Cử tri Bình Tân: Mong hết nhiệm kỳ, đại biểu đừng mắc nợ dân
Cử tri quận Bình Tân, TP.HCM gửi gắm các ứng cử viên đại biểu Quốc hội nếu trúng cử thì cần làm đúng như những gì đã nói hôm nay.
Sáng 10-5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị 6 đã có buổi tiếp xúc với cử tri phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM.
Các ứng cử viên đơn vị 6 gồm ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM, bà Nguyễn Thị Minh Hồng, Bí thư Đảng ủy trường Đại học Sư phạm TP; bà Lê Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ GTVT; ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP; ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM.
Mong đại biểu đừng để mắc nợ dân
Tại hội nghị, các cử tri đã bày tỏ kỳ vọng, gửi gắm nguyện vọng đến các ứng cử viên, mong các ứng cử viên khi trúng cử sẽ thực hiện đúng những điều đã hứa trong chương trình hành động.
Cử tri Trương Hữu Phước nêu ý kiến: “Đối với những gì các ứng cử viên đã nói, mong các đồng chí nói thì thực hiện đúng, chỉ cần làm đúng một trong bốn, năm điểm các đồng chí nói thôi, không cần nhiều lắm”.
Cử tri Bùi Duy Hoàng mong các ứng cử viên quan tâm đến công tác phòng chống dịch COVID-19, cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ chống ngập úng, thu gom và xử lý rác, lãng phí đất công…. Ông mong ứng cử viên tiếp xúc gần với cơ sở, giải quyết các vấn đề của dân.
Cử tri Hoàng mong muốn có trường đại học trên địa bàn quận Bình Tân vì hiện nay con em của quận phải học đại học ở rất xa.
Theo cử tri Hoàng, trong bối cảnh TP đang thiếu quỹ đất trầm trọng để phát triển các công trình phục vụ xã hội thì ở quận Bình Tân có nhiều khu đất công bỏ hoang. Chẳng hạn có nhiều khu đất do các đơn vị trực thuộc Trung ương quản lý nhưng bỏ trống hoặc cho thuê lại. Trong khi đó, quận đang thiếu đất để xây dựng trường học, bệnh viện; người dân thiếu đất xây dựng nhà ở, tái định cư. “Như vậy là rất lãng phí” – ông Hoàng nói.
Cử tri Phạm Văn Tranh đề nghị các ứng cử viên khi trúng cử sẽ tiếp xúc cử tri thường xuyên hơn. Khi nhận thông tin phản ánh từ phía người dân trên mọi lĩnh vực thì phải ghi nhớ, phản ánh và trả lời cho dân. “Làm được thì trả lời cho dân biết, làm không được cũng trả lời cho dân lý do, như vậy dân mới thích, mới tin tưởng. Chứ ý kiến của dân mà qua hai, ba nhiệm kỳ vẫn không trả lời cho dân thì rất buồn” – cử tri Tranh nói.
Ông nhấn mạnh: “Kỳ này nếu đại biểu nào trúng cử thì mong khi hết nhiệm kỳ đừng để mắc nợ dân”.
Còn cử tri Trần Hưng Liêm đề nghị cần có biện pháp răn đe, xử lý mạnh tay các tội phạm về ma túy, cướp giật, xâm phạm phụ nữ, lạm dụng trẻ em.
“Nếu không có biện pháp mạnh mẽ thì tội phạm cứ diễn ra hàng ngày, làm người dân cảm giác bất an không an tâm. Như vậy tiêu chí TP.HCM là TP đáng sống, văn minh sẽ khó thực hiện được” – ông Liêm nói.
Mỗi ứng cử viên chỉ cần làm tốt một điều hứa là quý rồi
Thay mặt các ứng cử viên, ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bày tỏ xúc động khi lắng nghe các ý kiến sâu sắc của bà con, được bà con đánh giá xứng đáng trúng cử.
