Cử tri Hà Nam quan tâm đến chế độ lương, thưởng, nhà ở cho công nhân
Ngày 14/5, tại Trung tâm Văn hóa Thể thao công nhân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, đối thoại với đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Tham dự hội nghị có hơn 300 cử tri là công nhân, viên chức, người lao động trong tỉnh.
Tại hội nghị có 18 lượt ý kiến cử tri đóng góp, kiến nghị liên quan các vấn đề trong đời sống xã hội như: chế độ lương, thưởng, phát triển nhà ở cho công nhân, chăm lo cho trẻ em là con công nhân; doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; chính sách bảo hiểm xã hội, chế độ tiền lương, tuổi nghỉ hưu của người lao động, chế độ thai sản đối với lao động nữ... Ngoài những ý kiến đóng góp trực tiếp, các cử tri là công nhân, người lao động đã có ý kiến bằng văn bản gửi Ban Tổ chức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và phản ánh đến Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế.
Cử tri Phan Thị Lĩnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sapaly, Khu công nghiệp Đồng Văn, Duy Tiên phản ánh, công nhân, người lao động tiếp cận để mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi là khó khăn. Nhiều công nhân phải ở trong các khu nhà trọ còn chật hẹp, con cái phải gửi ở quê để ông bà đưa đi học… Cử tri Phan Thị Lĩnh đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ công nhân lao động mua nhà ở xã hội thuận lợi, phù hợp với mức thu nhập bình quân của người lao động từ 5-7 triệu đồng/tháng để họ an tâm sản xuất, đảm bảo đời sống.
Cử tri Trịnh Thị Bích Thảo, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dream Plastic Hà Nam nêu rõ, hiện nay tại khu công nghiệp có đông lao động nữ, gặp khó khăn khi đăng kí học cho con tại các trường mầm non, tiểu học công lập trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú, còn các trường tư thục thì mức học phí cao so với thu nhập của công nhân lao động. Vì vậy cử tri đề nghị các cấp các ngành quan tâm xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo thêm tại các khu công nghiệp để các công nhân yên tâm công tác. Ngoài ra, chị Thảo kiến nghị về chế độ thai sản đối với lao động nữ, đặc biệt chế độ đi khám thai định kỳ. Theo quy định hiện tại, lao động nữ mang thai chỉ được đi khám thai tối đa 5 lần; cử tri đề nghị chỉnh sửa nội dung này để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe trong thời kỳ mang thai.
Ngoài ra, một số vấn đề như vấn nạn “tín dụng đen”; nhà ở xã hội; tiến độ xây dựng Khu công nghiệp Đồng Văn 4 (thị xã Duy Tiên), Khu công nghiệp tại huyện Bình Lục…, cũng được đại diện các tổ chức Công đoàn, công nhân, người lao động quan tâm, phản ánh.
Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng tiếp thu, ghi nhận những ý kiến, đề xuất, kiến nghị tâm huyết của các công nhân lao động. Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam và đại diện các sở, ngành đã giải đáp một số nội dung theo thẩm quyền, đồng thời tiếp thu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cử tri. Đoàn sẽ tổng hợp để phản ánh nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động Hà Nam đến Quốc hội tại kỳ họp tới.
Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân lao động, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam khẳng định: Đây là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ quan tâm và được đông đảo công nhân mong đợi. Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở, nhà lưu trú mới cho công nhân tại khu vực Đồng Văn và tiếp tục hỗ trợ về mặt pháp lý để công nhân lao động có thể mua nhà ở xã hội thuận lợi. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian và khảo sát nhu cầu của công nhân lao động trên địa bàn, để khi nhà ở được kêu gọi đầu tư và xây dựng sẽ thu hút được đông đảo công nhân, hạn chế lãng phí và phát huy hiệu quả. Tỉnh sẽ quy hoạch khu vực, tạo điều kiện tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa đảm bảo sự phát triển đồng bộ.
Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng 100 phần quà (mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng) cho công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.