Cử tri hỏi - cơ quan chức năng trả lời
Bố trí kinh phí cho Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Tổ hòa giải
ở cơ sở phù hợp với tình hình tại địa phương
Cử tri nhiều địa phương trong tỉnh phản ánh: Hiện nay, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Tổ hòa giải ở cơ sở chưa được bố trí kinh phí hoạt động do xã, phường không cân đối được nguồn ngân sách. Do vậy, cử tri đề nghị HĐND tỉnh có chủ trương phân bổ ngân sách cho hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Tổ hòa giải ở cơ sở theo Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư và Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.
Về vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh trả lời như sau: Đối với kinh phí hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, tại tỉnh Ninh Bình, theo quy định tại Nghị quyết số 113/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh, kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn cấp xã đã nằm trong định mức phân bổ chi thường xuyên cho ngân sách cấp xã. Theo quy định của Chính phủ, chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn các xã được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và do ngân sách cấp xã đảm bảo; mức kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn xã do HĐND cấp xã quyết định và đảm bảo mức kinh phí tối thiểu 10 triệu đồng/năm. Như vậy, việc bố trí kinh phí và quyết định mức hỗ trợ giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn xã, phường, thị trấn do HĐND cấp xã quyết định.
Đối với kinh phí hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở: Tại Nghị quyết số 116/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh quy định kinh phí thực hiện đề án tại cấp xã bao gồm kinh phí hỗ trợ cấp xã để triển khai thực hiện các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là 12 triệu đồng/năm/xã. Kinh phí này được bố trí trong định mức chi sự nghiệp giáo dục cho ngân sách cấp xã. Như vậy từ năm ngân sách 2022, ngân sách tỉnh đã cân đối kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có kinh phí hòa giải cơ sở trong dự toán chi ngân sách cấp xã.
Trong năm 2022, qua công tác nắm tình hình, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 69/143 xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; có 76/143 xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho Tổ hòa giải ở cơ sở Như vậy, việc bố trí kinh phí cho hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Tổ hòa giải ở cơ sở là không đồng đều, cơ bản là không bố trí theo quy định.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, để đảm bảo thống nhất trong việc thực hiện các chính sách, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn báo cáo HĐND cùng cấp bố trí kinh phí cho hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Tổ hòa giải ở cơ sở trong dự toán ngân sách Nhà nước từ năm 2023 đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thay đổi hình thức tặng quà từ hiện vật sang tiền mặt
Cử tri một số huyện, thành phố đề nghị tỉnh quan tâm, thay đổi hình thức tặng quà từ hiện vật sang tiền mặt để người có công, gia đình người có công chủ động trong việc mua đồ vật phù hợp đối với từng đối tượng.
Về vấn đề này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, chuyển quà tặng bằng tiền mặt đến các đối tượng một cách chu đáo và đảm bảo đúng đối tượng.
Áp dụng mức phụ cấp
cho người làm việc ở các hội đặc thù cơ sở theo đúng quy định
Cử tri huyện Yên Mô đề nghị tăng mức phụ cấp cho những người làm việc ở các hội đặc thù cơ sở.
Về vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh trả lời như sau: Tại Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng và Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 2/1/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW đã xác định: Từ năm 2021, thực hiện việc khoán kinh phí hoạt động theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Thể chế hóa các quy định trên, hiện nay Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐCP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Vì vậy, sau khi Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 45/2010/NĐCP ngày 21/4/2010, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan triển khai thực hiện việc áp dụng mức phụ cấp cho những người làm việc ở các hội đặc thù cơ sở theo đúng quy định.
Xem xét kiến nghị điều chỉnh đất trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản
Cử tri huyện Kim Sơn đề nghị tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn việc điều chỉnh đất trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Kim Trung cho đúng với hiện trạng để tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các quyền liên quan đến đất đai.
Về vấn đề này, UBND tỉnh trả lời như sau: Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản đã được quy định cụ thể tại Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản có liên quan. Nội dung trên thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Kim Sơn. UBND tỉnh giao UBND huyện Kim Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét giải quyết kiến nghị trên của cử tri.