Cử tri đánh giá cao quyết sách về thích ứng an toàn với dịch Covid-19

Sáng 20-10, tiếp tục chương trình phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo.

Cần kịp thời ban hành chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân rất vui mừng về thành công của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra các quyết sách rất quan trọng về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quyết sách về phòng, chống, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở các địa phương. Bên cạnh kết quả to lớn đã đạt được, cử tri và nhân dân cho rằng công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập, như có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, thiếu đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất. Việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó có một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Một số nơi còn xảy ra tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân...

Cử tri và nhân dân còn lo lắng khi GDP 9 tháng năm 2021 không đạt kế hoạch; việc giải ngân vốn đầu tư công chậm; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng năm 2021 đạt thấp so với Nghị quyết của Quốc hội.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 5 kiến nghị gửi đến Quốc hội. Trong đó, cần giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc xin, nhất là vắc xin tiêm cho người dưới 18 tuổi; tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch. Đồng thời cần kịp thời ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế; tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, bảo đảm cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển...

Toàn cảnh phiên họp.

Cử tri và nhân dân cũng đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các thủ tục hành chính để sớm triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

100% kiến nghị của cử tri được trả lời

Trình bày dự thảo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 807 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Tài nguyên, môi trường (90 kiến nghị); chính sách đối với người có công, lao động, việc làm, an sinh xã hội (80 kiến nghị); nông nghiệp, nông dân, nông thôn (58 kiến nghị); tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ, công chức (55 kiến nghị); giao thông, vận tải (53 kiến nghị); giáo dục và đào tạo (45 kiến nghị)... “Đến nay 807/807 kiến nghị đã được trả lời, đạt 100%”, đồng chí Dương Thanh Bình nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành trung ương chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị. Việc phối hợp giữa một số bộ còn chưa chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên còn có quy định không thống nhất, chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm xây dựng, trình ban hành văn bản hướng dẫn; một số kiến nghị cử tri phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh kịp thời, mặc dù đã được Bộ trả lời tiếp thu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”, đồng chí Dương Thanh Bình kiến nghị.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1015104/cu-tri-danh-gia-cao-quyet-sach-ve-thich-ung-an-toan-voi-dich-covid-19