Ông nhìn nhận: “Các cử tri đều gửi gắm các ứng cử viên khi trúng cử rằng hứa là phải làm. Mỗi người có ba, bốn đề xuất nhưng bà con nói hãy làm cho tốt, ít nhất là một điểm tốt là quý rồi”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đồng thuận với gửi gắm của cử tri về việc đại biểu Quốc hội phải trả lời các ý kiến của cử tri. Theo ông, việc này Đoàn đại biểu Quốc hội TP làm khá tốt. Cụ thể Đoàn đại biểu Quốc hội TP có hệ thống ghi nhận ý kiến gửi cơ quan trả lời và nhắc nhở nếu các cơ quan trả lời chậm. Sau này sẽ kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát này.
“30 đại biểu Quốc hội ở TP.HCM nên chia thành nhóm vấn đề. Có những đại biểu chuyên theo nhóm vấn đề đó từ đầu tới cuối khóa luôn. Nếu cử tri phản ánh môi trường thì đồng chí này phải biết, phản ánh giao thông thì đồng chí kia phải biết, theo dõi và trả lời trên địa bàn cấp TP. Sau đó, đại biểu ứng cử quận nào thì liên hệ để biết vấn đề đó ở quận mình tới đâu. Như vậy đại biểu theo dõi theo lĩnh vực và theo địa bàn” – ông Nhân nêu.
Ông cho biết sẽ tiếp tục theo dõi các ý kiến của cử tri về môi trường, chống chập, xử lý rác làm sao không chôn, không lãng phí đất. Ông cũng tâm đắc với việc cử tri nói ‘đừng chỉ lo xe buýt lớn mà xe nhỏ cũng phải có’ và thông tin TP đang có kế hoạch sử dụng xe Hàn Quốc chạy điện quy mô nhỏ.
Về vấn đề đất công, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định có bốn loại lãng phí. Một là, doanh nghiệp nhà nước có đất nhưng không làm đúng mục đích của mình, để trống… “Việc này TP đã có kiểm kê, sắp tới sẽ có xử lý” – ông nói.
Hai là, đất giao dự án rồi nhưng 5-10 năm không làm thì lãng phí, phải thu hồi. Ba là, một số cơ quan Trung ương có tài sản nhà đất nhưng không dùng, cho thuê là lãng phí.
Bốn là, đất có mục đích chính đáng là chôn rác nhưng không phù hợp về mặt kỹ thuật nữa nên phải có định hướng tổ chức đấu thầu, chọn công ty xử lý. Sau đó, toàn bộ số rác đó sẽ được quy hoạch lại làm công viên, trường học, cơ sở nhà nước,….
“Làm sao đến năm 2025, 80% rác ở TP không cần chôn mà chỉ đốt, tái sinh thôi” – ông nhấn mạnh và cho biết sẽ ghi nhớ các phát biểu của bà con, nếu được trúng cử phải làm đúng như lời đã hứa.
Giám sát công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền
Trình bày chương trình hành động trước cử tri quận Bình Tân, ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cho biết sẽ tập trung tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới, tăng cường kiểm tra, giám sát, chú trọng các địa bàn, lĩnh vực, đơn vị dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, nhất là tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Ông cũng sẽ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm để góp phần làm trong sạch bộ máy, xây dựng bộ máy liêm chính phục vụ tốt người dân và xây dựng TP phát triển, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Thúc đẩy các dự án ở quận Bình Tân
Ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, khẳng định với trách nhiệm Chánh Văn phòng UBND TP, ông sẽ cùng lãnh đạo UBND quận Bình Tân, các sở, ngành kiến nghị UBND TP, bộ, ngành tập trung giải quyết các đề án, chương trình trọng tâm của quận trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Cụ thể là Dự án khu trung tâm dân cư tân tạo, dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, đầu tư hai trạm ép rác kín công nghệ cao; xây dựng mới 700-1.000 phòng học trên địa bàn; xây dựng mới trung tâm hành chính; các dự án giao thông quan trọng gồm đường Vành Đai Trong, An Dương Vương, Phan Anh, Bình Long, Hương Lộ 3, Vành đai 2,…; dự án kênh Tham lương - Bến Cát – Rạch Nước Lên để chống ngập 80% diện tích cho quận Bình Tân.