Cử tri Hà Nội: Thật buồn và đau xót khi cán bộ coi tiền cao hơn lý tưởng
'Thời gian qua, cử tri đều thấy buồn và đau xót khi có đến hơn 70 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, coi tiền cao hơn lý tưởng', một cử tri thành phố Hà Nội nêu quan điểm vào ngày 7/12, khi đơn vị bầu cử số 1, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri 3 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, do bận công tác đột xuất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không tham dự buổi tiếp xúc cử tri theo kế hoạch.
Gửi lời chúc sức khỏe tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng các đại biểu, cử tri Hà Nội đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng đang tiếp tục được Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tiến hành quyết liệt. Nhiều cán bộ cấp cao vi phạm đã bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý cả về hình sự, không có vùng cấm. Nhiều vụ án lớn đã được xử lý dứt điểm, thu hồi tài sản tham nhũng, làm trong sạch bộ máy.
Cử tri Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, Quốc hội cần giám sát về công tác cán bộ, đặc biệt khi năm 2020 là năm đại hội Đảng các cấp. “Thời gian qua, cử tri đều thấy buồn và đau xót khi có đến hơn 70 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, coi tiền cao hơn lý tưởng. Buồn và đau xót hơn có ngành, địa phương vi phạm kỷ luật khá nhiều như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Công an, Quân đội… Đây là bài học đau xót trong chính cơ quan Đảng, chính quyền”, ông Duy bày tỏ.
Cử tri Hà Nội cho rằng, quyền phải đi liền với trách nhiệm, cho nên các quy định về công tác cán bộ phải chặt chẽ, kỹ càng, người đứng đầu cấp ủy cần cam kết trước nhân dân về cán bộ của mình. Nếu nhiều cán bộ vi phạm thì người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm thế nào, đồng thời cần xin lỗi trước nhân dân khi để cán bộ đảng viên vi phạm.
Cùng quan điểm, theo cử tri Đặng Tài Tính (phường Cống Vị, quận Ba Đình), dù thời gian qua Đảng đã quyết tâm đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, song điều quan trọng là phải thu hồi tài sản và quan tâm đến công tác cán bộ.
“Như cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ hơn 3 triệu USD mà cứ như không. Tại sao lại để bộ máy như vậy? Cho nên cần quan tâm đến công tác cán bộ cấp chiến lược. 70 cán bộ bị xử lý trong thời gian qua là bài học đau xót nhưng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan nào, cá nhân nào trong bố trí, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Không để người yếu kém lọt vào bộ máy chính trị là điều nhân dân rất quan tâm”, ông Tính cho hay.
Từ những bài học đau xót về cán bộ trong thời gian qua, cử tri kiến nghị, đại hội Đảng tới, ngoài việc quy hoạch, chọn cán bộ như quy định thì trong Nghị quyết Đại hội nên có mục cam kết trước nhân dân về danh dự, trách nhiệm quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, nếu để nhiều cán bộ diện cấp ủy quản lý vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chịu hình thức trách nhiệm trước Đảng, nhân dân thế nào?
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học Viện Quốc phòng nói thêm, năm 2019 có rất nhiều biến động, tác động lớn tới tình hình khu vực, an ninh quốc phòng. Từ tháng 7 đến cuối tháng 10, Trung Quốc đã đưa tàu thăm dò sang khoan tại vùng đặc quyền của nước ta là điều rất phi lý. Nhưng phương châm giải quyết của chúng ta phải dựa trên hòa bình. Vì nếu xảy ra chiến tranh thì rất gay, như thương mại của ta với Trung Quốc là 120 tỷ USD, bằng 50% GDP.
“Trong bối cảnh như vậy nhưng hiện 21 đảo, 33 điểm đóng quân vẫn được đảm bảo, các hoạt động khai thác của ta vẫn được duy trì diễn ra bình thường. Đó là thành công rất lớn của chúng ta”, Tướng Khoa cho hay.