Cử tri đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra lãng phí

Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Nhiều cử tri ở tỉnh Ninh Bình rất quan tâm theo dõi và đã có nhiều ý kiến, kiến nghị về các nội dung này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh phát biểu, chiều 29/5/2024. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh phát biểu, chiều 29/5/2024. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính

Đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, cử tri Vũ Trọng Quyết, Bí thư Chi bộ phố Phúc Trung, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình đánh giá có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được triển khai trong cả nước, trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được nâng lên; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực; tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia được đẩy nhanh; cải cách thể chế về đầu tư công góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công...

Tuy nhiên, theo cử tri Vũ Trọng Quyết, việc cắt giảm thủ tục hành chính còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; thủ tục hành chính một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; công tác quản lý, sử dụng ngân sách còn hạn chế dẫn tới lãng phí; chậm giải ngân vốn đầu tư công; còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước; còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản công sau sáp nhập.

Thời gian tới, để tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cử tri Vũ Trọng Quyết cho rằng cần phải hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quyết liệt triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội... Đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

Tỷ số giới tính khi sinh giữa trai và gái vẫn khá cao

Về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, cử tri Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đánh giá, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Hệ thống văn bản pháp luật chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được quan tâm, chỉ đạo thực hiện dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị và từng nhóm đối tượng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về bình đẳng giới. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tăng cường. Nhiều mô hình thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tứng bước được hình thành, phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ đối tượng.

Đến nay, đã có 55% chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, có 25% chỉ tiêu đạt 1 phần và tiệm cận so với mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022. Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Tuy nhiên bên cạnh đó, cử tri Lê Thị Lựu cho rằng bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp chủ yếu được phân công kiêm nhiệm nhiều mảng lĩnh vực nên việc tham mưu, triển khai hoạt động bình đẳng giới ở cơ sở còn hạn chế. Nguồn kinh phí thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và các chương trình, kế hoạch công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn khiêm tốn. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia tại các lĩnh vực, địa phương chưa đồng đều; tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương còn thấp so với chỉ tiêu đề ra; tỷ số giới tính khi sinh giữa trẻ em trai và trẻ em gái vẫn còn khoảng cách khá cao. Công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới còn gặp một số khó khăn do thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ.

Cử tri Lê Thị Lựu kiến nghị Đảng, Nhà nước cần quan tâm, bố trí nguồn kinh phí hợp lý để thực hiện bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các Chương trình, Kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp; nghiên cứu, xây dựng lồng ghép Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia trong Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia...

Thùy Dung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-de-nghi-xu-ly-nghiem-nguoi-dung-dau-de-xay-ra-lang-phi-20240529191254601.htm