Cử tri đặt dấu hỏi về 'lợi ích nhóm' trong giá sách giáo khoa
'Cử tri và nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu 'lợi ích nhóm'; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường…'. Đây là một trong những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước phản ánh tới Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đã được tổng hợp gửi tới Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Sáng 14/10, tại Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2020.
Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp gửi tới Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp. Các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường; việc lạm thu đầu năm học vẫn tồn tại. Ngành giáo dục cần có hướng dẫn thống nhất danh mục sách giáo khoa chính thức, nhất là bộ sách giáo khoa lớp 1, chỉ đạo và kiểm tra việc quản lý, sử dụng sách tham khảo; có giải pháp kiên quyết hơn với việc lạm thu đầu năm học. Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi, cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để ngăn chặn.
Phát biểu góp ý vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Liên quan đến bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có nhiều “sạn” gây dư luận bức xúc trong những ngày qua; đặc biệt tại buổi tiếp xúc cử tri của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hải Phòng ngày 13/10, cử tri và nhân dân Hải Phòng cũng đã đặt câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định bộ sách giáo khoa này có nhiều lỗi về văn phạm, câu chữ.
“Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cần sớm vào cuộc để tìm hiểu thẩm tra về vấn đề này được dư luận, cử tri và nhân dân nêu”, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Cùng nêu ý kiến này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết: Về bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 có nhiều lỗi khiến người dân rất bức xúc. Dư luận cũng đặt câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định bộ sách giáo khoa này ra sao, có chặt chẽ không mà để xảy ra nhiều lỗi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Khi biên soạn sách giáo khoa làm sao để trẻ em cả 3 miền Bắc – Trung - Nam đều có thể hiểu được. Câu từ, cách gọi một sự vật, hiện tượng ở mỗi địa phương khác nhau nhưng tựu chung lại khi đưa vào sách giáo khoa phải để trẻ em ở 3 miền vẫn hiểu được.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, ngày mai (15/10) Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ có báo cáo gửi tới Thường vụ Quốc hội về vấn đề của giáo dục – đào tạo, đặc biệt là những vấn đề mà dư luận đang quan tâm về bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều.
Ông Phan Thanh Bình cho rằng, cần có đánh giá cơ sở vật chất, vấn đề sách giáo khoa như thế nào? Đội ngũ giáo viên giảng dạy ra sao, chương trình sách giáo khoa mới có đáp ứng được yêu cầu theo Luật Giáo dục vừa được Quốc hội thông qua… “Cần nhìn nhận lại vấn đề sách giáo khoa, đặc biệt là khâu thẩm định chương trình và sách giáo khoa như thế nào, việc chọn lựa, thẩm định đã chặt chẽ chưa. Khi đi giám sát chúng tôi nhận thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy trình rất đầy đủ nhưng sao vẫn để xảy ra lỗi trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1”, ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 có 5 bộ sách, trong đó có 1 bộ sách Cánh Diều có nhiều sạn. Được biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thẩm định, biên soạn bộ sách này và sớm có báo cáo với Thường vụ Quốc hội.
Theo cách đặt vấn đề trong Luật Giáo dục sửa đổi cũng yêu cầu chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới phải có tính dân tộc, tính nhân dân, khoa học, hiện đại. Ngôn từ, văn phạm trong sách giáo khoa mới phải trong sáng, dễ hiểu; vậy vì sao vẫn còn nhiều “sạn” trong bộ sách Tiếng Việt 1 gây bức xúc dư luận.
Theo Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị 12 vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm và có 5 kiến nghị gửi tới Quốc hội. Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 6 vấn đề, đó là:
Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, thực hiện tốt công tác hỗ trợ người dân. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án lớn, đồng thời quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế trọng điểm, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, về triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia; theo dõi sát sao việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; rà soát, sửa đổi quy định pháp luật để khắc phục ngay những “lỗ hổng” về cơ chế xã hội hóa tại các cơ sở y tế công.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các băng nhóm giang hồ, xã hội đen, buôn bán ma túy, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Đề nghị Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra đối với những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, các dự án thua lỗ kéo dài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quản lý chặt chẽ, tiết kiệm hơn nữa việc mua sắm, sử dụng tài sản công.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành Thanh tra và chính quyền các cấp tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhất là liên quan đến tranh chấp đất đai, thu hồi đất; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách liên quan đến đất đai; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm việc công khai các kết luận thanh tra.
Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ; rà soát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các sai phạm.