Cử tri đề nghị sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương

Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu trình bày báo cáo tại phiên họp.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu trình bày báo cáo tại phiên họp.

Sáng 10/10, tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu trình bày tóm tắt nội dung này.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giảm chi tiêu không cần thiết

Theo báo cáo, cử tri và nhân dân cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa lo kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhưng vẫn tạo nhiều điểm sáng tích cực.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về áp lực lạm phát cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp; chính sách tiền tệ và chống dịch của các nước có nhiều thay đổi khác nhau, gây nhiều khó khăn, bất lợi; giá cả nguyên vật liệu đầu vào chưa ổn định; giải ngân đầu tư công vẫn chậm, thủ tục hành chính còn rườm rà, có nơi còn trì trệ.

Cử tri bày tỏ lo ngại học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng, giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao.

Cử tri ở vùng nông thôn lo ngại các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn còn gặp tình trạng giá cả không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc; một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thiếu đầu ra ổn định.

Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn chậm do thời gian giao vốn chậm; công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do giá đất tăng; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư, nhất là đối với các dự án mới kéo dài; năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế.

Việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến nay vẫn chậm ở nhiều nơi, do quy trình, thủ tục đầu tư vẫn phải thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước, nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư.

Mặt khác do biến động về giá xăng dầu, vật tư, giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao dẫn đến hầu hết các nhà thầu thi công sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu. Do vậy các nhà thầu tổ chức thi công theo kiểu “cầm chừng” nhằm chờ giá giảm nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công.

Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.

Quang cảnh Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/10.

Quang cảnh Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/10.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao công tác hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bày tỏ sự đồng tình ủng hộ, đánh giá rất cao việc kiên quyết xử lý theo kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao.

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo ngại lớn khi kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp, trong đó tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% so với cùng kỳ năm 2021.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để không thể tham nhũng, tiêu cực.

Cử tri đề nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục tiến hành đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm nêu gương.

Cử tri cho rằng, cần có giải pháp phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, vai trò của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, của các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cử tri đề nghị Nhà nước sớm hoàn thành việc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và thông tin công khai kết quả xét xử cho người dân biết, theo dõi, giám sát.

Tin: VĂN TOẢN, Ảnh: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cu-tri-de-nghi-som-thuc-hien-lo-trinh-cai-cach-tien-luong-post719111.html