Cử tri Đức bắt đầu đi bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu
Theo các cuộc thăm dò, đảng trung hữu CDU được dự đoán sẽ giành chiến thắng, tuy nhiên, đảng cực hữu AfD cũng đang có tỷ lệ ủng hộ đáng kể, bất chấp những lùm xùm pháp lý đang vướng phải.
Sáng 9/6 (giờ địa phương), cử tri trong cả nước Đức bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) lần thứ 10.
Cuộc bầu cử năm nay thu hút sự chú ý đặc biệt với sự tham gia của 34 đảng tại Đức, trong đó có 9 đảng mới, tranh giành 96 ghế trong EP - con số cao nhất trong số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Theo các cuộc thăm dò, đảng trung hữu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) được dự đoán sẽ giành chiến thắng.
Tuy nhiên, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng đang có tỷ lệ ủng hộ đáng kể, bất chấp những lùm xùm pháp lý đang vướng phải.
Sự nổi lên của AfD đã khiến dư luận Đức lo ngại. Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn như Berlin, Stuttgart, Leipzig, Dresden, Munich và Frankfurt để phản đối đảng cực hữu này.
Tại Berlin, khoảng 30.000 người biểu tình đã đi qua nhiều đường phố trung tâm thủ đô, giơ cao những biểu ngữ "Chấm dứt hận thù," "Phản đối phân biệt chủng tộc."
Các cuộc thăm dò dự đoán AfD có thể giành được tới 15% phiếu bầu, một kết quả chưa từng có tiền lệ. Nếu điều này xảy ra, AfD sẽ xếp thứ hai, ngang hàng với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz.
Cuộc bầu cử EP được tổ chức 5 năm một lần. Cuộc bầu cử châu Âu đầu tiên được tổ chức vào năm 1979 và là cuộc bầu cử xuyên quốc gia lớn nhất thế giới.
Trong toàn EU, khoảng 350 triệu người được quyền đi bầu. Ở Đức, Bỉ, Malta và Áo, công dân EU từ 16 tuổi trở lên có thể bỏ phiếu, trong khi ở Hy Lạp và 18 ở các quốc gia thành viên khác, độ tuổi tối thiểu để có quyền đi bầu là 17./.