hoạt động.
Cử tri Hà Tĩnh cũng đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu, sớm ban hành Nghị quyết mới để tổ chức thực hiện Nghị định 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ và thay thế Nghị quyết số 258/2020/NQ-HĐND theo hướng điều chỉnh tăng thu nhập cho nhóm thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố.
Theo MTTQ Hà Tĩnh, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện cấp đủ kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân theo Nghị định số 159 của Chính phủ và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo Nghị định số 29/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay việc cấp kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng chưa thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh và nhiều nơi chưa cấp đủ theo đúng quy định nên ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả hoạt động của 2 Ban.
Không những vậy, MTTQ Hà Tĩnh còn tiếp nhận kiến nghị của cử tri về việc đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy chế, tăng cường các biện pháp giáo dục để tránh, và sớm giảm tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ, giải quyết công việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.